Bài viết của phóng viên Atsushi Tomiyama đăng tải trên Nikkei Asia vào ngày 21/11. Trong bài, ông đưa tin về tình hình hiện tại của nhà máy Samsung tại Bắc Ninh và những hệ quả sau sự cố Galaxy Note 7.
Người bán trái cây trước nhà máy Samsung Electronics ở Bắc Ninh biết có chuyện gì đó không ổn với thiết bị cao cấp của Samsung, chỉ bằng cách nhìn vào cánh cổng. 'Nhà máy thường bận rộn vào cuối năm, công nhân tối mịt mới đi về', ông Nguyễn Văn Lợi nói trên nền chiều chập choạng, khi những tốp công nhân đầu tiên rời cổng.
Ông Lợi đã bán trái cây ở đây suốt 6 năm, nhưng từ tháng 10, cửa hàng của ông mất đến 1/3 doanh thu.
Chỉ mới hơn một tháng trôi qua kể từ ngày Samsung ngưng sản xuất Galaxy Note 7 sau sự cố với pin. Phần nhiều trong số hơn 110.000 công nhân tại đây hiện không có việc làm, số khác may mắn hơn chỉ bị giảm lương khoảng 50%.
'Lương của tôi đã giảm xuống khoảng 40-50%', Nguyễn Thị Kiều Anh - một công nhân lắp ráp 19 tuổi - cho biết. Cô và nhiều đồng nghiệp đã ra về vào lúc 5h chiều, sớm hơn 3 tiếng kể từ khi Note 7 ngưng sản xuất vào trung tuần tháng 10.
Một công nhân khác cho biết công ty vẫn trả phụ cấp cho những người không có việc làm ở thời điểm hiện tại, nhưng thu nhập của họ đã giảm 70% so với trước đây.
Chương trình tuyển dụng thường thấy cũng đã ngưng lại. Nguyễn Văn Chiến - một chủ trọ gần đó - cho biết ông chỉ mới có 30 khách trọ, so với 50 ở cùng thời điểm này của năm ngoái. Với nguồn thu giảm khoảng 1/3, ông thấy thật khó đủ tiền để trang trải dịp cuối năm nay.
Cư dân trước nhà máy Samsung chịu ảnh hưởng ít nhiều, dù gián tiếp hay trực tiếp, từ sự cố Note 7. Ảnh: Nikkei Asia.
Công ty này cũng đóng góp đáng kể cho xuất khẩu Việt Nam. Riêng mảng di động đã trị giá 17 tỷ USD xuất khẩu trong nửa đầu năm 2016, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.