Ông Bình ví von 10 năm trước, FPT muốn máy có thể nói được tiếng người, nghe hiểu được con người, để nâng cao năng suất lao động. Đến giai đoạn dịch COVID, FPT.AI đóng vai trò, sứ mạng mới là nói chuyện với bệnh nhân để tìm hiểu xem người này đang ở trong trạng thái nào. Nhờ đó, máy phát hiện ra kịp thời bệnh chuyển nặng, cần phải chuyển vào bệnh viện và cứu được tính mạng con người. Trong đại dịch, không bệnh viện nào có thể điều trị được tất cả trường hợp F0. F0 phải điều trị tại nhà và cũng không đủ lực lượng y tế nào chăm sóc người bệnh.
Ông Trương Gia Bình chia sẻ về sự ảnh hưởng của doanh nghiệp vì COVID
“Trong đại dịch vừa qua, chúng tôi có 2,6 triệu cuộc gọi như vậy với mọi người và đây là sứ mạng vẻ vang mà chúng tôi không ngờ tới”, Chủ tịch FPT chia sẻ.
Mới đây, trong đợt dịch cao điểm tháng 6 và 7 tại Bắc Giang, các trợ lý ảo hỗ trợ kiểm soát, sàng lọc và truy vết các ca nhiễm. Chỉ trong 1 ngày, chatbot thực hiện 120.000 cuộc gọi để truy vết, sàng lọc các ca bệnh. Số cuộc gọi này nếu để nhân viên y tế làm sẽ mất 60 ngày.
Về sự ảnh hưởng đến kinh tế, đại dịch đặt các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước vấn đề sinh tử. Hàng hóa không tiêu thụ được, hàng xuất khẩu không chuyển được ra cảng, cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp đóng cửa, người lao động về quê và vốn cạn kiện. Ông Trương Gia Bình cho biết: “Với con người, vaccine y tế giúp tăng sức đề kháng để chống lại virus corona. Liệu có liều thuốc nào giúp các doanh nghiệp tăng sức đề kháng chống lại đại dịch. Ý tưởng dẫn FPT tạo ra FPT eCovax - loại vaccine công nghệ để tăng sức đề kháng của doanh nghiệp đối chọi với đại dịch”.
Giải pháp eCovax nhân lực tập trung vào vấn đề nóng bỏng nhất của các doanh nghiệp khi các tỉnh thành mở cửa là nhanh chóng khôi phục sản xuất khi người lao động đang ở quê. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp vẫn vận hành được, nhân viên có thể làm việc từ nhà, tại nhà máy, sản xuất an toàn và không bị gián đoạn. Ngoài ra, giải pháp về nhân lực của FPT cũng giảm thời gian và chi phí tuyển dụng 10 lần để kết nối nhanh giữa người lao động và các doanh nghiệp.
Chủ tịch FPT tin tưởng vào sức mạnh của công nghệ trong thời kỳ dịch bệnh
Ông Trương Gia Bình nói tiếp: “Để chế ngự, chiến thắng được COVID, chúng ta chỉ có 1 cách duy nhất là hành động phải nhanh hơn COVID. Công nghệ có thể làm được điều này. Chuyển đổi số chống COVID giúp cho các nhà chỉ huy ra được quyết định nhanh nhất nhờ có những dữ liệu chính xác và kịp thời”.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đang tìm giải pháp đột phá dựa trên công nghệ để sớm có công dân điện tử, nhà lãnh đạo số, chính quyền điện tử và doanh nghiệp số. Ông Bình dẫn chứng chỉ sau 2 tháng triển khai, quận 7 ở TP.HCM trở thành quận xanh và kinh tế được khôi phục lại. Chỉ riêng trong tháng 10 bằng 3 tháng trong quý trước đó.
Hiện tại nhiều địa phương trên cả nước như Hà Giang, Lào Cai, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Phước, Bình Định, Khánh Hòa… cũng tìm ra các giải pháp đột phá kinh tế xã hội dựa trên công nghệ. Tại Hà Giang gần 4.500 các nhà lãnh đạo các cấp ngành từ tỉnh, đến huyện xã phường tại 206 điểm cầu trên toàn tỉnh tham gia vào chương trình đào tạo nâng cấp nhận thức chuyển đổi số cho lãnh đạo.
Chủ tịch Trương Gia Bình khẳng định Việt Nam là điểm sáng về phát triển kinh tế
Trên phạm vi toàn cầu, COVID cũng đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Vừa rồi, trong chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Pháp, FPT ký với Tập đoàn Airbus để đưa các công nghệ nhưu AI, Cloud, Machine learning, Big Data giúp tối ưu hóa vận hành của 140 hãng hàng không với 9.500 máy bay trên phạm vi toàn cầu.
Kết thúc bài phát biểu, ông Bình khẳng định: “Công cuộc chuyển đổi số vĩ đại đã lăn bánh. Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng bằng công nghệ Việt Nam sẽ chiến thắng COVID, trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của thế giới, sẽ là địa điểm hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài. Vào năm 2045, kỷ niệm 100 năm bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, Việt Nam sẽ sánh vai các cường quốc năm châu”.
Diễn ra trong hai ngày 2 và 3/12, Diễn đàn Công nghệ FPT Techday 2021 hiện thu hút hơn 10.000 người đăng ký với hơn 5.000 doanh nghiệp tham gia. Hơn 30% trong số này là các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất...