Bên cạnh thiết kế, camera thì hiệu năng là yếu tố quan trọng nhất quyết định yếu tố hấp dẫn của sản phẩm. Đặc biệt là với một sản phẩm tầm trung được tiết lộ giá bán lên tới 9,9 triệu đồng như Asus Zenfone 5 thì đây càng là yếu tố quan trọng.
Cấu hình của sản phẩm:
Nhìn qua bảng cấu hình chúng ta sẽ không thấy yếu tố nào quá nổi bật, vì ở phân khúc tầm trung đã có những sản phẩm chạy Snapdragon 660 nên con chip 636 không thực sự được chú ý. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một bản nâng cấp từ SD 630 vốn không có gì nổi bật. Tuy nhiên sự thật lại khác hoàn toàn, khác nhau như thế nào chúng ta cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về con chip Snapdragon 636. Đây là con chip 8 nhân kiến trúc Kryo 260, vốn là kiến trúc cao cấp tương tự như dòng 8xx. 8 nhân đều có xung nhịp 1.8GHz. Tiếp đến SD 660, cũng 8 nhân, cũng là nhân Kryo 260 nhưng có 4 nhân được tăng lên 2.2GHz cho phép chạy tốt các ứng dụng nặng hơn.
Nhưng vì cùng kiến trúc nên việc thay đổi xung nhịp thực sự không làm cho SD 660 mạnh hơn quá nhiều so với SD 636, điều này có thể chứng minh qua điểm Geekbench. Điểm đa nhân của SD 636 trên Zenfone 5 là hơn 5400 điểm, trong khi đó con chip SD 660 cũng chỉ đạt khoảng 5800 điểm, chênh lệch chỉ khoảng 7%, khoảng cách không lớn. Điểm đơn nhân cũng chỉ hơn kém nhau khoảng 100 điểm.
Còn riêng SD 630, con chip này sử dụng kiến trúc ARM Cortex-A53 với 8 nhân. Mặc dù xung nhịp đến 2.2GHz nhưng lõi Cortex-A53 không thể nào có hiệu năng tốt, ngay cả Cortex-A73 cũng khó so được với Kryo tùy biến của Qualcomm. Điểm đa nhân của con chip này chỉ khoảng 4000, đặc biệt là đơn nhân chỉ khoảng 800 - 900, thấp hơn rất nhiều con số 1500 - 1600 trên SD 636 hay 660.
Đến đây chắc các bạn cũng đã hình dung ra được con chip Snapdrgon 636 mạnh mẽ đến như thế nào rồi phải không nào. Mặc dù đứng dưới SD 660 nhưng hiệu năng thực tế lại không thua quá nhiều và vượt trội hẳn SD 630, 625 đang sử dụng trên nhiều smartphone tầm trung khác.
Hiệu năng đo bằng phần mềm
Để kiếm chứng hiệu năng của Asus Zenfone 5 chúng sẽ cùng xem điểm hiệu năng của hai bài test quen thuộc là Geekbench 4 và AnTuTu 7. Điểm Geekbench sẽ cho chúng ta thấy hiệu năng của con chip, còn điểm AnTuTu là sự kết hợp của cả phần cứng lẫn phần mềm:
Rất ấn tượng phải không nào, như đã nói ở trên điểm hiệu năng của SD 636 là rất tuyệt vời, thậm chí còn cao hơn cả SD 820. Điểm AnTuTu của máy cũng lên tới 140.000, điểm riêng phần năng lực xử lý của CPU đã là 65.000. So với Xiaomi Redmi Note 5 có cùng con chip thì Asus Zenfone 5 cũng cao hơn đáng kể, có lẽ là do máy được tối ưu tốt hơn hay trang bị bộ nhớ tốc độ cao hơn…
Điểm yếu nhất của SD 636 có lẽ là GPU chưa thật thuyết phục. Adreno 509 mặc dù đã được nâng cấp nhiều từ Adreno 508 nhưng lại thua khá xa các con chip 8xx, có lẽ đây là yếu tố khác biệt nhất Qualcomm muốn phân loại các con chip của mình. Chính vì thế nếu sử dụng các tác vụ thông thường sẽ thấy rất mượt mà, tốc độ chẳng thua kém các máy cao cấp là bao nhưng khi chơi game nặng thì nhược điểm lộ ra, chính là do hiệu năng của GPU.
Nói như vậy nhưng trên thực tế thì cũng chẳng có sản phẩm nào phân khúc tầm trung có GPU tốt hơn. Trải nghiệm thực tế Asus Zenfone 5 chiến tốt các tựa game như Asphalt 8, N.O.V.A 3, Vainglory. Một trong các tựa game mobile hot nhất hiện nay là PUBG cũng có thể chơi tốt, tuy nhiên game này đòi hỏi rất nhiều về năng lực đồ họa nên không thể so với những con chip cao cấp hơn. Nhưng nếu phải so với các sản phẩm dưới 10 triệu đồng thì chỉ có những máy chạy SD 660 mới có thể tốt hơn đôi chút mà thôi.
Tạm kết
Với mức giá dự kiến 9,9 triệu đồng hiệu năng của Asus Zenfone 5 thực sự không quá nổi bật, nhưng cũng khó tìm được sản phẩm tốt hơn, cùng với thiết kế đẹp mắt, camera chất lượng, Android 8.0 thì đây chắc chắn là một trong những sản phẩm đáng chú ý. Chưa kể đây chỉ là giá dự kiến, nên chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng điều bất ngờ vào phút cuối cũng như những ưu đãi của chương trình pre-order làm cho sản phẩm càng trở nên hấp dẫn.