Trải qua hai năm dịch bệnh, nhận thức của phần lớn doanh nghiệp về chuyển đổi số, cũng như vai trò và hiệu quả mà xu hướng này mang lại trong doanh nghiệp đã gia tăng. Tuy nhiên để thực hiện thành công chuyển đổi số với phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vẫn không phải là chuyện dễ dàng.
Khi áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải nắm bắt nền kinh tế số. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải có quyết tâm thay đổi một cách toàn diện, chuyển đổi từ tư duy làm việc truyền thống sang cách thức làm việc mới. Đồng thời, liên tục tìm tòi, thử nghiệm và làm quen với việc thất bại cũng như giải quyết bài toán tối ưu hoá được lợi ích từ chi phí cho công cuộc thay đổi này.
Hiểu đúng về chuyển đổi số?
Mở đầu sự kiện, ông Tô Kiên, Phụ trách Ban quốc tế, Tập đoàn Eight Japan đề cập đến khái niệm 'Chuyển đổi số' đang được nhắc đến rất nhiều và liên tục trong thời gian qua.
Theo ông Kiên, hiện chưa có một định nghĩa chung nào về chuyển đổi số (CĐS), hiện có rất nhiều cách hiểu khác nhau, với những khái niệm khác nhau. Khi nói về CĐS, có nhiều người có thể hình dung đến những văn phòng không có giấy tờ, mua thêm một số phần mềm công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data, internet vạn vật... để áp dụng vào công việc.
'Nhưng tất cả những điều này chưa thấy và nói lên được bản chất của CĐS', ông Kiên nhìn nhận.
Theo ông Kiên, CĐS (digital tranformation) là việc tích hợp tất cả các lĩnh vực của doanh nghiệp, thay đổi cơ bản cách vận hành và cung cấp giá trị cho khách hàng. Đó là dự thay đổi tư duy và văn hóa, đòi hỏi các tổ chức phải liên tục đổi mới cách làm hiện hữu, ra sáng kiến, thách thức cách làm cũ và chấp nhận, thoải mái với thất bại.
Ông Tô Kiên nêu quan điểm về Chuyển đổi số
Dẫn khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2020, ông Kiên đề cập đến việc đại dịch COVID-19 đã có tác động lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp SMEs.
Đồng thời, đại dịch cũng đã tạo cú hích để thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm hơn đến áp dụng CĐS trong kinh doanh. Tuy giải pháp này mới chỉ áp dụng trong một số chu trình và hoạt động, nhưng cũng giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò và hiệu quả của CĐS.
Từ kinh nghiệm cá nhận, ông Kiên cho rằng quá trình CĐS đòi hỏi từ lãnh đạo đến nhân viên phải đồng tâm thay đổi tư duy và thói quen, liên tục thay đổi và thử nghiệm những cái mới, học làm quen với thất bại.
Ông Tô Kiên đánh giá việc nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong CĐS không phải do không có tài chính, mà vì không thay đổi được cách thức làm việc truyền thống, yếu tố văn hóa con người hay ngại thay đổi hệ thống cũ đã tồn tại nhiều năm.
Tham gia tọa đàm, TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) dẫn lại khảo sát về Thực trạng chuyển đối số 2021 cho thấy: mới chỉ có 40% doanh nghiệp tích hợp các hệ thống và phần mền trong sản xuất, 34% chú trọng không gian làm việc ảo, năng lực làm việc từ xa.
Bên cạnh đó, có 52% doanh nghiệp quan tâm đến cải thiện trải nghiệm gắn kết khách hàng, 37% doanh nghiệp muốn thay thế hệ thống CNTT cũ. Đặc biệt, mới chỉ 35% doanh nghiệp dùng chuyển đổi số để hỗ trợ quyết định nhanh việc đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường.
Qua đó, ông Quý đánh giá những rào cán lớn nhất đối với doanh nghiệp SMEs Việt Nam hiện nay trong quá trình CĐS là thiếu tư duy kỹ thuật số, thiếu kỹ năng và nguồn nhân lực. Trong đó, khó khăn và thách thức lớn nhất là thay đổi thói quen và nhận thức.
Slide chia sẻ của TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam
Doanh nghiệp Việt gặp khó khăn gì khi CĐS?
Là một doanh nghiệp công nghệ tham gia vào mảng CĐS, ông Nguyễn Quang Kỷ, Phó giám đốc Rikkei Japan cho biết qua đại dịch đã có tín hiệu rất tích cực là rất nhiều doanh nghiệp sau quá trình chuyển đổi đã đạt được sự tối ưu về chi phí cũng như chất lượng sản phẩm hay quy trình.
'CĐS hiện đã không còn là cái gì đấy khẩu hiệu hay hô nào nữa mà đã trở thành điều thực tế bắt buộc doanh nghiệp phải triển khai để có thể phát triển và tránh tụt hậu', ông Kỷ nói.
Khẳng định tiềm năng rất lớn của 'cuộc chơi' CĐS song ông Kiên cũng chỉ ra không ít khó khăn với doanh nghiệp làm chuyển đổi trực tiếp tham gia vào quá trình này.
Ông Kỷ cho biết nhu cầu CĐS trong nước trước hết đến từ hai lớp doanh nghiệp. Đó là những doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp SMEs.
Về nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn, những đối tượng này có được sự đầu tư rất bài bản với quyết tâm rất cao từ chính phía ban lãnh đạo và chịu đầu tư phần ngân sách khá lớn cho CĐS.
Với tệp khách hàng này, những doanh nghiệp làm CĐS trong nước gặp khá nhiều khó khăn với sự cạnh tranh từ các đồng nghiệp làm CĐS từ quốc tế. Bài toán CĐS với các doanh nghiệp này cũng có độ khó cao và ở quy mô chuyển đổi lớn, đòi hỏi công nghệ phức tạp.
Công nghệ dù cao cũng không thể thay thế được con người ngay lập tứcÔng Nguyễn Quang Kỷ, Phó giám đốc Rikkei Japan
Ngược lại, với các khách hàng SMEs, ông Kỷ đánh giá đa phần quyết tâm của lãnh đạo cũng như sự đầu tư cho CĐS chưa được nhiều, đa phần mới ở quy mô thử nghiệm là chính. Đi cùng với đó là mức ngân sách còn hạn chế và tầm nhìn dành cho CĐS chưa phải quá xa.
Ngoài ra, theo ông Kỷ khó khăn điển hình đối với doanh nghiệp làm CĐS nằm ở chênh lệnh giữa kỳ vọng của khách hàng và khả năng đáp ứng của công nghệ cũng như thời gian và hiệu quả của CĐS.
Về cơ bản, sự kỳ vọng của khách hàng vào CĐS, công nghệ thương quá cao. Ông Kỷ lấy ví dụ, hiện nay AI là từ khóa rất 'hot' và được nhiều khách hàng quan tâm. Tuy nhiên nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa hiểu rõ thì cho rằng đưa AI vào là có thể thay thế được hoàn toàn con người hay áp dụng AI là bài toán cải thiện hiệu năng, doanh thu ngay lập tức có thể cho ra kết quả.
'Công nghệ dù cao cũng không thể thay thế được con người ngay lập tức', Phó giám dốc Rikkeisoft phụ trách thị trường Nhật Bản nêu quan điểm.
Khẳng định CĐS là câu chuyện rất dài hơi chứ không phải 'một sớm một chiều', ông Kỷ đề cập đến tính cam kết của khách hàng khi tham gia quá trình CĐS. Tuy nhiên, nhiều khách hàng khi tiến hành đòi hỏi sau 3 tháng, 6 tháng phải thấy ngay được kết quả. Như doanh thu tăng được bao nhiêu % hay đạt được những chỉ số cụ thể. Theo ông Kỷ điều này là không dễ dàng vì có những mục tiêu phải dần dần mới được thể hiện.
Bên cạnh đó, ông Kỷ cho biết doanh nghiệp làm CĐS bên cạnh nền tảng công nghệ cần có khả năng tư vấn tổng thể, am hiểu hoạt động kinh doanh của khách hàng. Cụ thể, đội ngũ tư vấn phải là 'Kiến trúc sư trưởng' đồng hành cùng khách hàng trong suốt quá trình CĐS.
'Đội ngũ làm CĐS không đơn thuần là những người làm phần mềm mà phải đi cùng khách hàng từ những bài toán, trăn trở của khách để tư vấn từ chiến lược tới công nghệ cho họ', ông Nguyễn Quang Kỷ nói.
Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản 2021 (Vietnam Summit in Japan 2021) với chủ đề “Chuyển mình: Giá trị mới - Cách thức mới” là sự kiện lớn quan trọng nhất của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, được diễn ra xuyên suốt hai ngày 20-21/11/2021. Tiếp nối thành công của sự kiện lần thứ nhất vào năm 2019, Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ 2 (2021) được tổ chức với mong muốn là một cầu nối để kết nối và quy tụ cộng đồng trí thức Việt tại Nhật, cùng chia sẻ và thảo luận về thời cơ cũng như vấn đề Việt Nam hiện đang phải đối mặt sau đại dịch COVID-19 và đề xuất giải pháp. Sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả uy tín, gần 50 khách mời là các nhân sĩ trí thức, doanh nhân, nghệ sĩ trong và ngoài nước, 1000 khán giả là đại diện các thành phần cộng đồng người Việt tại Nhật và các hội trí thức các nước trên thế giới, sẽ cùng tham gia thảo luận, chia sẻ góc nhìn về các chủ đề trọng yếu. Đại diện Ban Chủ tịch Vietnam Summit in Japan 2021, ông Trịnh Thành Luân cho biết: Tính đến đầu năm 2021, có khoảng 448.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật, trong đó có hơn một nửa là thành phần trí thức, bao gồm các học sinh, sinh viên, các nhà khoa học và chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. |