Thông tin trộm cướp, đời sống dân sinh: đường sá, cầu cống, môi trường, an ninh xã hội… trên địa bàn quận được fanpage UBND quận 12 (TP.HCM) tiếp nhận.
Bà Nguyễn Thị Nhung và những bức xúc trải bày trên fanpage UBND quận 12, TP.HCM. Bà cho biết mình rất hài lòng vì đã được giải quyết nhanh chóng - Ảnh: Diệu Nguyễn
Đây là kênh tương tác giữa người dân và chính quyền địa phương nhanh chóng, gần gũi.
Dù fanpage mới chính thức mở từ ngày 15-11-2015 nhưng đến nay có gần 1.100 lượt người theo dõi, trung bình hằng ngày có 1.000-3.000 lượt người tiếp cận, 300-1.750 lượt người tương tác với các bài viết.
Nơi tiếp nhận bức xúc công khai...
Văn phòng UBND quận 12 cho biết đây là kênh tương tác khá tốt với người dân bên cạnh những kênh trước đây như website và số điện thoại tiếp nhận ý kiến người dân của ủy ban.
Trên fanpage, những hình ảnh hoạt động của địa bàn quận như các hoạt động Tháng thanh niên 2016, cẩm nang an toàn thông tin khi sử dụng các thiết bị công nghệ... đều được cập nhật bên cạnh các hoạt động chấn chỉnh trật tự an ninh địa phương, lịch tiếp công dân...
Trước Tết Bính Thân, lời kêu gọi góp ý cho logo mới của quận cũng được đưa lên fanpage, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân. Và logo mới đã được đưa vào sử dụng trước Tết Bính Thân vừa qua.
Nhưng đó mới chỉ là những chuyện chung. Bà Nguyễn Thị Nhung, một người dân của quận 12, nêu bức xúc của mình về sự chậm trễ trong giao trả hồ sơ.
Bà cho biết từng góp ý trên hộp thư điện tử của website UBND nhưng không thấy phản hồi gì, bà chuyển sang kiến nghị vào fanpage thì được trả lời và giải quyết hồ sơ nhanh hơn.
Cụ thể vào ngày 24-12-2015, trên fanpage bà Nhung bức xúc: “Trong khi đất của tôi không có lý do gì cả, bỗng dưng “được” quý cơ quan yêu cầu điều chỉnh do chồng ranh. Bây giờ tôi đã hoàn chỉnh hồ sơ cần lấy giấy để xin giấy phép xây dựng thì không được vì chưa có giấy tờ. Tổ hẹn kết quả thì nói do ở trên... Trên là chỗ nào tôi không biết nhưng hẹn thì phải đúng hẹn...”.
Ngày 25-12, UBND đã phản hồi: “Chúng tôi thành thật xin lỗi bà về sự chậm trễ này! Hồ sơ của bà đã được giải quyết cấp giấy chứng nhận, tuy nhiên do sai sót về diện tích trong phiếu chuyển Chi cục thuế (để xác định nghĩa vụ tài chính) nên phải điều chỉnh lại. Chúng tôi xin hẹn bà đến nhận kết quả vào chiều thứ hai (28-12-2015)”.
Giải thích thêm về trường hợp này, ông Nguyễn Đình Bảo Quốc - phó văn phòng UBND quận - cho biết do số biên nhận hồ sơ từ ban đầu không được cung cấp rõ, sau khi bà Nhung cung cấp thì hồ sơ được giải quyết. Gặp bà Nhung, bà góp ý thêm để fanpage hoạt động tốt hơn: “Đây là một sáng kiến để người dân tiếp cận chính quyền nhanh, công khai và hiệu quả nên cần được phát huy hơn nữa. Tuy nhiên, cần cập nhật thông tin thường xuyên và phản hồi nhanh hơn”.
Một vụ việc khác, vào tháng 1-2016 sau khi đăng tải thông tin đề nghị các nạn nhân bị các công ty giới thiệu việc làm trên địa bàn quận lừa đảo vào fanpage UBND quận cung cấp thông tin để công an điều tra xác minh, 52 trường hợp người lao động được mời đến giải quyết trực tiếp tại phường Tân Thới Nhất.
... Để trả lời người dân
“Tính đến ngày 9-3-2016, ngoài các góp ý trực tiếp trên trang, những đóng góp và phản ảnh nhỏ lẻ, có 13 phản ảnh lớn của người dân về quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, thủ tục hành chính qua tin nhắn của trang” - ông Nguyễn Đình Bảo Quốc cho biết.
Các ý kiến phản ảnh của người dân sẽ được xác nhận từ ban quản trị fanpage bằng hình thức trao đổi công khai trên trang hoặc qua tin nhắn riêng, biên tập viên phụ trách tổng hợp, phân loại lập phiếu chuyển đến các phòng, ban liên quan để xử lý hoặc báo cáo, tham mưu UBND quận xem xét giải quyết.
Tuy nhiên, phần nhiều phản ảnh nêu trên đều là những phản ảnh lớn về hạ tầng kỹ thuật, chống ngập, đường giao thông... nên tất cả đang trong quá trình xử lý. Sau đó phản hồi đến người dân.
Hiện nay để kịp thời kiểm tra, xử lý và phản hồi cho người dân, UBND quận đang xem xét cử lãnh đạo đơn vị trực tiếp tham gia trang với tư cách biên tập viên. Lãnh đạo các đơn vị tham gia trang Facebook thường xuyên theo dõi, kịp thời xử lý ngay các ý kiến phản ảnh có liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý.
Ông Lê Trương Hải Hiếu - chủ tịch UBND quận 12 - cho biết mạng xã hội xây dựng nhằm mục đích tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân. Tuy nhiên, quan trọng là xây dựng quy trình và quy chế xử lý triệt để các thông tin tiếp nhận, phản hồi, trả lời cho người dân.
Ví dụ người dân phản ảnh doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường thì phải xác minh, nắm lý do, xử lý hoặc phản hồi cho người dân biết tiến độ xử lý đến nay như thế nào. Trường hợp có những sự vụ khó khăn, cần đeo bám hỗ trợ và đốc thúc cấp dưới giải quyết cho người dân hiệu quả.
Tăng tính tương tác qua nhiều kênh
Ông Lê Trương Hải Hiếu cho biết thêm để tăng cường tính tương tác với người dân hiệu quả hơn, cuối năm 2015 UBND quận triển khai ba dự án tiếp cận ngoài website và fanpage hiện có:
- Mạng WiFi miễn phí cho người dân khi đến làm việc tại ủy ban, vào kết nối WiFi thì giao diện sẽ hiện lên website của ủy ban, người dân sẽ dần làm quen để tìm hiểu thêm thông tin của quận từ đây.
- Tổng đài phản ánh an ninh của công an 11 phường trên địa bàn quận về công an quận xử lý qua số: 0839.782612 nhưng để dễ nhớ, người dân có thể đọc 0839quan12 (quan12 ứng với số trên bàn phím là 782612).
- Tương tự, đường dây số 0839ubnd12 (0839.826312) hướng dẫn các thủ tục hành chính. Hiện tại các đường nóng đã xây dựng xong phần cứng, cần ghi âm lời dẫn, chuyển đến các bộ phận giải quyết trong thời gian tới để đưa vào hoạt động hoàn thiện.
DIỆU NGUYỄN