Tất cả đều phát hành game không phép
Một trong những công ty Trung Quốc làm game rầm rộ ở Việt Nam là KoramGame, theo nhiều nguồn tin, đây là công ty con của Kunlun – Trung Quốc. Ngay khi vào Việt Nam, KoramGame đã phát hành hàng loạt game trong nước như Tuyệt Đỉnh Tam Quốc, Phong Vân Tam Quốc 2, Tiên Cảnh, Mảnh Tướng Vô Song…Sau nhiều lần bị cơ quan truyền thông trong nước phản ánh, nhà phát hành này đã đưa các sản phẩm của mình về một công ty có tên gọi là CENS, đồng thời lập thêm công ty mang tên Vietking Games để phát hành các sản phẩm như Mộng Tây Du, Long Hổ Tướng, Truyền Thuyết Thánh Vực.
Các thông tin liên hệ cũng như thông tin về nhà phát hành được KoramGame giấu kín trên các website game của mình, thứ duy nhất để người chơi liên hệ là số di động chăm sóc khách hàng 0932365xxx được đăng tải trên website. Theo các thông tin về tuyển dụng mà công ty này đăng tải trên các website về việc làm, thì trụ sở của công ty này hiện nằm tại quận Tân Bình, TP.HCM.
Một công ty Trung Quốc cũng nổi bật không kém là Công ty cổ phần Tuyệt Phẩm, có trụ sở ở Quận 5, TP.HCM. Đây là công ty chi nhánh của Chang You, thuộc tập đoàn lớn SOHU ở Trung Quốc. Xuất hiện từ năm 2010 và sở hữu nhiều game chất lượng cao trên thị trường, nhưng Tuyệt Phẩm hiện không trực tiếp phát hành game mà kết hợp với một số cổng game trong nước, để đưa game mình lên đó, điển hình như có game Thế Chiến II trên cổng sohagame.
Tiếp theo là công ty Lemon Game, cũng là một doanh nghiệp Trung Quốc vào làm game ở Việt Nam, hiện đại diện là nhà phát hành AFOO, trụ sở cũng tại Tân Bình, TP.HCM. Công ty này cũng đã phát hành một số game tại Việt Nam như Tiên Tích, Nhị Chiến Phong Vân và mới đây nhất là Wartune.
Và gần đây nhất còn xuất hiện thêm công ty myw.vn, có trụ sở tại Hà Nội, đang phát hành 2 sản phẩm game là Vùng Đất Thủ Lĩnh Rồng và Tiên Ngạo Tây Du. Ngoài ra, còn có các nhà phát hành game khác đã âm thầm xâm nhập thị trường trong nước như 37wan, renren…
Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ KoramGame hoạt động rầm rộ nhất trên các phương tiện truyền thông, các nhà phát hành Trung Quốc khác đều thâm nhập vào thị trường theo dạng thăm dò, ngấm ngầm chuẩn bị và sẵn sàng bung game ra ở bất cứ thời điểm nào khi có điều kiện thuận lợi.
Nhiều vấn đề 'nhạy cảm'
Với việc xâm nhập vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc này tung đủ 'chiêu trò' mang tính cạnh tranh không lành mạnh, cũng như tiến hành quảng cáo đầy những hình ảnh 'nhạy cảm' về game của mình, để thu hút game thủ trong nước.
Điển hình như KoramGame khi phát hành game ở Việt Nam, ngay lập tức họ mua hầu hết từ khóa tên game của các công ty trong nước trên Google, để khi người dùng tìm kiếm thông tin game trên đó, thì hiện ra game của mình. Rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã rất bức xúc, khi game của mình chưa ra lại bị nhà phát hành khác lợi dụng để PR game của họ. Ngoài ra, nhiều 'chiêu trò' quảng cáo phản cảm cũng được các công ty game này đưa ra, trong đó có việc sử dụng những hình ảnh 'sex' trên trang chủ hay các trang giới thiệu (teaser), banner quảng cáo, nhằm lôi kéo người chơi vào game.
Còn ở hình thức kinh doanh, các game của những công ty này thường không phải mua bản quyền như các doanh nghiệp trong nước, mà được các công ty mẹ từ Trung Quốc đổ về với số lượng rất lớn. Chính vì thế, doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh, bởi trong khi họ phải bỏ ra số tiền lớn mua bản quyền cũng như còn phải chia sẻ lợi nhuận cho doanh nghiệp giữ bản quyền, thì các công ty này chỉ việc mang game ra và phát hành cho game thủ.
Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là các game của nhà phát hành này đều không được kiểm duyệt, vì thế toàn bộ về nội dung các game này đều giữ nguyên như ở Trung Quốc, khi được phát hành ở Việt Nam. Đây là một điều rất nguy hiểm, bởi như chúng ta đều biết, vừa qua một số game của Trung Quốc đã được phục vụ cho mục đích truyền bá chính trị, chẳng hạn việc các doanh nghiệp game Trung Quốc đưa 'đường lưỡi bò' vào game. Điển hình như VNG đã phải đóng cửa game Chinh Đồ do mình đang phát hành, vì đối tác Trung Quốc đưa đường lưỡi bò vào phiên bản cập nhật mới của game này. Hay việc Thời Báo Hoàn Cầu cũng từng mở game 'Hành động liên hợp Nam Hải (Biển Đông)', với mục đích tiêm nhiễm, kích động người chơi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…với nhiều lời lẽ mang tính kích động thù hằn dân tộc.
Trong khi đó, những người chơi game ở Việt Nam đều có độ tuổi khá trẻ, chính vì thế rất dễ bị tiêm nhiễm những nội dung 'nhạy cảm' trên, đây là điều mà các cơ quan quản lý cần xem xét kỹ và mạnh tay dẹp bỏ các công ty đang hoạt động kiểu này.