Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ yếu nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra dưới nhiều hình thức rất phức tạp. Trong 50 năm qua, kể từ khi Mỹ và Trung Quốc ký Thông cáo chung Thượng Hải và nhất là sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc cách đây 30 năm, tuy mức từng lúc có khác nhau nhưng cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc vẫn là trục chính chi phối bàn cờ chính trị quốc tế.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua đạo luật đầu tư hàng tỉ USD vào ngành bán dẫn và các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao khác mà chính quyền nước này lo ngại đang bị Trung Quốc thống trị.
Đạo luật chip và khoa học 2022 bao gồm một khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỉ USD.
Đạo luật cũng bao gồm khoản trợ cấp 52 tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn, vốn được sử dụng trong mọi sản phẩm điện tử, từ ôtô và vũ khí công nghệ cao đến các thiết bị công nghệ và trò chơi điện tử.
Đạo luật cũng sẽ rót 200 tỉ USD trong 10 năm để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Mỹ nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc chạy đua sản xuất chất bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy.
Căng thẳng leo thang nói chung, và những hạn chế của chính quyền Mỹ về thương mại ở lĩnh vực công nghệ nói riêng, đã khiến Trung Quốc càng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất bán dẫn trong nước. Giới lãnh đạo Trung Quốc kết luận một cách chính xác rằng việc tiếp tục dựa vào Mỹ trong các công nghệ quan trọng sẽ đặt Trung Quốc vào một vị trí vô cùng dễ tổn thương. Phá vỡ sự phụ thuộc này là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc
Để ứng phó việc lệ thuộc nguồn cung bán dẫn từ nước ngoài, Trung Quốc công bố chính sách bán dẫn mới vào năm 2014. Chính sách 'Made in China' năm 2015 cũng tập trung vào công nghệ lõi, cho phép dành nguồn tài chính lớn thúc đẩy sản xuất bán dẫn.
Nỗ lực của Trung Quốc ghi nhận những thành tựu nhất định. Chỉ 5 năm trước, doanh thu từ các thiết bị bán dẫn của Trung Quốc còn dừng lại ở 13 tỉ USD, chiếm 3,8% toàn cầu. Nhưng tới năm 2020, ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc chứng kiến tỉ lệ tăng trưởng chưa từng thấy: 30,6%, đạt 39,8 tỉ USD tổng doanh thu hằng năm. Cú đột phá này giúp Trung Quốc chiếm 9% thị trường bán dẫn toàn cầu năm 2020, hai năm liên tiếp vượt mặt Đài Loan, bám sát Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
Khó khăn của Trung Quốc hiện nay là nước này chưa đủ khả năng tấn công vào thị phần sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, lĩnh vực mà Đài Loan chiếm tới 90%. Nhưng các chuyên gia dự đoán nếu tiếp tục đầu tư, Trung Quốc sẽ là đối thủ đáng ngại. Do đó, cạnh tranh Mỹ - Trung đang gây áp lực buộc các công ty bán dẫn Đài Loan phải chọn.