Samsung giúp nông dân Việt kiếm nhiều tiền hơn môi giới chứng khoán
Vài năm trước, sống ở một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, cô Nguyễn Thị Dung có thu nhập chủ yếu từ nghề nuôi gà và trồng lúa. Nhưng đến năm nay, cô tin rằng mình có thể kiếm được thu nhập cao hơn cả những người làm nghề môi giới chứng khoán. Lý do là nhờ Samsung .
Công ty điện tử đến từ Hàn Quốc mở nhà máy ở giữa những cánh đồng ở Bắc Ninh và bắt đầu chuỗi quy trình sản xuất điện thoại thông minh ở những cơ sở này từ 7 năm trước. Đây cũng là nơi sản xuất ra những phiên bản mới nhất của các dòng điện thoại Samsung, như chiếc Galaxy Note 7 vừa có lệnh thu hồi sau sự cố lỗi pin.
Chính hoạt động của nhà máy này đã biến ngôi làng từng ngủ quên của người phụ nữ này trở thành trung tâm xuất khẩu lớn thứ hai trong cả nước, chỉ sau đầu tàu kinh tế TP HCM.
'Cuộc sống của chúng tôi thay đổi hoàn toàn kể từ khi Samsung tới', người phụ nữ 57 tuổi nói. Giờ đây, thay vì quanh quẩn chăm gà và trồng lúa, cô làm nghề cho thuê nhà trọ, bàn hàng tạp hóa, phục vụ công nhân của Samsung. Cô dự tính sẽ kiếm được khoảng 1,5 tỷ đồng và lên kế hoạch mua xe hơi.
Cuộc sống của người dân ở Bắc Ninh thay đổi nhiều nhờ sự xuất hiện của Samsung.
Các nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh đang giải quyết việc làm cho khoảng 45.000 nhân công và thu hút hàng trăm nhà sản xuất linh kiện nước ngoài. Chính lượng nhân sự đổ dồn về đây đã khiến thị trường nhà ở cho thuê tại Bắc Ninh phát triển bùng nổ.
Trong khoảng từ năm 2011-2015, có khoảng 2.000 nhà ở cho thuê, khách sạn, nhà hàng mọc lên, giúp GDP bình quân của người dân Bắc Ninh cao gấp 3 lần so với trung bình cả nước.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Phương Bắc cho rằng dòng vốn đầu tư đã góp phần tạo nên sức tăng trưởng đột phá của cả nền kinh tế, chứ không chỉ cho riêng Bắc Ninh.
Tính đến tháng 6, tổng số vốn đầu tư vào Bắc Ninh của hơn 850 công ty nước ngoài đã lên tới gần 12 tỷ USD, và hơn một nửa số đó liên quan đến Samsung. FDI hiện cũng đóng góp tới 60% GDP của tỉnh, theo thông tin từ ông Nguyễn Đức Cao, phó ban quản lý các khu công nghiệp ở Bắc Ninh.
Ngoài nhà máy ở Bắc Ninh, Samsung còn có 2 nhà máy ở Thái Nguyên và TP HCM, thu hút khoảng 130.000 lao động. Nhờ công việc tại Samsung, nhân công trong các nhà máy này cũng có thu nhập tốt hơn, với nghề nghiệp ổn định.
Nhà máy ở Bắc Ninh của Samsung cũng cho thấy sự chuyển dịch khu vực đầu tư của gã khổng lồ công nghệ của Hàn Quốc. Trước đó, vào khoảng những năm 1980-1990, Trung Quốc là thị trường đầu tư chính của Hàn Quốc và Samsung, nhưng giờ đây, Việt Nam trở thành cái tên thay thế.
Tuy nhiên, tương tự các thị trường khác như Bangladesh, Thái Lan và Indonesia, Samsung cho rằng các nước đi sau như Việt Nam cần phải cố gắng nhiều hơn để có đủ các yếu tố mà Trung Quốc từng sở hữu, như nhân công rẻ, chất lượng tốt, thị trường nội địa rộng lớn, cơ sở hạ tầng phát triển...
Xe buýt mang logo của Samsung chở nhân viên chạy trên những con đường liên tỉnh.
Hiện ở Việt Nam, Samsung có hợp đồng với khoảng 200 nhà cung cấp trong nước. Tuy nhiên, theo ông Bắc, Việt Nam cần phát triển những nhà cung cấp nội địa để có thể sản xuất những linh kiện tinh vi hơn thay vì những sản phẩm đơn giản như bao bì, vỏ máy như hiện nay.
'Nếu không thể gia nhập chuỗi cung ứng với những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc quá nhiều vào các công ty nước ngoài, còn lợi ích của các công ty Việt Nam bị hạn chế'.
Trong thời gian đó, những người dân ở Bắc Ninh vẫn đang tận dụng những lợi ích mà công ty Hàn Quốc mang lại. Anh họ của Lan, một người từng chạy xe ôm nay chuyển công việc sang bán rau củ, trứng và thịt cho bếp ăn của nhà máy Samsung, vừa mua một mảnh đất trị giá 1,2 tỷ đồng, dự định xây dựng nhà trọ cho thuê.
theo Trí Thức Trẻ