Mặc dù một số hãng công nghệ lớn, trong đó có Apple, đã khẳng định không đứng về phía cơ quan chính phủ để đặt các backdoor trong các thiết bị hãng sản xuất để theo dõi người dùng nhưng quyền riêng tư cá nhân vẫn không được đảm bảo.
Apple đã từ chối yêu cầu đặt backdoor trong sản phẩm của mình từ các cơ quan chức năng liên bang nhằm bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Tuy nhiên, nếu bạn đag sử dụng tính năng sao lưu dữ liệu thông qua iCloud Backup thì cần phải biết một sự thật này. Apple khẳng định hãng không thể nào can thiệp hay đọc tin nhắn giữa các thiết bị với nhau vì dịch vụ Apple iMessage được lưu trữ theo phương thức mã hóa end-to-end, đồng nghĩa với việc chỉ người nhận và người gửi mới có thể đọc được. Song sự thật là dữ liệu của hàng triệu người dùng đang được lưu trữ trên máy chủ của Apple dưới dạng văn bản rõ ràng.
Khi dùng tính năng iCloud Backup trên thiết bị Apple, toàn bộ bản sao tin nhắn, ảnh và mọi dữ liệu quan trọng lưu trữ trên thiết bị sẽ được mã hóa trên iCloud và sử dụng một khóa mã hóa kiểm soát bởi Apple chứ không phải người sở hữu và sử dụng thiết bị đó. Apple cho phép bạn tắt iCloud Backup bất cứ khi nào bạn muốn nhưng không cung cấp biện pháp mã hóa dữ liệu cục bộ nghĩa là Apple có khả năng truy cập vào dữ liệu của bạn đã sao lưu trên máy chủ bất cứ lúc nào.
Theo một thống kê, có khoảng 500 triệu người dùng iCloud và trong quá khứ, đã có một số vụ việc rò rỉ ảnh nóng của các ngôi sao, diễn viên nổi tiếng do hacker xâm nhập được vào tài khoản iCloud xảy ra. Nếu không muốn mình phải đối mặt với nguy cơ rò rỉ thông tin, hình ảnh cá nhân, bạn hãy:
- Sao lưu dữ liệu cá nhân cục bộ thông qua Apple iTunes.
- Tắt iCloud Backup bằng cách truy cập vào Settings → iCloud → Storage & Backup → iCloud Backup và trượt sang tùy chọn tắt.