Thiết kế của ROG Strix XG27VQ vẫn rất ngầu theo ngôn ngữ Mayan được ASUS áp dụng trên sản phẩm của mình từ cách đây 2 năm. Vỏ được làm bằng nhựa sần, màu xám tro đậm hơn so với các phiên bản màn hình dòng ROG trước đây và toàn bộ các điểm nhấn đều nằm ở mặt sau.
Rất nhiều đường nét cắt vát với phía trên góc trái là các khe thoát nhiệt cỡ lớn cùng với hệ thống khe nhỏ hơn bao quanh khớp nối màn hình. Quanh khớp nối này là một vòng tròn đèn LED hỗ trợ công nghệ đèn AURA. Nếu anh em đang dùng bo mạch chủ hay card đồ họa ASUS thì sẽ không lạ với AURA - một hệ thống đèn trang trí cho phép tùy biến 16,8 triệu màu và nhiều hiệu ứng cũng như cho phép đồng bộ giữa các thiết bị có hỗ trợ. Vấn đề là AURA trên ROG Strix XG27VQ chỉ đơn thuần là hiển thị đèn trang trí theo các hiệu ứng có sẵn, chúng ta không thể tùy biến nhiều như trên các phần cứng khác của ASUS được.
Thêm vào đó, vòng đèn AURA này phát ra ánh sáng khá yếu và nằm tại mặt sau màn hình thành ra nó sẽ không có chức năng gì đáng kể khi chúng ta đặt màn hình sát tường bởi ánh sáng không đủ mạnh để hắt vào tường như đèn ambient. Nếu muốn khoe độ đẹp của chiếc màn hình này thì bạn phải để màn hình xoay ra ngoài sao cho ai đi qua cũng thấy được.
Giá đỡ màn hình thiết kế lắp ráp với đế 3 chân bằng kim loại. Cách ráp rất đơn giản, chỉ cần gắn vào ngàm và vặn một con ốc có khoen để cố định lại mà không cần đến tua vít. Dưới đáy của chân đế ASUS có bố trí một chiếc đèn LED đỏ và khi gắn chiếc nắp có khoét sẵn họa tiết thì ánh đèn sẽ chiếu logo ROG xuống mặt bàn. Tuy nhiên, đèn LED này chỉ có một màu đỏ không thể tùy biến được.
Phần giá đỡ gắn với màn hình qua một bản lề cho góc mở từ 5 đến 20 độ lên xuống và giá đỡ có thể xoay quanh chân đế trong một góc từ -50 đế 50 độ. Ngoài ra bạn có thể tùy chỉnh độ cao của màn hình trong một khoảng 10 cm. Mình đánh giá thiết kế màn hình XG27VQ như vậy là vừa đủ độ linh hoạt bởi là màn hình cong nên chúng ta cũng không cần xoay dựng đứng (pivot) như các màn hình phẳng thông thường. Thêm vào đó để trải nghiệm tốt nhất màn hình cong thì chúng ta nên ngồi chính giữa màn hình với khoảng cách khoảng 1 cánh tay để đạt được trường quan sát tốt nhất.
Hệ thống cổng kết nối được đặt ẩn bên trong một chiếc nắp lớn và các cổng này bao gồm HDMI 1.4, DisplayPort 1.2, DVI-D và jack âm thanh 3,5 mm. Khi gắn dây cáp xong thì chúng ta có thể luồng dây qua khe vuông trên giá đỡ màn hình và đóng nắp lại để làm gọn dây.
3 cổng đầu vào tiêu chuẩn thì mình không bàn tới nhưng XG27VQ lại thiếu sót các cổng USB đấu nối từ máy ra. Mình rất thích các cổng USB trên màn hình, USB 3.0 càng tốt bởi có thể tận dụng để gắn thiết bị ngoại vi như chuột, phím hay các thiết bị lưu trữ như ổ gắn ngoài mà không cần lần mò ra sau máy. Thêm vào đó XG27VQ cũng không tích hợp loa nhưng bù lại có jack âm thanh để đấu nối ra loa ngoài hay gắn tai nghe. Mà nhắc đến tai nghe thì bản thân chiếc màn hình này không có móc treo hay vị trí nào để gắn tai nghe, khả dĩ nhất là móc vào phần khớp nối màn hình nên cá nhân mình cho rằng ASUS đã bỏ quên nhiều yếu tố mà một game thủ cần trên chiếc màn hình này, có thể là để cắt giảm chi phí.
Hệ thống nút bấm trên màn hình được làm khá thông minh và dễ dùng. Có 4 nút điều chỉnh chính nằm gần rìa phải màn hình (nhìn từ phía trước) và một nút D-Pad để điều hướng. Các nút đều nhẹ dễ bấm nhưng cá nhân mình gặp 2 tình huống khá khó chịu, 1 là nút nguồn cũng có thiết kế y hệt các nút còn lại nên dễ bấm nhầm, 2 là khi tì lòng bàn tay vào cạnh màn hình thì bị giật điện nhẹ (mình thường đi chân không trong nhà), vậy nên ASUS có lẽ đã xử lý tĩnh điện chưa tốt ở phần viền màn hình.
Trở lại với mặt trước, XG27VQ sở hữu màn hình kích thước 27' với thiết kế viền khá mỏng. Viền 2 bên và trên khoảng 10 mm, viền dưới 20 mm có logo ASUS mạ chrome và cần lưu ý logo này rất dễ bong.
Thông số của ROG Strix XG27VQ như sau:
- Kích thước: 27';
- Độ cong: 1800R;
- Công nghệ tấm nền: VA;
- Độ phân giải tối đa: 1920 x 1080 @ 144 Hz;
- Tỉ lệ: 16:9;
- Thời gian phản hồi: 4 ms (GtG);
- Độ sáng tối đa: 300 cd/m2;
- Độ tương phản tối đa: 3000:1'
- Góc nhìn: 178 độ từ các phía;
- Bề mặt: phủ nhám chống chói.
Kích thước 27' với độ phân giải FHD thì mình nghĩ nó khá phù hợp. Mình nói là khá phù hợp bởi theo kinh nghiệm của mình, độ phân giải FHD chỉ tốt với kích thước màn hình dưới 24' còn với 27' thì kích thước điểm ảnh lúc này đã là 0,31 x 0,31 mm với mật độ 81 ppi. Như vậy ở cự ly quan sát bình thường thì chúng ta có thể thấy được điểm ảnh, từ đó cảm nhận về độ nét và độ mượt của hình khối sẽ giảm đi. Tuy nhiên để đổi lấy trải nghiệm hút mắt của màn hình cong chúng ta phải dùng màn hình kích thước lớn, 27' trở lên là phù hợp, nếu 24' thì hơi bé và cảm giác sẽ bị ngắn 2 bên.
Về tỉ lệ 16:9 thì với kích thước 27', tỉ lệ này vẫn hợp lý, 21:9 thì hợp với 32' trở lên. Độ cong 1800R cũng là độ cong tiêu chuẩn trên nhiều màn hình chơi game hiện nay. Để dễ hình dung 1800R tức là khi bạn xếp loạt màn hình XG27VQ này thành một vòng tròn hoàn chỉnh thì bán kính của vòng tròn sẽ là 1800 mm, số R càng to thì vòng tròn càng lớn. Với kích thước 27' FHD cùng độ cong 1800R thì cự ly quan sát tốt nhất theo mình vào khoảng từ 50 cm đến 1,15 m.
Về tấm nền thì không ngạc nhiên khi ASUS trang bị cho XG27VQ tấm nền VA (Vertical Alignment) bởi ở tầm giá 12 triệu và là màn hình cong, tốc độ quét cao thì VA vẫn là giải pháp tốt hơn về mặt chi phí. Tấm nền VA có những ưu điểm như độ tương phản cao, khả năng tái tạo màu đen rất tốt. So với TN thì độ bao phủ dải màu của VA rộng hơn, màu sắc đẹp hơn, góc nhìn rộng và dễ dàng đạt tốc độ quét tương đương như 144 Hz nhưng thời gian phản hồi sẽ khó có thể đạt dưới mức 2 ms. Tuy nhiên, so với màn hình IPS thì VA sẽ có độ bảo toàn về màu sắc và độ sáng ở các góc nhìn hẹp không bằng. Chẳng hạn như trên XG27VQ, khi quan sát ở góc hẹp tại 2 bên thì màu sắc không bị biến sắc nhiều nhưng độ sáng có phần giảm đi.
Trải nghiệm sơ bộ của mình với màn hình XG27VQ là màu sắc khá tốt, tươi và lý tưởng để chơi game. Màn hình có 4 điểm hở sáng, 2 điểm hở ánh sáng xanh và 2 điểm hở ánh sáng vàng nằm đối xứng với nhau. Độ sáng tối đa không quá cao nhưng đủ dùng ở các điều kiện môi trường ánh sáng mạnh nhờ lớp chống chói tốt.
Đo bằng Spyder4Elite, độ sáng tối đa đo được trên màn hình XG27VQ là 273 nit và mức sáng này nằm ở góc trên bên phải màn hình thay vì ở trung tâm. Vùng trung tâm là 266 nit và vùng tối nhất là 229 nit ở góc dưới bên phải màn hình. Các vùng bên trái độ sáng từ 237 đến 264 nit. Như vậy về độ sáng tối đa thì vẫn dưới mức 300 nit theo ASUS công bố và phân bổ không đều.
Ở độ sáng 265 nit, độ tương phản đo được của màn hình là 1080:1 và ở độ sáng 0% thì độ tương phản của màn hình đạt đến 33130:1. Đây là mức tương phản mình thiết lập ở 70% theo mặc định. Như vậy độ tương phản này đủ cao để mang lại trải nghiệm hình ảnh sâu và khả năng tái tạo màu đen của tấm nền VA trên màn hình XG27VQ như anh em có thể thấy là rất tốt với tỉ lệ cao nhất ở độ sáng 100% cũng chỉ 0.25 và khi chỉnh về 0% độ sáng thì đạt 0.00 tức đen thui (tỉ lệ tốt nhất).
Theo thiết lập gamma 2.2 chỉnh trong menu OSD (ASUS cho phép chỉnh 3 độ gamma) thì kết quả đo bằng Spyder4Elite cho thấy với thiết lập black level 0.01 thì gamma đo được là 2.1 khá gần với gamma 2.2. Gamma tác động lên tone giữa tức các sắc độ xám, nếu gamma quá cao thì tone giữa sẽ trở nên tối hơn và ngược lại. Thêm vào đó dù đã chỉnh white point là 6500 tương ứng với sắc trắng tự nhiên nhưng kết quả đo được là 6700, hơi vàng.
Về độ bao phủ màu sắc, tấm nền VA trên XG27VQ đạt độ bao phủ 76% AdobeRGB, 97% sRGB và 70% NTSC, khá gần với con số được ASUS công bố là 72% NTSC. Độ bao phủ này khá rộng và đủ để anh em có thể làm đồ họa nhưng tấm nền VA trên XG27VQ không lý tưởng khi sự chính xác về màu sắc không cao và sự đồng nhất về màu sắc lại không đều giữa các vùng màn hình.
Chẳng hạn như tỉ lệ Delta-E trung bình của màn hình là 3.06 (lý tưởng là dưới 2) và rất nhiều màu sắc bị sai lệch nhiều. Chẳng hạn như xanh lam đến 6.72, đỏ là 4.0, xanh lục 3.30 và rất nhiều màu sắc khai có tỉ lệ Delta-E cao so với tỉ lệ chuẩn trong không gian màu. Do đó với độ sai lệch màu lớn, các màu sắc cơ bản thường có xu hướng đậm hơn nên không phù hợp để dùng cho đồ họa cao cấp, chỉnh sửa ảnh và in ấn.
Thêm vào đó sự đồng nhất về màu sắc giữa các vùng màn hình cũng có sự biến thiên lớn. Chẳng hạn như vùng giữa phía trên màn hình có tỉ lệ Delta-E gần nhất là 0.0 thì các vùng xung quanh có tỉ lệ sai lệch từ 0.5 đến 1.8. Riêng các vùng dưới màn hình thì độ sai lệch trên 2.4.
Tiếp theo là các thông số và tình năng phục vụ cho game thủ. Tốc độ quét 144 Hz native và chúng ta sẽ cần dùng với cáp DisplayPort để khai thác tốc độ làm tươi này và XG27VQ cũng hỗ trợ AMD FreeSync. Mình thử nghiệm với 2 chiếc card đồ họa khác nhau gồm GTX 1070 và RX 570 để kiểm tra FreeSync. DOOM lại là tựa game được đem ra test bởi với Vulkan API và thiết lập Medium, GTX 1070 và RX 570 đều dễ dàng cho khung hình trên 144 fps. Chức năng đồng bộ khung hình FreeSync chỉ hoạt động với card đồ họa của AMD và dù cho card đồ họa Radeon không thể xuất được khung hình cao thì FreeSync vẫn có thể bù trừ với tính năng LFC theo dải tần số làm tươi từ 48 đến 144 Hz. Riêng với GPU Nvidia, nếu card quá yếu và khung hình xuất ra thấp thì ít nhiều khi chơi game trên màn hình XG27VQ chúng ta sẽ gặp tình trạng xé hình (tearing). Đây là đặc điểm chung của các loại màn hình tốc độ quét cao.
Tấm nền VA trên XG27VQ cho thời gian phản hồi 4 ms (GtG) và kết quả kiểm tra ghosting bằng UFO Test cho thấy tình trạng ghosting trên màn hình khá rõ. Tuy nhiên, ASUS cũng trang bị một công nghệ có tên Extreme Low Motion Blur trên chiếc màn hình này. Hình trên là tình trạng ghosting khi mình để ở chế độ User Mode tức các thiết lập đều mặc định và chỉ ở User Mode thì anh em mới bật được tính năng ELMB trong menu OSD.
Chế độ game FPS
Chế độ game RTS
Chế độ game Racing
Chế độ Scenery.
Còn đây là khả năng khử ghosting với thiết lập game FPS và Racing, 2 loại game thường có chuyển động rất nhanh. Bóng mờ phía sau UFO đã giảm đi rất nhiều, hiện tược ghosting ngược với bóng mờ phía trước cũng có nhưng không nhiều và không bị nhòe corona. Tình trạng này sẽ xảy ra nếu để chế độ Scenery, do đó mình nhấn mạnh rằng anh em nhớ bật ELMB hay chỉnh sang các chế độ FPS, Racing Mode để đảm bảo chuyển động hình ảnh không bị mờ nhòe, có đuôi. Điều này rất quan trong khi anh em chơi game bởi nếu hồng tâm chỉ cần nhòe đi khi lia nhanh thì chúng ta có thể miss headshot.
Về góc nhìn, tấm nền VA không bị nhược điểm khuyết góc nhìn như TN và góc quan sát của màn hình XG27VQ lên đến gần 180 độ từ các phía. ASUS có phủ lớp matte chống chói cho màn hình và lớp phủ này rất mịn và mỏng thành ra trải nghiệm hình ảnh về màu sắc và độ sáng không giảm đi nhiều ở các góc nhìn hẹp. Thêm vào đó chúng ta có thể sử dụng XG27VQ ở ngoài trời hay dưới nguồn sáng trực tiếp nhờ lớp phủ này.
Một lần nữa mình đưa ra đánh giá XG27VQ là một chiếc màn hình cong phục vụ đặc thù cho nhu cầu chơi game. Ở mức giá 12 triệu, không quá đắt cũng không quá rẻ thì XG27VQ mang lại cho mình nhiều thứ nhưng khiến cảm xúc hơi hụt hẫn. Chẳng hạn như thiết kế của màn hình hầm hố, xoay chuyển khá linh hoạt nhưng đèn AURA lại không mấy tác dụng bởi nó không hỗ trợ đồng bộ với chiếc máy tính ASUS của mình hay cũng không đủ sáng để tạo hiệu ứng ambient. Màn hình cong 1800R nhưng 27' thành ra mình phải ngồi gần hơn với màn hình để trải nghiệm toàn trường quan sát và ngồi gần đồng nghĩa với việc sẽ thấy rõ điểm ảnh với độ phân giải chỉ FHD của XG27VQ. Màu sắc tươi tắn nhưng sai màu nhiều nên với nhu cầu của mình vừa làm hình ảnh hàng ngày, vừa chơi game vào ban đêm thì thật sự XG27VQ không thể đáp ứng được. Nếu anh em xác định chỉ đầu tư để chơi game và giải trí và là một người yêu thích ASUS thì anh em có thể chọn ROG Strix XG27VQ.
Điểm mình thích trên XG27VQ:
- Thiết kế hầm hố, chân đế khá linh hoạt và đẹp;
- Có đèn LED AURA trang trí;
- Menu OSD dễ dùng, nút bấm hợp lý;
- 27' cong 1800R với tỉ lệ 16:9;
- Tấm nền VA cho màu sắc đẹp, tương phản cao;
- Tốc độ làm tươi 144 Hz hỗ trợ FreeSync;
- Góc nhìn rộng;
- Thời gian phản hồi 4 ms nhưng khử ghosting tốt nhờ ELMB.
Điểm mình chưa thích trên XG27VQ:
- Đèn AURA không thể đồng bộ với các phần cứng ASUS khác;
- Không có USB Hub tích hợp trên màn hình;
- Độ sai lệch màu lớn.