Nghiên cứu tổng quát này được chia thành 5 khía cạnh mấu chốt: Kinh tế, ngoại giao, quân sự, lý tưởng, nhưng quan trọng nhất phải kể đến là công nghệ. Theo các nhà nghiên cứu tại viện chính sách công Kennedy, Trung Quốc đang có những bước tiến rất vững chắc và nhanh chóng trong các mảng chiến lược như trí thông minh nhân tạo, điện toán lượng tử, 5G, chip bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng sạch.
Trong báo cáo vừa mới được công khai trên mạng internet này, các nhà nghiên cứu người Mỹ cho rằng: “Trong vài cuộc đua công nghệ, Trung Quốc hiện giờ đã đứng ở vị trí dẫn đầu rồi. Còn trong một vài mảng khác, chỉ cần một thập kỷ nữa là Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ.” Cụ thể, theo họ, hiện tại ngành điện toán lượng tử, Trung Quốc đã vượt qua thành tựu của Mỹ. Tương tự, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có 150 triệu thuê bao di động 5G, còn ở Mỹ mới có 6 triệu thuê bao.
Lý do cũng đơn giản và dễ hiểu, và đã được đề cập trong bản báo cáo: “Khác với những đột phá trong các ngành trong quá khứ, vốn diễn ra khi Trung Quốc còn đang là một nền kinh tế chậm phát triển, thì trong vài chục năm qua, nhờ sức người và sức của dồn cho cuộc chạy đua công nghệ, Trung Quốc đã có được tốc độ phát triển đáng sợ.”
Ngôn ngữ sử dụng trong bản báo cáo của trường chính sách công Kennedy thuộc đại học Harvard không cố gắng tạo ra bầu không khí đáng sợ và đánh vào cảm xúc, dẫn tới việc gây hoảng loạn cho người đọc, nhưng trái lại những thực tế được lột tả thông qua từng câu chữ cũng khiến các nhà hoạch định chính sách bên Mỹ phải nhìn nhận nghiêm túc thực trạng.
Bản chất cuộc đua công nghệ cũng có khả năng giúp Trung Quốc có được những lợi thế về quân sự. Bản báo cáo này có đoạn dẫn lời cựu CEO Google, Eric Schmidt, vào năm ngoái từng có bài viết đăng trên The New York Times rằng “Mỹ hiện tại đang có một đối thủ kinh tế và quân sự đáng gờm là Trung Quốc, đất nước đang tìm mọi cách để rút ngắn khoảng cách tiến bộ công nghệ để trở thành một cường quốc mới.”
Bản chất cuộc chạy đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng dẫn tới những trường hợp như Huawei bị liệt vào danh sách đen của Bộ thương mại Mỹ, vì bị cho là có liên quan tới quân đội Trung Quốc, hay gần đây nhất là những lệnh cấm các tập đoàn phát triển và sản xuất chip bán dẫn Trung Quốc tiếp cận những công nghệ và trang thiết bị sản xuất chip có sự hiện diện của những bằng sáng chế hay đột phá công nghệ của người Mỹ tạo ra. Bản thân chip bán dẫn là trung tâm, là xương sống của toàn bộ ngành công nghệ cũng như những đột phá trong ngành. Tất cả những chiến lược đó, suy cho cùng, cũng là những cách để phía Mỹ kéo dài thời gian và làm chậm tốc độ phát triển của ngành công nghệ tại đất nước tỷ dân.
Theo Belfer Center, Futurism
công nghệtrung quốcmỹnghiên cứudự báođại họcharvardbáo cáogiáo sưchạy đua công nghệ