Sau tết Nguyên đán, ba nhà mạng lớn liên tục thông tin về việc “tung” các đầu số mới. Những đầu số như 086 (phát lộc), 088 (song phát), 0888 (đại phát) và 089 (phát trường cửu) đã khiến cho nhiều khách hàng, đặc biệt là giới buôn sim “nóng ruột”chờ đón.
Thị trường viễn thông sôi động
Thông tin về những đầu số mới đã hâm nóng thị trường viễn thông, vốn đang bình lặng trong thời gian qua, thu hút sự quan tâm của nhiều “đại gia” sim số đẹp trên khắp cả nước. Đầu tiên phải kể đến sự ra mắt của đầu số 088 của mạng di động VNPT Vinaphone. Người dùng được đăng ký sim qua website của nhà mạng từ ngày 28-2 nhưng phải đến ngày 7-3 mới được chính thức sở hữu. Ngay kể cả cách tiếp cận thị trường của nhà mạng này cũng rất chiến thuật, khi mà chỉ bán ra đợt đầu có 1.000 thuê bao tại 2 điểm bán duy nhất là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Với mạng viễn thông Quân đội Viettel, đầu số mới 086 được tung ra thị trường vào ngày 5-3, trước 2 ngày so với đầu số 088 của Vinaphone. Điểm khác biệt của Viettel là nhà mạng khẳng định không giới hạn về số lượng thuê bao đầu số mới. Đồng thời giá tung ra thị trường sẽ rất thấp với nhiều gói cước phù hợp. Nhóm đối tượng hay sử dụng Viettel thường là học sinh, sinh viên và những người có nhu cầu sử dụng gói cước thấp.
Không kém cạnh, nhà mạng mobifone cũng tung ra 10.000 thuê bao đầu số 089. Khách hàng đăng ký sim qua website vào ngày 6-3 và sẽ được chính thức sở hữu vào ngày 9-3. Nhóm khách hàng mà nhà mạng hướng tới chủ yếu là thế hệ 8X và 9X, đây là thế hệ trẻ có tiềm năng phát triển thị trường. Mức giá cước mà Mobifone áp dụng cho các đầu số mới không cao hứa hẹn sẽ thu hút được lượng khách hàng lớn.
Các đầu số mà ba nhà mạng tung ra thời điểm này thu hút được sự quan tâm không nhỏ từ phía người tiêu dùng (NTD). Nhiều người ngồi hàng giờ trên máy vi tính để “săn” đầu số ưa thích. Trong khi Mobifone và Viettel làm nóng thị trường tỉnh cũng như nhóm khách hàng bình dân thì Vinaphone lại khiến cho nhiều khách VIP quan tâm với đầu số 0888, chỉ sử dụng cho các thuê bao trả sau.
Trao đổi với PV, anh Tiến Dũng, chủ cửa hàng sim thẻ trên đường Láng, cho biết, nhiều cửa hàng đã đăng ký mua lượng lớn sim số đẹp để “om” hàng. Giá bán những đầu số VIP dao động từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng, tùy vào đặc tính từng số. “Lâu lắm rồi thị trường sim số đẹp mới lại sôi động trở lại như hiện nay, nhất là sau khi những thông tin từ việc chuyển đổi sim từ 10 số sang 11 số được đưa ra bàn luận”, anh Dũng chia sẻ thêm.
Thị trường viễn thông sẽ tiếp tục xuất hiện hàng triệu thuê bao ảo. Ảnh: N.Tuấn
Quan ngại về sim rác
Việc tung ra các đầu số mới của ba nhà mạng dù thu hút được khá nhiều sự quan tâm từ khách hàng nhưng cũng nhận sự quan ngại không ít của các nhà quản lý. Thực tế cho thấy sim số 11 số mà các nhà mạng tung ra cách đây vài năm chịu sự “ghẻ” lạnh của không ít NTD. Những chiếc sim đó không nhận được nhiều sự quan tâm từ phía khách hàng, đặc biệt là các khách hàng tiềm năng.
Phần lớn hiện nay sim 11 số (trừ các số đẹp) được dùng ở khu vực nông thôn và dành cho khách hàng là học sinh, sinh viên – Đây là nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng gói cước thấp. Thậm chí, nhiều sim 11 số được các đơn vị kinh doanh dùng làm “sim rác” để đẩy các thông tin giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa.
Những nguyên nhân này đã khiến cho lượng khách hàng dùng sim 11 số không ổn định, tạo ra số lượng sử dụng ảo của đầu số này. Điều này tạo nhiều khó khăn trong công tác quản lý số ĐTDĐ, khiến việc hạn chế “sim rác” gặp nhiều vất vả.
Theo anh Dũng, việc các đầu số đẹp được tung ra thời điểm này đã khiến cho thị trường trở nên “nóng”. Các nhà mạng đã “lợi dụng” việc này để quảng bá và gây dựng hình ảnh của mình. Từ đó gia tăng lượng người sử dụng và dùng sim di động. Đi theo những đầu số này là nhiều gói cước hấp dẫn được các nhà mạng tung ra, thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Trong khi các nhà mạng vui mừng vì sự kiện đầu số mới thì không ít nhà quản lý đang cảm thấy “nản” khi họ đang phải đối diện với vấn nạn thuê bao ảo, sim rác. Các giải pháp hạn chế được đưa ra lại trở nên “cũ” tại thời điểm này. Điều này gây áp lực không nhỏ lên các cơ quan chức năng trong việc xử lý dứt điểm tình trạng tin nhắn rác.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Giang, giảng viên trường ĐH Thương mại, nhận định: Đối với DN thì việc tạo ra các sự kiện thu hút khách hàng như vậy là rất thành công. Tuy nhiên đó mới chỉ là bề nổi bởi phần lớn NTD quan tâm và sử dụng sản phẩm của họ chủ yếu là do tác động của việc quảng bá chứ chưa chắc đã là vì nhu cầu thực. Do đó, các đầu số mới có thể tăng nhưng không đồng nghĩa với việc lượng khách hàng tăng bởi chắc chắn sẽ có một lượng sim lớn bị “bỏ”. Điều đó cho thấy khách hàng chưa thực sự “trung thành”, họ sẵn sàng bỏ nhà mạng hoặc sản phẩm, mà ở đây là sim số, để chuyển hướng sang nhà mạng khác hoặc sản phẩm khác.
Theo ông Giang, công tác quản lý đối với sim số sẽ lại càng vất vả hơn. Nhất là khi mỗi người dân sử dụng 2 đến 3 đầu số điện thoại trong khi nhu cầu thực tế chỉ là 1. Những thông tin ảo, những tin nhắn ảo hay những thuê bao ảo sẽ tiếp tục “phủ” thị trường viễn thông Việt Nam trong thời gian tới. “Nếu vẫn tiếp tục duy trì và phát triển thị trường theo cách này thì các nhà mạng sẽ mãi rơi vào tình trạng quản lý thuê bao ảo”, ông Giang nói thêm.
Nguyễn Tuấn