Đối với một số người, sự trùng hợp chỉ “đơn thuần là sự trùng hợp”. Có những lúc họ trải nghiệm một giây phút lạ lùng, nhưng sau đó dần thờ ơ rồi lãng quên các sự kiện ấy.
Đối với những người khác, không có gì là “trùng hợp đơn thuần”; mọi thứ đã được sắp xếp và an bài. Một người thậm chí có để đưa ra một quyết định quan trọng trong cuộc đời dựa trên một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi coi nó như một “dấu hiệu”.
Bản chất của các hiện tượng trùng hợp không còn chỉ thuộc phạm trù triết học như trước kia. Nó đã trở thành tâm điểm của một ngành khoa học đa lĩnh vực đang nổi lên.
Bộ môn thống kê cung cấp cho chúng ta một câu trả lời không thiên kiến cho câu hỏi “Xác suất xảy ra là bao nhiêu?!” Ngành tâm lý học giúp chúng ta hiểu được các ý nghĩa chúng ta có thể gán cho chúng. Và nhiều ngành nghiên cứu khác nhau khám phá các ảnh hưởng [tiềm năng] của chúng.
Lấy ví dụ, GS Jim E.H. Bright từ trường Đại học New South Wales (Úc) đã phát hiện ra rằng 74% các thành viên tham gia nghiên cứu của ông đã hưởng lợi từ các sự kiện ngẫu nhiên trong sự nghiệp.
‘Nữ hoàng truyền thông Mỹ’ Oprah Winfrey là một ví dụ nổi tiếng chứng minh điều này.
Vào những năm đầu thập niên 80, lúc đó Oprah đang dẫn một chương trình truyền hình địa phương vào buổi sáng ở Chicago. Tại thời điểm đó, cô đang say mê đọc cuốn sách “The Color Purple (tạm dịch: Màu Tím)”. Cô đặc biệt hứng thú với nhân vật Sophia và đã từng cầu nguyện được thủ vai Sophia trong bộ phim chuyển thể cùng tên của nhà sản xuất Quincy Jones và đạo diễn Steven Spielberg.
Oprah Winfrey trong buổi công chiếu loạt phim tài liệu “Belief” ở New York vào ngày 14/10/2015. (Ảnh: Jamie McCarthy/Getty Images)
Ông Jones đã đến Chicago trong một chuyến công tác và nhìn thấy Oprah trên TV trong căn phòng khách sạn của mình. Khi nhìn thấy điều đó, ông đã quyết định chọn cô làm người thủ vai Sophia, dù không hề biết cô có mong muốn này.
Jones và Oprah đã liên lạc, và cô nhận được vai diễn, và điều này đã nhanh chóng thúc đẩy tiếng tăm của cô.
Tôi không tin vào sự trùng hợp, mà tôi tin vào định mệnh.
— Oprah
“Tôi không tin vào sự trùng hợp, mà tôi tin vào định mệnh”, Tiến sỹ Gary Schwartz từ Đại học Arizona trích dẫn một câu nói của Oprah trong cuốn sách có tựa đề “Synchronicity and the One Mind (Đồng phương tương tính và Một tâm trí)” của ông.
Đại Kỷ Nguyên đã được cho phép xem qua cuốn sách này, tuy rằng nó chưa được xuất bản. Cuốn sách này là một phần trong một nguồn tư liệu không ngừng gia tăng về các hiện tượng trùng hợp.
Bác sĩ, TS Bernard Beitman đã cho xuất bản cuốn sách “Connecting With Coincidence (Kết nối với sự trùng hợp)” của ông vào đầu năm nay. TS Beitman, một bác sĩ chuyên khoa thần kinh từng tu nghiệp tại ĐH Yale và ĐH Stanford, đã mở lớp giảng dạy khóa Coincidence Studies (Các nghiên cứu về Hiện tượng trùng hợp) đầu tiên trong lịch sử vào năm ngoái trong vai trò giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Virginia.
Dr. Bernard Beitman. (Tara MacIsaac/Epoch Times)
Tiến sỹ Bernard Beitman. (Ảnh: Tara MacIsaac/Đại Kỷ Nguyên)
Ông đã liên kết các nghiên cứu và luận thuyết khác nhau xoay quanh chủ đề này dưới cái tên Các nghiên cứu về Hiện tượng trùng hợp.
Nhiều người có các niềm tin mang tính định kiến về cơ chế hoạt động của thế giới này, nên họ đã tiếp cận các hiện tượng trùng hợp với mục đích xác nhận những niềm tin kia, TS Beitman nói. Khi ông xây dựng bộ môn Các nghiên cứu về Hiện tượng trùng hợp, ông đã xem xét tất cả các cách giải thích tiềm năng cho cơ chế xuất hiện của các hiện tượng trùng hợp. Và ông nghĩ có nhiều cách giải thích khác nhau; nhưng không một cách giải thích đơn lẻ nào có thể bao quát hết tất cả các hiện tượng trùng hợp.
Cách tiếp cận của một nhà thống kê: Xác suất xảy ra bằng bao nhiêu?
Giáo sư bộ môn xác suất thống kê tại Đại học Stanford kiêm ảo thuật gia bậc thầy Persi Diaconis đã đề xuất Luật các số Thực sự lớn vào năm 1989 trong một nỗ lực nhằm giải thích các hiện tượng trùng hợp. Trong các tập hợp rất lớn, những hiện tượng có xác suất rất nhỏ cũng sẽ có thể xảy ra, ông nói.
Hãy định nghĩa một hiện tượng “hiếm gặp” là “một trên một triệu”. Với 7 tỷ người trên Trái Đất, chúng ta có thể kỳ vọng khoảng 7.000 hiện tượng hiếm gặp xuất hiện mỗi ngày trên toàn cầu.
GS Persi Diaconis. (Ảnh: Soren Fuglede Jorgensen)
Hiện tượng trùng hợp xảy đến với bạn có thể là một trong 7.000 hiện tượng hiếm gặp nói trên, nhưng nó trở nên đặc biệt bởi vì nó xảy đến với chính bạn.
Tuy vậy TS Beitman và GS David Aldous – một nhà thống kê tu nghiệp tại đại học Cambridge và hiện đang giảng dạy tại Đại học California ở Berkeley – lưu ý rằng các nhà thống kê đã quên mất việc phân tích các bối cảnh phức tạp xoay quanh những hiện tượng trùng hợp cá nhân ngoài đời thực.
Người ta thường có khuynh hướng xem xét các loại hiện tượng trùng hợp (ví như ai đó thắng xổ số hai lần) có thể dễ dàng phân tích bằng toán học rồi nói rằng, “Vì chúng ta có thể chứng minh rằng loại hiện tượng trùng hợp này không quá bất khả thi đến vậy, nên tất cả những trường hợp thắng xổ số hai lần, hoặc thậm chí tất cả các hiện tượng trùng hợp đều có thể được quy cho tính ngẫu nhiên”.
Xác suất “không phải là cách giải thích, mà chỉ là sự miêu tả về hiện tượng xảy ra”, TS Beitman nói.
[Xác suất] không phải là cách giải thích, mà chỉ là sự miêu tả về hiện tượng xảy ra.
— Bác sĩ, TS Bernard Beitman, Đại học Virginia
Tuy nhiên, nó cũng có thể gây nhầm lẫn.
Lấy ví dụ, vào năm 1939, nhà tâm lý học B.F. Skinner đã tiến hành phân tích các bài thơ xonê của đại thi hào William Shakespeare và phát hiện thấy việc sử dụng các âm tương đồng, hay thủ pháp lặp âm đầu, có thể đã xảy ra một cách tình cờ, do sự ngẫu nhiên. Ông Skinner cho rằng, “Nếu chỉ đề cập đến khía cạnh văn thơ trong trường hợp này, Shakespeare có thể đã lấy các từ ngữ của mình từ một cái mũ”.
Tuy rằng nó có thể đã xảy đến một cách ngẫu nhiên, nhưng nó có ý nghĩa, và thiết kế thông minh đang hiện diện ở đây.
TS Beitman bình luận: “Liệu những nhà thống kê này có thể chứng minh rằng không có ý nghĩa trong các hiện tượng trùng hợp [hay nói cách khác, các hiện tượng trùng hợp đều là vô nghĩa] hay không? Tôi đề nghị họ thử xem sao”.