Trợ lý ảo Assistant của Google hiện đã hỗ trợ hệ điều hành iOS, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là trợ lý ảo này có xứng đáng thay thế Siri hay không? Câu trả lời là có, và bài viết dưới đây sẽ liệt kê những điểm khác biệt của Google Assistant so với Siri, giúp bạn có được cái nhìn tổng quát hơn.
Ngay khi ra mắt trên hệ điều hành Android, Google Assistant được đông đảo người dùng đón nhận, sử dụng và đánh giá cao vì những ưu điểm mà trợ lý ảo này mang lại. Một thời gian ngắn sau đó, Google đã có một bước đi lớn khi quyết định mang trợ lý ảo Assistant lên trên iOS thông qua kho App Store, chứ không độc quyền cho các thiết bị chạy Android nữa. Dù vậy, Google Assistant trên iOS vẫn có những ưu và nhược điểm nhất định nếu so với Siri.
Người dùng cần lưu ý thêm là trợ lý ảo Google Assistant trên iOS chỉ mới hỗ trợ tại thị trường Mỹ, trong khi tại các quốc gia khác thì chưa.
Cách khởi chạy trợ lý ảo
Cách khởi chạy là yếu tố đầu tiên thể hiện sự khác biệt giữa 2 trợ lý ảo này. Nếu như Siri được tích hợp sẵn trong iOS thì Assistant lại hoạt động độc lập như một ứng dụng thông thường. Để khởi chạy Siri, người dùng chỉ việc nhấn giữ nút Home trên iPhone, hoặc iPad, trong khi đó để khởi chạy Assistant thì bạn cần phải mở ứng dụng này lên chứ không thể dùng phím tắt hay ra lệnh giọng nói như trên Android.
Hơn nữa, vì được tích hợp sẵn trong iOS nên khi khởi động lên thì trợ lý ảo Siri không yêu cầu người dùng phải đăng nhập tài khoản, đơn giản vì trước đó bạn đã được xác nhận thông qua tài khoản Apple ID của mình. Trong khi với Assistant trên iOS, người dùng bắt buộc phải đăng nhập tài khoản của Google mới có thể sử dụng được trợ lý ảo này.
Phát nhạc
Ngoài những câu lệnh yêu cầu mở ứng dụng thông thường với Google Assistant, bạn còn có thể yêu cầu trợ lý ảo này phát nhạc. Tuy nhiên, thay vì luôn mở Apple Music để phát nhạc như Siri, Google Assistant lại đưa ra thông báo yêu cầu bạn chọn giữa Apple Music và YouTube trước khi có thể phát nhạc. Như vậy, ở phần phát nhạc có thể thấy trợ lý ảo Google Assistant tiêu tốn nhiều thời gian lẫn thao tác của người dùng hơn so với Siri.
Assistant chạy ứng dụng của Google, Siri chạy ứng dụng của Apple
Mặc định khi ra lệnh gửi email hay tìm kiếm bản đồ cho Assistant, trợ lý ảo này sẽ tự động chạy những ứng dụng của Google như Gmail hay Google Maps, và không thể chạy những ứng dụng của bên thứ 3. Trong khi trợ lý ảo Siri sẽ thực hiện những công việc nói trên với các ứng dụng của Apple như Mail hay Apple Maps, đồng thời bạn có thể ra lệnh cho Siri mở các ứng dụng của bên thứ 3 như Gmail, Google Maps,... một cách hoàn toàn bình thường.
Có thể thiết lập phím tắt
So với Siri, Google Assistant tỏ ra có phần vượt trội ở khả năng thực hiện nhanh một chức năng, thao tác nào đó thông qua phím tắt được thiết lập trong phần cài đặt, chẳng hạn như bạn có thể nói “I’m coming there” cho trợ lý ảo để soạn nhanh một đoạn tin nhắn cho ai đó rằng bạn đang đến. Trong khi với Siri, bạn chỉ có thể ra lệnh cụ thể chứ không thể sử dụng phím tắt để thực hiện nhanh một thao tác nào đó.