Các kế hoạch đầu tư mới vào thị trường viễn thông đang được các nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị cho Vietnamobile và Gmobile, hứa hẹn sức nóng cạnh tranh mới trên thị trường vốn đang bị chi phối bởi các nhà mạng trong nước.
Vietnamobile tăng vốn đầu tư thêm 210 triệu USD để nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh
Trong suốt nhiều năm qua, dù được coi là thị trường viễn thông đầy tiềm năng phát triển, nhưng đây lại là sân chơi riêng của ba nhà mạng trong nước gồm Viettel, Vinaphone và Mobiphone.
Tăng vốn
Hiện tại, cả Hà Nội Telecom và Hutchison Asia Telecommunications (Hồng Kông) đã gửi các hồ sơ cần thiết lên Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội để xin chuyển đổi mô hình của Vietnamobile từ mô hình hợp tác kinh doanh sang Cty cổ phần. Đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc lại mạng Vietnamobile mà cả Hà Nội Telecom và Hutchison Asia Telecommunications đã lập ra từ lâu.
Trong báo cáo tài chính thường niên của Hutchison Asia Telecommunications công bố đầu năm ngoái, Cty này đã nêu rõ chiến lược ở Việt Nam trong năm 2015 là cố gắng quản lý việc kinh doanh nhằm thu hồi và giảm chi phí đầu tư, và chuyển từ hình thức hợp tác kinh doanh sang công ty cổ phần khi có điều kiện thuận tiện.
Có lẽ bây giờ điều kiện thuận tiện đã đến. Nhưng không chỉ dừng ở việc chuyển đổi mô hình, cả hai bên còn xin phép đầu tư thêm 210 triệu USD vào hệ thống hạ tầng của Vietnamobile để nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của mạng di động này.
Nhưng số tiền Hà Nội Telecom và Hutchison Asia Telecommunications dự kiến đầu tư thêm vào Vietnamobile chỉ bằng 1/10 số vốn tăng thêm mà Cty Cổ phần viễn thông di động Toàn Cầu – chủ sở hữu thương hiệu Gmobile – dự kiến tăng thêm trong thời gian tới. Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Gmobile đã đề xuất dự án chuyển đổi từ Cty trong nước sang Cty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Như vậy có nghĩa là sẽ có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Gmobile trong thời gian tới.
Hiện tại vẫn chưa rõ thông tin chi tiết về kế hoạch tăng vốn của cả Vietnamobile và Gmobile. Tuy vậy, dựa trên các kế hoạch tăng vốn đầu tư, có thể thấy rằng cả Vietnamobile và Gmobile đều đang có tham vọng mở rộng miếng bánh thị phần của mình, sau nhiều năm chỉ giành được một phần nhỏ.
Gia tăng sức nóng?
Cả ba nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone hiện đang chiếm hơn 90% thị phần viễn thông di động tại VN. Kết quả kinh doanh cuối năm 2015 cho thấy doanh thu của Viettel, Vinaphone và Mobiphone cộng lại đạt hơn 15 tỷ USD, trong đó riêng Viettel là xấp xỉ 10 tỷ USD.
Hai mạng di động còn lại là Vietnamobile và Gmobile chiếm một tỷ lệ rất nhỏ không đáng kể. Vậy, việc Vietnamobile tăng vốn đầu tư thêm 210 triệu USD và Gmobile đón nhận sự tham gia của một nhà đầu tư nước ngoài cùng với số vốn đầu tư mới là 2 tỷ USD sẽ làm thay đổi thị trường như thế nào vẫn còn là câu hỏi khó trả lời.
Trở lại lịch sử phát triển của thị trường viễn thông di động VN, hầu hết các Cty nước ngoài khi đầu tư vào thị trường này đều thất bại. Hutchison Asia Telecommunications chính là Cty nước ngoài duy nhất còn trụ lại được trên thị trường, nhưng cũng không có được kết quả tốt cho lắm. Bản thân Gmobile cũng từng được tập đoàn viễn thông lừng lẫy VimpelCom của Nga đầu tư vào và sử dụng thương hiệu Bline nổi tiếng, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau VimpelCom đã rút lui vì không muốn tiếp tục thua lỗ.
Thực tế đã chứng minh các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc sở hữu nhà nước có lợi thế hơn về cơ sở hạ tầng so với các Cty nước ngoài. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, cơ sở hạ tầng tốt hơn có nghĩa là chất lượng dịch vụ tốt hơn và độ phủ sóng cũng bao trùm khắp cả nước. Trong khi đó, do đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông khá tốn kém, nên chất lượng dịch vụ cũng như độ phủ sóng của các mạng như Vietnamobile và Gmobile không thể sánh bằng các mạng khác như Viettel, Mobiphone hay Vinaphone.
Cho đến nay, Vietnamobile mới chỉ có phủ sóng 3G ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và một phần của hai thành phố Cần Thơ và Hải Phòng. Trong khi số người sở hữu những chiếc điện thoại “smartphone” ngày càng tăng lên, và các nhà mạng thậm chí còn đã chuẩn bị cung cấp dịch vụ 4G, thì diện phủ sóng 3G quá hẹp của Vietnamobile khó mà thu hút được người dùng. Mặc dù vậy, khi cả Vietnamobile và Gmobile tăng cường đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng mạng trong tương lai, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo thêm áp lực cạnh tranh trên thị trường, còn người tiêu dùng thì sẽ có thêm những lựa chọn mới.
Ngọc Linh