Thực tế trong những năm gần đây, các sản phẩm của Apple được ra mắt nhưng không có nhiều sự thay đổi tuy nhiên người dùng vẫn rất trung thành với các sản phẩm của hãng.
Vậy Apple đã làm gì để có thể thu hút được người dùng vẫn đổ xô đi mua sản phẩm của mình như vậy?
Hàng quý, có cả chục triệu chiếc iPhone được bán ra trên toàn cầu và người dùng mua chúng không phải bởi vì họ hoàn toàn thích phần cứng của máy. Phần cứng là yếu tố quan trọng nhưng không phải là quyết định khi quyết định mua một chiếc smartphone. Ngoài phần cứng, người dùng mua iPhone bởi nó có một hệ sinh thái phần mềm và dịch vụ ngày càng phát triển và trải dài. Hệ sinh thái này cho phép người dùng làm được nhiều việc hơn với các sản phẩm nếu bạn tiếp tục đầu tư vào hệ sinh thái đó.
Vào năm 2007, Apple đã chính thức ra mắt chiếc iPhone đầu tiên, người dùng iPod lúc này đã quen với iTunes và khi chuyển sang iPhone họ dễ dàng sử dụng mà không gặp nhiều khó khăn. Từ lúc này, iTunes đã trở nên thân thiện hơn với người dùng hơn BlackBerry, Windows Mobile hay Palm. Có thể nói iTunes chính là hạt giống của hệ sinh thái do Apple tạo ra sau này. Trong 10 năm qua, hạt giống ấy đã phát triển trở thành một cây cao, to và đầy sức sống.
Apple Store được ra mắt từ 2008. Người dùng đã có thể mua ứng dụng và game trên cửa hàng này vì vậy người dùng ngày càng gắn bó hơn và tiếp tục mua các sản phẩm của “Táo khuyết” để tiếp tục chơi game, sử dụng những app mà mình thích đồng thời cũng bỏ qua các lựa chọn khác như BlackBerry hay Android.
Apple tiếp tục xây dựng hệ sinh thái này thông qua việc thay đổi cách mà các sản phẩm của hãng tương tác với nhau. Ví dụ điển hình chính là iMesage và FaceTime. Hãng này đã mang 2 ứng dụng trên lên iPad, có nghĩa là người dùng có thể dễ dàng gọi điện hay nhắn tin ngay trên chiếc tablet của mình. Về sau, một tính năng tương tự được cập nhật cho Mac cho phép người dùng có thể gọi điện ngay trên chiếc laptop này. Nhìn chung, khi sử dụng càng nhiều thiết bị của Apple thì chúng càng hoạt động tốt với nhau.
Vào lúc được ra mắt, Siri – cô trợ lý ảo của Apple chỉ có mặt trên iPhone và iPad, sau này “Táo khuyết” đã đưa Siri lên Mac, Apple TV và cả Apple Watch. Giọng nói của cô trợ lý ảo này đã dẫn trở nên quen thuộc với Apple dù học đang dùng sản phẩm nào của Apple.
Apple TV đã phát triển từ một thiết bị mà CEO Tim Cook nói rằng nó là “sở thích” trở thành một thiết bị stream có cả kho ứng dụng riêng. Nếu bạn sở hữu một chiếc iPhone hay iPad, bạn có thể dễ dàng truy cập toàn bộ ảnh trong ứng dụng Photos trên các thiết bị khác nhau, ngay cả trên Apple TV.
Home - ứng dụng trên iOS cho phép người dùng điều khiển bóng đèn, khóa cửa… miễn là các sản phẩm này sử dụng bộ công cụ lập trình HomeKit của Apple. Khi người dùng quyết định sử dụng những sản phẩm trên, một lần nữa họ lại quyết định “trói chặt” bản thân với hệ điều hành do Apple tạo ra. Bên cạnh đó, với sự phổ biến của các cửa hàng bán lẻ của mình, việc quảng cáo và bán các sản phẩm này không phải là một việc quá khó khăn đối với Apple.
Ngay khi bước chân vào các cửa hàng Apple Store, bạn sẽ ngay lập tức được các nhân viên có kinh nghiệm hướng dẫn cho bạn cách sử dụng bất kỳ sản phẩm nào của Apple một cách chính xác và chuyên nghiệp. Bạn cũng có thể trải nghiệm và mua bất cứ sản phẩm nào của Apple mà bạn cần. Đây cũng là nơi hỗ trợ của Apple, nơi mà bạn có thể đến và hỏi bất cứ câu hỏi nào liên quan tới các sản phẩm của hãng cùng như sản phẩm hỏng để có thể phản ánh.
Các đối thủ không có hệ sinh thái tốt
Các đối thủ khác của Apple cũng muốn phát triển theo hướng này. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhà sản xuất nào thực sự thành công. Các hệ sinh thái của các hãng khác thường khá “hỗn loạn” và khiến người dùng khó sử dụng bởi phần đông trong số họ chỉ là những người dùng phổ thông.
Google cũng là một trong số đó, họ đang có những bước đi rõ nét trong việc tích hợp các sản phẩm mới nhất của mình như Google Home, điện thoại Pixel, Chromecast, và các thiết bị khác nữa. Đó có thể là một hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, Google phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác để xây dựng và duy trì hệ sinh thái khiến cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn.
Ví dụ: một người dùng smartphone chạy Android của LG làm cách nào để biết sản phẩm smart home nào tương thích với smartphone của mình? Một người dùng TV box của Nvidia và smartwatch Android của Huawei sẽ tìm sợ trợ giúp từ đâu?
Samsung là hãng đang làm tốt nhất trong việc tạo ra một hệ sinh thái tương tự như Apple. hãng này bán smartphone, tablet, TV, thiết bị đeo và laptop. Samsung cũng có ứng dụng như SideSync cho phép tương tác với smartphone từ tablet hay laptop hoặc như một trong những công nghệ thanh toán của hãng là Samsung Pay được chấp nhận thành toán ở nhiều nơi.
Bên cạnh đó, vào năm 2014, Samsung cũng đã mua lại Smartthings – công ty công nghệ về smart home với giá 200 triệu USD. Smartthings có tính “mở” hơn Apple HomeKit, nó hỗ trợ cả iPhone lẫn các thiết bị của hệ điều hành Android cùng nhiều sản phẩm smart home khác như ổ cắm điện, khóa cửa, cho đến camera an ninh…
Tuy vậy, Samsung không có một kho ứng dụng lớn như đối thủ của mình. Samsung không có nơi bán nhạc, phim và TV show cho người dùng và Samsung cũng không cung cấp được một trải nghiệm liền mạch và xuyên suốt trên toàn bộ các sản phẩm của mình. Ngoài ra, Samsung cũng không có các cửa hàng tương tự như Apple Store mà phụ thuộc rất nhiều vào các điểm bán lẻ để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của mình. Chính điều này đã gây bất lợi lớn cho hãng bời vì khi một hệ sinh thái đủ lớn, người dùng có nhu cầu muốn một không gian để tìm hiểu và trải nghiệm tính năng của sản phẩm và hiện tại, Apple Store là nơi duy nhất đáp ứng điều này.
Tựu chung lai, các đối thủ của Apple có thể làm ra được những chiếc smartphone, laptop, hay thiết bị thực tế ảo, tốt hơn. Tuy nhiên, Apple lại đi trước đối thủ nhiều năm trong việc xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm có tính ràng buộc nhau. Đó chính là lý do vì sao riêng bộ phận dịch vụ của Apple cũng đã có quy mô gần bằng một công ty nằm trong top 100 của Fortune. Đây chính là lý do người dùng tiếp tục đổ xô vào các sản phẩm của Apple.
Theo: CNBC