Công nghệ thật sự không chỉ thay đổi thế giới mà còn đang từng bước thống trị nhân loại trong những năm tới. Cho dù có là một tín đồ hi tech hay không thì bạn cũng không nên bỏ lỡ những câu chuyện công nghệ nổi bật nhất năm qua để bắt kịp đà với thế giới.
1. Apple loại bỏ cổng tai nghe truyền thống
Có lẽ ngoài lớp vỏ kính đen bóng thì điều gây sốc nhất về chiếc iPhone 7 đình đám năm nay chính là việc Apple loại bỏ cổng tai nghe truyền thống đã gắn bó với người dùng công nghệ hàng chục năm qua.
Cho dù có là chuẩn tai nghe phổ biến nhất thế giới trong suốt nhiều thế hệ các sản phẩm công nghệ thì jack 3,5,mm truyền thống vẫn không thể sống sót nổi trước quyết tâm định hình lại chiếc tai nghe tương lai của Apple.
Công ty hiện hỗ trợ adptear để chuyển đầu tai nghe cho iPhone 7, nhưng trong tương lai chắc chắn vẫn sẽ muốn thế giới quay sang sử dụng tai nghe không dây đi kèm trợ lý ảo. Những trợ lý ảo đi kèm tai nghe thông minh như AirPods được kỳ vọng có thể mở ra cả một tương lai nơi con người có thể giao tiếp với điện thoại, máy tính qua giao diện giọng nói, trong khi màn hình sẽ chỉ còn là thứ yếu.
2. Tin tức giả mạo trên Facebook đang lan truyền như virus
Sự lan tràn của tin tức giả mạo trên Facebook đã đạt đến đỉnh điểm sau cuộc bầu cử tổng thống. Nếu như trước đây, tin giả chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân cho những ai nhẹ dạ thì nay, rất nhiều “thánh troll” trên mạng đã đục nước béo cò kiếm hàng chục ngàn USD trước thềm bầu cử bằng những thông tin bịa đặt theo kiểu “thuyết âm mưu” hay chuyện hậu trường chính trị để “xỏ mũi” dư luận Mỹ.
Thủ đoạn của những kẻ lan truyền tin thất thiệt này là viết những thứ giật gân như “Giáo hoàng công khai ủng hộ Donald Trump” lên các website mang địa chỉ vô danh rồi share lên Facebook và kiếm tiền quảng cáo qua mỗi lượt click. Điều đáng nói là nhiều người vì cả tin và không chịu kiểm chứng thông tin nên đã hùa vào share bài, tiếp tay cho những kẻ đăng tin fake. Hậu quả là những page đăng tin giả khét tiếng như American News thậm chí còn sở hữu số lượt theo dõi cao hơn cả nhiều trang tin chính thống.
Sau khi thừa nhận đây là một vấn đề thật sự trên nền tảng Facebook, Mark Zuckerberg mới chỉ đưa ra thông báo rằng công ty sẽ nỗ lực hết sức trong cuộc chiến loại bỏ tin giả, nhưng khi nào thì nỗ lực đó mang lại kết quả thì chúng ta vẫn chưa thể biết chắc, bởi phân biệt thật giả, đúng sai chưa bao giờ là một công việc dễ dàng.
3. Galaxy Note7 phát nổ - năm đại họa của Samsung
Sau nhiều năm sống dưới cái bóng của Apple, năm 2016, Samsung hạ quyết tâm đánh bại iPhone 7 bằng chiếc Note7 bom tấn của mình.
Xét theo tiêu chuẩn nào thì Note7 cũng xứng đáng là một chiếc smartphone đáng ao ước với thiết kế cạnh viền ấn tượng, màn hình phân giải cao, pin trâu, camera nuột, chống nước và tất nhiên không thể không kể đến chiếc…jack tai nghe chuẩn 3,5mm.
Thế nhưng thật không may là chính vì nóng lòng muốn vượt mặt nhà Táo mà gã khổng lồ Hàn Quốc đã hủy hoại đứa con tinh thần của chính mình. Kể từ khi những trường hợp phát nổ đầu tiên diễn ra hai tuần sau khi ra mắt, Samsung đã liên tiếp phải đổi mặt với sóng gió. Sau một lần đổi trả máy mới vẫn không mang về kết quả khả quan, Note7 chính thức bị khai tử chỉ sau hai tháng lưu hành.
Chương sử đáng nhớ này của Samsung cũng là một lời cảnh tỉnh cho tất cả các nhà sản xuất thiết bị trên toàn cầu: An toàn vẫn là thứ đáng được ưu tiên hơn mọi phương diện khác, ngay cả khi đó có là những tính năng thần thánh đến đâu.
4. Năm của những bước tiến lớn về công nghệ xe tự lái
2016 cũng là năm công nghệ xe tự lái chính thức được đưa vào guồng chạy đua giữa các ông lớn. Nếu như Tesla cam kết sẽ nâng cấp và trang bị tính năng Autopilot (tự lái) cho tất cả các dòng xe của mình thì startup gọi xe Uber lại đang từng bước thử nghiệm các mẫu xe tự lái trên các tuyến đường ở những thành phố lớn như Pittsburgh và San Francisco.
Các hãng xe hơi truyền thống cũng đã bắt đầu hoảng sợ và đang rục rịch rượt đuổi. Trong khi Audi phô diễn công nghệ xe tự lái cao cấp của mình, GM, Volkswagen, Toyota,… lại vừa tự phát triển phương tiện tự hành, vừa hợp tác với các startup gọi xe như Uber, Lyft, Gett,… để đẩy mạnh tiến trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này.
Tuy nhiên, xe tự lái chưa bao giờ là một lĩnh vực dễ chơi. Apple từng gây xôn xao với nhiều đồn đoán về dự án Project Titan tập trung vào phát triển công nghệ xe không người lái, nhưng kết quả là nó đã bị cho “về vườn” vào cuối năm nay. Xe tự lái của Google mới đây đã gây ra một vụ tai nạn nghiêm trọng, tương tự như tai nạn của xe Tesla khi được đặt trong chế độ tự lái.
Nhìn chung năm nay, các hãng công nghệ đã tiến một bước dài trong hạng mục này, nhưng có lẽ để có thể chứng kiến những con phố tấp nập xe tự lái, chúng ta vẫn sẽ phải đợi thêm nhiều năm tiếp nữa.
5. Snapchat đặt tiêu chuẩn mới cho các mạng xã hội
Với nhiều thay đổi đáng kể trong năm 2016 như thêm tính năng save ảnh Memories, định vị lại thương hiệu (chuyển tên thành Snap Inc.), ra mắt sản phẩm phần cứng hay chạy đua cho IPO, Snapchat đang ngày càng trở thành mối đe dọa lớn của Facebook.
Việc Snap ra mắt chiếc kính râm thời thượng Spectacles có khả năng quay video để chia sẻ lên Snapchat Memories cũng cho thấy những thiết bị công nghệ như vậy không phải lúc nào cũng chỉ dành dân techie đầu to mắt cận.
6. Nỗi lo an ninh mạng đang ngày một nhân lên
Các màn hack trên diện rộng vốn không phải là xa lạ với người dùng mạng, nhưng những sự vụ xảy đến trong năm nay lại khiến người ta phải lo ngại hơn gấp bội.
Những vụ việc như nhà hoạt động nhân quyền Ả Rập bị hack iPhone chứa dữ liệu quan trọng, hàng loạt tổ chức (bao gồm cả WikiLeaks) có thể tiếp cận email mật của các chính trị gia cho đến việc Yahoo tuyên bố 1 tỷ tài khoản người dùng đã bị xâm phạm qua một vụ hack được cho là lớn nhất trong lịch sử, chúng ta phải đặt câu hỏi rằng dữ liệu cá nhân nên được bảo mật như thế nào mới đủ độ an toàn?
Sau cùng, vụ hack DdoS khổng lồ khiến hàng loạt website, dịch vụ online trên khắp nước Mỹ ngừng hoạt động hồi tháng 10 vừa qua đã đe dọa chính cả mạng Internet – ngôi nhà chung của thế giới.
Năm 2016 đã mang đến một lời cảnh báo: An ninh mạng trong tương lai chắc chắn sẽ là một cuộc chiến đau đớn trường kỳ.
7. Facebook Live lên đời
Với việc người dùng ngày càng ít chia sẻ thông tin cá nhân lên Facebook, mạng xã hội khổng lồ này đã phải đẩy mạnh mảng video livestream tới người dùng. Mặc dù ra mắt có đôi chút muộn màng nhưng Facebook Live vẫn nhanh chóng tạo ra một cú hit và chứng minh được vai trò lớn lao của mình trong việc truyền bá, tường thuật tin tức thời đại số.
So với các chương trình trực tiếp thông thường, Facebook Live tạo cho người xem cảm giác giống với những gì được nhìn thấy qua con mắt của một người hơn. Chúng hoàn toàn “thuần” chứ không có một chút chỉnh sửa hay bộ lọc nào. Qua các đoạn phim livestream, bất cứ người dùng Facebook nào cũng đều có thể trở thành phóng viên tự do và chia sẻ những hình ảnh ấn tượng về các sự kiện đang diễn ra trên khắp hành tinh.
8. Hyperloop ngã ngựa, bỏ ngỏ tương lai tàu siêu tốc
Hầu như công ty nào cũng có những giai đoạn “lên voi xuống chó” như một quy luật bất biến - đặc biệt là những công ty non trẻ - nhưng trong hầu hết các trường hợp đều do những yếu tố bên ngoài. Thế nhưng Hyperloop One lại bại vì vấp phải cái đuôi của chính mình.
Chỉ trong vòng 2 tháng ngắn ngủi, từ một công ty đầy triển vọng với những màn thử nghiệm sản phẩm tàu siêu tốc đầy sửng sốt, công ty đã nhanh chóng rơi vào vòng xoáy rối loạn trước những tranh cãi giữa CEO Shervin Pishevar và nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ Brogan BamBrogan.
Phiên kiện tụng quái dị giữa hai bên đã diễn ra với việc BamBrogan liên tục khẳng định CEO Pishevar và em trai đã “mắc thòng lọng” treo sẵn trên chiếc ghế tại vị của ông tại công ty. Công ty đã trải qua một đợt tái cơ cấu, nhưng lời hứa hẹn về lần thử nghiệm sản phẩm tàu chạy trong ống đầu tiên có vẻ như đã trôi vào dĩ vãng. Hiện tương lai của startup đột phá này vẫn chưa rõ sẽ đi về đâu.
9. Apple một tay chống FBI
Không như nhiều người nhầm tưởng, động thái có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong năm nay của Apple không phải là những màn ra mắt sản phẩm mới mà lại là việc hãng gắng sức chống đỡ FBI để bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng iPhone.
Khi bị cơ quan điều tra liên bang yêu cầu hack chiếc iPhone của một tên khủng bố để lấy dữ liệu, CEO Tim Cook đã thẳng thừng từ chối và tuyên bố rằng bất cứ nỗ lực tương tự nào cũng sẽ giống như việc mở chiếc hộp của Pandora – bước tiến nguy hiểm biến ngành an ninh số trong tương lai trở thành một giấc mơ viển vông.
Cuối cùng FBI cũng chấp nhận thoái lui và tìm được cách khác để hack chiếc máy, nhưng tất nhiên, vụ việc vẫn khuấy động dư luận suốt một thời gian dài khi hàng loạt CEO công nghệ, chính trị gia và các nhà hoạt động vì quyền riêng tư đồng loạt tranh cãi về tính đúng sai trong quyết định của Apple.
10. Tương lai vô định của Twitter
Nếu không có cuộc bầu cử tổng thống rầm rộ khoảng cuối năm nay thì có lẽ 2016 đã là một năm “chìm” toàn tập của Twitter.
Kể từ khi quay lại nhậm chức CEO công ty vào tháng 10 năm ngoái, Jack Dorsey mới chỉ giúp Twitter kiếm thêm được khoảng 10 triệu người dùng, trong khi đó mảng quảng cáo đang ngày một đi xuống, còn các lãnh đạo cấp cao thì lần lượt rũ áo ra đi.
Dư luận vẫn sốt xình xịch trước những lời đồn đoán về một thương vụ bán mình diễn ra, nhưng rút cuộc thì chẳng ông lớn là có vẻ muốn mua lại mạng xã hội đang chết dần chết mòn này. Một phần lý do của sự chán ghét từ phía các bên mua tiềm năng như Google, Salesforce hay Disney chính là việc Twitter đang ngập tràn những bài post chửi rủa, troll và xúc phạm nhau của người dùng.
Trong một nỗ lực cắt giảm chi phí vận hành để bù đắp cho doanh thu quảng cáo suy giảm, Twitter đã sa thải hàng trăm nhân viên và khai tử cả Vine - mạng video từng hot hit một thời.
11. Facebook sở hữu sức mạnh toàn cầu
Cùng với những tranh cãi về vấn đề tin tức giả mạo, Facebook cũng dần chứng tỏ quyền năng to lớn của mình trên thế giới.
Sức mạnh của Facebook giờ đây không chỉ là nơi kết nối, sẽ chia của hàng tỷ người trên khắp hành tinh mà còn ở việc nền tảng này có khả năng chi phối và xoay vần cả những diễn biến chính trị hay sự kiện vượt ngoài không gian ảo của nó.
Với việc Facebook đẩy mạnh live video, Messenger và phát triển công nghệ thực tế ảo. Công ty cũng từng cho ra mắt công nghệ AI có thể mô tả những bức ảnh trên Facebook cho người mù.
12. Vine 'đột tử'
Nếu muốn tìm một biểu tượng cho khả năng thu hút những người trẻ sáng tạo nhất trên Internet, chắc bạn không thể bỏ qua Vine.
Thành lập năm 2012, sau đó được Twitter mua lại, Vine cung cấp nền tảng cho người dùng đăng tải các đoạn video thú vị chỉ dài 6 giây. Vine đã nhanh chóng trở thành nhà cho không chỉ những người trẻ sáng tạo mà còn giúp hình thành nên một thế hệ các siêu sao Internet với tầm ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy mà thông tin Twitter khai tử mạng video đình đám này đã gây sốc không ít người.
Ngay cả khi Vine đang mất dần các influencer – những vlogger có tầm ảnh hưởng lớn thì nó cũng đã có công lớn trong việc định hình một thế giới chia sẻ video sôi động trước thời Snapchat. Rất nhiều người dùng trên thế giới, trong đó có cả các founder của Vine đã bày tỏ sự thương tiếc của mình bằng hashtag #RIPVine trên các mạng xã hội.
13. VR có mặt khắp nơi, nhưng cũng chẳng thực sự ở đâu cả
Các tín đồ công nghệ trên khắp thế giới vừa trải qua một năm VR dần dần trở nên phổ cập hơn rất nhiều nhưng vẫn chưa thể cất cánh do thiếu nội dung.
Những bom tấn hàng đầu như Oculus Rift của Facebook, Vive của HTC hay PlayStation VR của Sony đều đã ra mắt chính thức, nhưng mảng nội dung – tức các game, ứng dụng, video,… trên nền tảng VR – vẫn chưa tạo được tiếng vang như phần cứng. Thiếu vắng các nhà cung cấp nội dung và dịch vụ (game, ứng dụng, video,… thực tế ảo), kính VR mua về cũng chỉ như những chiếc smartphone không cài app.
Tuy vậy, giới hâm mộ VR vẫn có thể hy vọng nhiều hơn về tương lai công nghệ này, bởi dù gì thì 2016 mới chỉ là năm mở màn cho những bước tiến xa hơn trong hệ sinh thái thực tế ảo. Sự thành bại của VR cuối cùng sẽ phụ thuộc vào mức độ thỏa mãn người dùng mà các nhà phát triển nội dung, dịch vụ có thể đạt đến.
14. Năm của những thương vụ sáp nhập lớn
Cũng như quy tắc cá lớn nuốt cá bé, các tập đoàn lớn luôn không ngừng săn bắt các công ty nhỏ đang triển vọng, hoặc đôi khi là đang… giãy chết để tăng cường sức mạnh cho chính mình.
Mở màn là thương vụ Yahoo rơi vào tay nhà mạng Verizon (Mỹ) với mức giá vỏn vẹn 4,8 tỷ USD sau một thời gian dài khiến thiên hạ đồn đoán. Gã khổng lồ hết thời chắc chắn đã ao ước được quay ngược thời gian về năm 2008 khi Microsoft còn “gạ” mua với giá 45 tỷ USD.
Năm nay, Microsoft cũng gây bão khi chi tới 23 tỷ USD thâu tóm mạng xã hội việc làm và tuyển dụng LinkedIn nhằm thống trị thị trường sản phẩm cho doanh nghiệp. Một thương vụ nổi bật khác là việc startup đầu bảng Uber phải ngậm ngùi bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho đối thủ bản địa Didi sau 3 năm đốt hàng tỷ USD vào thị trường đại lục. Ngay lúc này đây, giới công nghệ cũng đang thấp thỏm phân vân Twitter liệu sẽ có ai hỏi mua sau cơn khủng hoảng kéo dài hay không.
15. Vỡ mộng startup tỷ đô
Sở hữu giá trị vốn hóa nhiều tỷ USD, nhận đầu tư hoành tráng, tên tuổi được được truyền thông tung hô hết lời, founder trở thành nguồn cảm hứng cho không ít những người trẻ tham vọng,… là những điều có thể dùng để mô tả những startup “bom xịt” gần đây trong giới công nghệ.
Chỉ sau các bài báo vạch trần sự thật, các nhà đầu tư mới té ngửa mình bị xỏ mũi bởi những cái tên đình đám như Theranos, Magic Leap, LeEco, Karhoo,… Nếu như Theranos bị cấm hoạt động sau khi Wall Street Journal phát giác chiếc máy “Edison” thần thánh có khả năng thực hiện hàng trăm xét nghiệm chẩn đoán chỉ từ một giọt máu bệnh nhân hóa ra chẳng hoạt động ra gì thì Magic Leap lại bị The Information bóc trần công nghệ VR yếu kém và demo sản phẩm dàn dựng bằng đồ họa để che mắt dư luận. Với trường hợp của LeEco và Karhoo, những lời chém gió cao xa như xe tự lái, đế chế phần cứng hay nền tảng cạnh tranh với Uber sẽ chẳng còn chút ý nghĩa nào khi mà tiền đầu tư đã bị phung phí bằng hết mà chưa mang lại kết quả nào đáng kể.
Sau những thảm họa như Theranos, đầu tư công nghệ của năm tới có vẻ như sẽ có đôi chút hạ nhiệt, khi mà các nhà đầu tư phải dè chừng hơn với các “thần gió”, các chuyên gia thổi phồng thế hệ mới.
16. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo
Sự bùng nổ của dữ liệu lớn và những bước tiến về phần cứng đã mở màn cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo sau nhiều thập kỷ bị lãng quên. Trí tuệ nhân tạo ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào các sản phẩm phần mềm, ứng dụng, trợ lý ảo, nhận diện hình ảnh, phân tích dữ liệu, robot, xe tự lái,..., giúp con người đẩy nhanh tốc độ tự động hóa và xử lý nhiều vấn đề nan giải theo những phương thức đột phá chưa từng thấy.
Sự kiện siêu máy tính AI Watson của IBM cứu sống một bênh nhân Nhật đã truyền cảm hứng cho hàng loạt startup ứng dụng công nghệ AI vào chăm sóc sức khỏe và chẩn đoán bệnh. 2016 chính là năm đặt nền móng cho nhiều triển vọng mới của lĩnh vực AI. Dự kiến trong tương lai, hầu hết các thiết bị IoT và phần mềm điện toán mà con người sử dụng đều sẽ được tích hợp trí tuệ nhân tạo.
Theo GENK