Chia sẻ về thông tin này, nhà sáng lập và CEO của Sky Mavis Nguyễn Thành Trung nói: “Tôi không bình luận chi tiết về vốn hoá của công ty, nhưng có thể xác nhận Sky Mavis vượt qua mốc 1 tỷ USD và có thể coi là 1 unicorn. Tôi nghĩ đây là tín hiệu đáng mừng cho thị trường công nghệ ở Việt Nam. Cột mốc của Sky Mavis là sự khích lệ, động lực để những công ty khác phát triển tốt hơn nữa. Bước đầu thành công nhưng công ty vẫn tập trung giải quyết các vấn đề về tăng trưởng”.
Trước Sky Mavis, VNG mất khoảng 10 năm (2004-2014) để đạt giá trị vượt 1 tỷ USD. Trong khi đó, VNLife cần đến 12 năm (2007-2019) để có được giá trị doanh nghiệp đạt ngưỡng 1 tỷ USD.
Với Sky Mavis, thời gian được rút ngắn rất nhiều. Công ty này thành lập năm 2018, đến giữa năm 2021 vượt ngưỡng giá trị 1 tỷ USD.
Nguyễn Thành Trung thành công với game Axie Infinity
Vốn hoá của công ty tăng đột biến, Nguyễn Thành Trung cũng chia sẻ hiện tại, nhân sự quốc tế của Sky Mavis cũng phát triển lên hơn 80 người, trong nước 60 người. “Chúng tôi sẽ gặp vấn đề khó khăn về quản lý bởi số người không thể tăng mãi. Sky Mavis đi theo chiến lược chọn những người có khả năng, rất mạnh trong lĩnh vực của họ như công nghệ, kỹ thuật, phát triển sản phẩm, thiết kế game, hội hoạ… Chúng tôi tập trung vào chất lượng hơn là số lượng, ít nhất là trong thời điểm này”.
Sau sự thành công của Sky Mavis, nhiều công ty đi theo hướng phát triển của nhà phát triển game này. Đánh giá về xu hướng này, Nguyễn Thành Trung chia sẻ bản thân cảm thấy rất thú vị. Sẽ có nhiều nhà phát triển sản phẩm hơn, các nhà đầu tư cũng đến Việt Nam, trực tiếp muốn làm việc với 1 team làm game ở Việt Nam.
“Điều này tạo ra cơ hội lớn tuy vậy, chúng ta cũng phải tỉnh táo, bởi sự phát triển quá nóng luôn đi kèm sự bất ổn. Dù gì tôi vẫn cho rằng đây là cơ hội lớn cho thị trường công nghệ Việt Nam”, CEO của Sky Mavis nói.
Chia sẻ về xu hướng Blockchain, NFT, tài sản số trong tương lai, Nguyễn Thành Trung cho biết: “Đại dịch kéo dài tạo ra sức ép nặng nề lên nền kinh tế, xảy ra sự chuyển dịch lớn về vốn. Ngành nghề về logisitic dịch vụ chế xuất khó thu hút dòng vốn bởi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Trong khi đó công nghệ ít bị ảnh hưởng bởi COVID đang thu hút sự đầu tư lớn. Ngoài ra, COVID thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp tại Việt nam và thế giới. Trong xu thế này, một vài công nghệ mới nổi lên như hiện tượng được mọi người quan tâm lớn, trong đó Blockchain là công nghệ nóng trong thời gian gần đây”.
Blockchain phát triển trong 2 năm với chỉ số tăng trưởng mạnh, tổng vốn hoá 3,1 tỷ USD từ 2020 lên 15 tỷ USD trong 2021, tăng hơn 4 lần. Việt Nam là hiện tượng của thế giới công nghệ Blockchain. “Người Việt với đặc điểm nhanh nhạy xử lý thông tin, nắm bắt thời điểm. Việt Nam có chỉ số chấp nhận tiền điện tử lớn, người sử dụng ví điện tử cũng nhiều hàng đầu thế giới”, Thành Trung cho biết.
Sau đó, ông Trung trình bày về NFT - hình thức tài sản số đặc biệt, giống như định danh sự vật, hiện tượng trong thế giới Blockchain. Thị trường NFT tăng trưởng nhanh trong 2 năm qua. Từ 2017, đây là công nghệ ít người biết, nhưng sau đó trở thành phổ biến với cả người bên ngoài thế giới công nghệ.
Câu hỏi đặt ra là, nếu NFT là xu hướng, liệu có phù hợp để phát triển ở Việt Nam hay không. Để trả lời câu hỏi này, theo ông Trung, chúng ta cần chuẩn bị về mặt tư duy, kiến thức để thích nghi với sự thay đổi của thế giới. Người tham gia vào thế giới Blockchain cần chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt. Cơ sở hạ tầng công nghệ quan trọng, ngoài ra cần chuẩn bị về nhân lực, nguồn vốn.
Việt Nam có vị thế để đuổi kịp các nước về công nghệ. Về khung pháp lý, việc chuyển dịch từ tài sản hiện hữu sang tài sản số, điện tử khiến trao đổi dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao có thể quản lý các loại hình kinh tế mới.
Xuất phát từ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Blockchain, ông Trung bày tỏ đề xuất: “Trước hết cần chính sách rõ ràng với lĩnh vực công nghệ mới. Luật chưa quá đầy đủ nhưng cần sự ổn định. Ngoài ra, cần hình thành các tổ chức hiệp hội có vai trò hỗ trợ và xúc tiến phát triển, kết nối các doanh nghiệp với nhau. Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp Việt đều có tiếng nói vị thế trên thị trường nhưng hoạt động độc lập không tạo ra sức mạnh, hiệu ứng lớn”.
Nhà sáng lập Sky Mavis cũng đề xuất nên đưa kiến thức về công nghệ Blockchain vào chương trình đào tạo nhân lực: “Chúng ta có thể đưa vào giáo dục phổ thông, chuẩn bị kiến thức cho lớp trẻ, tuyên truyền về cách nhìn nhận đúng đắn về tài sản số”.
Thành Trung nhận xét game Blockchain và game nói chung ở Việt Nam vẫn chịu cái nhìn khắt khe từ gia đình, xã hội, cộng đồng. Việt Nam đang có nhiều công ty game nổi bật trên thị trường quốc tế tuy nhiên ở sân nhà, các đơn vị này chưa phát huy được. Theo Thành Trung, game là loại hình nghệ thuật, sáng tạo tạo ra lực đẩy cho kinh tế Việt Nam.