Theo danh sách game đã được cấp phép trên thị trường do Bộ TT&TT đưa ra, thì các game có tên là Nhiệt Huyết, Tam Quốc Hồn và Bá Đao 3D được công ty này phát hành, đều là những game không có mặt trong danh sách này. Trao đổi với đại diện Cục quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, vị đại diện này cũng cho biết, các game trên của công ty này hoàn toàn chưa được cấp phép để phát hành ra thị trường trong nước, do nội dung game liên quan đến kiếm hiệp, một thể loại đang tạm ngưng cấp phép hiện nay.
Riêng về thông tin Maria Ozawa đến Việt Nam, mặc dù phía VDC – Net2E đưa ra bình luận không liên quan đến thông tin này, nhưng họ cũng không phủ nhận khi thông báo họ đưa ra khẳng định: 'bất cứ một đơn vị nào tại Việt Nam đều có thể lựa chọn Maria Ozawa làm gương mặt đại diện cho sản phẩm của mình và VDC-Net2E cũng không phải là ngoại lệ'
Thực tế, nếu điều đó xảy ra sẽ vô cùng nguy hiểm, bởi khi diễn viên 'khiêu dâm' này đại diện cho các game không phép mà họ đang phát hành ở trên sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Do game không phép là game không được kiểm duyệt nội dung ở trong nước, các nội dung bạo lực, yếu tố sex hay các nội dung 'nhạy cảm'…hoàn toàn có thể tồn tại trong các game này. Đặc biệt, các nhà phát hành như VDC – Net2E cũng có thể đưa nhiều tính năng vào để phục vụ game thủ và khả năng họ đưa Maria Ozawa vào game hoàn toàn có thể xảy ra.
Và việc Maria Ozawa có đến Việt Nam hay không vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, rất nhiều người hoạt động trong làng game cho rằng, đây có thể là một chiêu PR của doanh nghiệp này. Bởi thông tin về Maria Ozawa xuất hiện vào đúng thời điểm phía công ty VDC – Net2E tung ra nhiều sản phẩm mới trên cổng Ongame của mình. Đáng nói hơn trong lời giải thích về tin đồn trên, phía VDC – Net2E cũng cố gắng ghép các sản phẩm mới của mình vào đó, khiến độ nghi ngờ càng tăng lên.
Có thể nói, game online ở Việt Nam hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều vấn đề về quản lý, khi thiếu các chế tài đối với doanh nghiệp. Chính vì thế, game không phép xuất hiện 'nhan nhản', kéo theo đó các doanh nghiệp tung ra rất nhiều 'chiêu trò' khác nhau để PR cho game của mình. Đặc biệt những hình ảnh, biểu tượng mang yếu tố 'sex' trong thời gian gần đây được sử dụng PR game ngày càng nhiều hơn. Đây là một hoạt động đáng 'báo động' và cơ quan quản lý cần sớm chấn chỉnh, bởi đa số những người chơi game đều ở độ tuổi rất trẻ và có cả các học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.