Hàn Quốc là quốc gia rót vốn cho thiết bị sản xuất chip nhiều thứ 2 trên thế giới trong quý 2/2021 khi đầu tư 6,62 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước.
Đài Loan (Trung Quốc) duy trì vị trí thứ 3 với mức đầu tư 5,04 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Theo SEMI, hoạt động đầu tư vào thiết bị bán dẫn trên thế giới tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao kỷ lục 24,9 tỷ USD trong quý 2/2021 và tăng 5% so với quý trước.
Trung Quốc đầu tư để gia tăng khả năng sản xuất bán dẫn
Việc đầu tư mạnh tay cho lĩnh vực sản xuất chip nằm trong chiến lược trở thành cường quốc công nghệ của Trung Quốc. Từ nhiều năm qua, chính quyền Bắc Kinh cố gắng tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào phương Tây trong lĩnh vực bán dẫn.
Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, sản lượng vi mạch tích hợp (IC) và robot công nghiệp của Trung Quốc năm 2020 tăng 16,2% so với năm trước. Tuy vậy, Trung Quốc chưa thể tự lực về nguồn vi xử lý.
Riêng năm 2020, đất nước đông dân nhất thế giới này phải chi 350 tỷ USD để mua chip phục vụ cho những ngành công nghiệp sản xuất khác nhau. Nguồn cung cấp chip chính cho Trung Quốc đến từ các công ty như Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc) hay TSMC (Đài Loan).
Từ năm 2020, hàng loạt tập đoàn Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen, hạn chế tiếp cận công nghệ có nguồn gốc Mỹ. Điều này càng thúc đẩy chính quyền Bắc Kinh mạnh tay hơn trong chiến lược tự chủ nguồn cung chip bán dẫn.
Ngoài ra, ảnh hưởng của đại dịch dẫn tới tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu, càng khiến cho nhiều ngành sản xuất của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Ngành bán dẫn tại Trung Quốc càng phải tìm cách mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng được nhu cầu đang tăng liên tục của thị trường.
SMIC liên tục đầu tư nhà máy sản xuất chip
Gần đây, công ty bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC đầu tư nhà máy sản xuất chip trị giá gần 9 tỷ USD tại Thượng Hải. Hồi tháng 3, tập đoàn này cũng công bố dự án nhà máy chip trị giá 2,35 tỷ USD từ nguồn tài chính của chính quyền thành phố Thâm Quyến.
Vốn đầu tư không thiếu nhưng Trung Quốc cần giải quyết nhiều thách thức, đặc biệt liên quan đến công nghệ. Rào cản này càng trở nên khó vượt qua hơn trong điều kiện Mỹ tăng cường các biện pháp hạn chế.
Mỹ siết chặt bán công nghệ cho Trung Quốc
Mới đây, quan chức cấp cao của Cục Công nghiệp và An ninh - Bộ Thương mại Mỹ Jeremy Pelter công bố số tiền phạt công ty Mỹ bán công nghệ cho Trung Quốc tăng vọt trong 8 tháng đầu năm.
Theo đó, tổng án phạt mà các công ty Mỹ phải nhận vì có giao dịch liên quan tới Trung Quốc là 226 tháng tù giam, gần 1,9 triệu USD tiền phạt hình sự và hơn 4 triệu USD tiền phạt dân sự tính từ đầu năm đến hết tháng 8. Con số này cao hơn nhiều so với mức 80 tháng tù giam và 60.000 USD tiền phạt cho án hình sự năm 2020.
Mỹ không muốn các công nghệ quan trọng lọt vào tay Trung Quốc
Tháng trước, công ty Dynatex International, có trụ sở ở Santa Rosa, California phải nộp hơn 450.000 USD vì bán công nghệ cho 2 doanh nghiệp Trung Quốc đang nằm trong danh sách thực thể.
Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ khẳng định tăng cường xử lý để ngăn chặn doanh nghiệp Mỹ bán trái phép công nghệ cho Trung Quốc.
Mỹ tăng cường kiểm soát doanh nghiệp Trung Quốc bằng danh sách thực thể
Jeremy Pelter phát biểu trong cuộc họp với Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung của Quốc hội Mỹ: “Cục Công nghiệp và An ninh sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác liên quan, Quốc hội và cộng đồng về xuất nhập khẩu để hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu công nghệ Mỹ trái phép. Chúng ta sẽ tiếp tục nhận thấy đồng minh và các đối tác thương mại cùng chí hướng với Mỹ nhận thức rõ ràng hơn về Trung Quốc và các hành động xấu”.
Hiện có khoảng 420 công ty và các tổ chức Trung Quốc nằm trong danh sách thực thể của Mỹ do Cục Công nghiệp và An ninh ban hành. Các doanh nghiệp này không được sử dụng công nghệ Mỹ trừ khi nộp đơn xin phép. Đa số thực thể Trung Quốc bị Mỹ cấm hoạt động trong các lĩnh vực điện tử, hàng không, chất bán dẫn, kỹ thuật và vật liệu công nghệ cao. Danh sách này được xem xét và sửa đổi thường xuyên.