Trong nhiều ngày gần đây, Facebook đang đón nhận nhiều làn sóng phản ứng dữ dội từ người dân Mỹ trước vấn đề liên quan tới kiểm duyệt các thông tin giả mạo, không có thật - mà theo nhận định của nhiều người là có những tác động nhất định tới kết quả của cuộc bầu cử tổng thống mới diễn ra gần đây.
Và trong khi Mark Zuckerberg vẫn chưa đưa ra giải pháp nào cụ thể, ngoài lời hứa sẽ loại bỏ tin tức giả mạo khỏi Facebook, thì một nhóm 4 sinh viên đại học có vẻ như đã tìm ra thuật toán để giúp mạng xã hội lớn nhất thế giới giải quyết vấn đề này.
Theo tờ Washington Post, 4 sinh viên bao gồm Anant Goel, Nabinta De, Qinglin Chen, và Mark Craft trong một cuộc thi lập trình của trường đại học Princeton tổ chức, đã xây dựng một ứng dụng tiện ích plug-in đi kèm với trình duyệt Chrome, gọi là FiB. Chương trình khi được chạy sẽ tự động gắn thẻ cho từng bài viết (post) trên Facebook là 'kiểm duyệt' hoặc 'chưa kiểm duyệt', và giúp người dùng Facebook có được cái nhìn trực quan hơn về thông tin mình đang đọc.
Ông Obama cũng từng nhiều lần chỉ trích tính xác thực thông tin của mạng xã hội Facebook
Được biết, chương trình sẽ kết hợp với các nguồn tin chính thống nhằm xác thực thông tin trong bài viết. Nếu bị gắn thẻ 'chưa kiểm duyệt', bài viết sẽ tự động dẫn đến các nguồn khác đáng tin cậy hơn, thay vì để người dùng tiếp tục đọc và chia sẻ trên mạng xã hội.
Do các nhóm sinh viên chỉ có thời gian phát triển phần mềm trong 1 ngày rưỡi, nên các em mới đề xuất ý tưởng và, dự án vẫn đang trong giai đoạn phát triển với mã nguồn mở. Tuy nhiên nó đã ngay lập tức được hưởng ứng bởi nhiều tổ chức đầu tư, cũng như được truyền thông ca ngợi.
Từ đầu tuần này, truyền thông Mỹ đã liên tục đưa ra những bằng chứng cho thấy Facebook đang thực sự gặp vấn đề với việc kiểm duyệt thông tin, trong đó nhiều thông tin được ghi nhận đã đóng góp công lớn trong chiến thắng của ông Donald Trump trước đối thủ là bà Clinton. Theo đó, hãng tin BuzzFeed ghi nhận có khoảng 20 tin bài giả mạo với hơn 8,7 triệu lượt share, tương tác và bình luận trên Facebook. Một số tin giả như Giáo hoàng Francis ủng hộ Trump có gần 1 triệu tương tác.
'Người ta chỉ đọc dạo và lướt nhanh chứ chẳng ai kiểm tra tính xác thực của nó. Đó chính là cách mà Trump đắc cử'. Hornet, một tài khoản Facebook cho biết. Được biết Hornet chính là tác giả của nhiều bản tin 'giả' trên Facebook như 'Người Amish tại Mỹ cam kết bỏ phiếu cho Trump' hay 'Tổng thống Obama ký sắc lệnh cấm hát quốc ca tại các sự kiện thể thao toàn quốc'.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng tham gia chỉ trích thông tin giả mạo trên Facebook trong những ngày cuối nhiệm kỳ. 'Lời nói dối được nhắc đi nhắc lại nhiều lần sẽ khiến người ta tin rằng nó là sự thật, và điều đó càng đúng hơn trong thời đại mạng xã hội phát triển như ngày nay', ông cho biết.
Nguyễn Nguyễn
Theo Washington Post
Tag :Mark Zuckerberg, Facebook, thông tin giả, thông tin giả Facebook, thông tin sai sự thật, giả mạo, sinh viên, ứng dụng, tiện ích mở rộng, bầu cử tổng thống Mỹ, Donald Trump
Nguồn : Tổng hợp