Bên cạnh đó, tập đoàn này đã công bố các biện pháp mới trong chiến dịch phòng chống nạn quấy rối tình dục, bao gồm thành lập một nhóm chuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời những hành vi không phù hợp với chuẩn mực văn hoá công sở. Cùng với đó, Alibaba cũng đã tạo ra “Bộ quy tắc chống quấy rối tình dục”, và cho biết sẽ không nhân nhượng với các hành vi vi phạm. Nhiều người cho rằng sự việc quấy rối của nữ nhân viên là do công ty thiếu các biện pháp răn đe, xử phạt những hành động như thế. “Đây là một hồi chuông cảnh báo. Việc này đã từng được đưa ra bàn luận rất nhiều và vẫn còn nhiều công ty chưa có một nguyên tắc cơ bản để xử lý những khiếu nại như thế”.
Thật ra, luật chống quấy rối tình dục tại nơi công sở ở Trung Quốc còn là điều khá mới và chưa quá khắt khe. Theo đó, một điều khoản trong bộ luật dân sự mới có hiệu lực từ đầu năm nay chỉ quy định rằng các công ty và nơi làm việc nên có những biện pháp để ngăn chặn quấy rối tình dục. Luật vẫn còn thiếu các hình phạt xử lý đối với các công ty sai phạm.
Bê bối của Alibaba và phản ứng dữ dội từ cộng đồng đã tạo sức ép buộc nhiều công ty tranh nhau áp dụng các quy tắc và biện pháp chống quấy rối để xây dựng hình ảnh cho mình. Cụ thể không bao lâu sau vụ bê bối của Alibaba, công ty iQiyi đã gửi thư cho các nhân viên và thực tập sinh thông báo về những thay đổi trong chính sách. Trong đó bao gồm cả những điều khoản thể hiện rõ lập trường “kiên quyết phản đối” của công ty với bất cứ việc bất thành văn nào không phù hợp hoặc gây hại cho họ, ý ở đây là quấy rối tình dục nơi công sở. Còn về hình phạt khi vi phạm được gửi trong một tài liệu nội bộ riêng.
Theo EnGender, một tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn bao gồm cả nạn quấy rối tình dục cho biết, họ đã nhận được hơn 2000 câu hỏi chỉ trong vài tuần qua, con số nhiều gấp 3-5 lần số yêu cầu mỗi tháng mà công ty nhận được trước bê bối của Alibaba. Ước tính có khoảng 1 nửa số công ty liên hệ với EnGender đều chưa từng có chính sách phòng chống nạn quấy rối tình dục. Còn với những công ty còn lại, quy tắc mặc dù đã được làm điều khoản trong quy tắc ứng xử và hợp đồng lao động nhưng vẫn còn rất mơ hồ, lỏng lẽo.
Các công ty công nghệ như Pinduoduo, Xiaomi,… hay tập đoàn giải trí Tencent Music cũng đã gửi lời nhắc nhở đến nhân viên về các quy tắc chống quấy rối. Một nhân viên của Pinduoduo cho biết cấp trên đã yêu cầu bộ phận tiếp thị của cô phải xử lý các mối quan hệ kinh doanh với đối tác, khách hàng một cách cẩn trọng, đồng thời phải báo cáo ngay các trường hợp hành vi sai trái.
Trong khi đó, một nhân viên của Xiaomi cho biết trong một cuộc họp công ty mới đây, quản lý đã lấy ví dụ về vụ bê bối của Alibaba và răn đe, yêu cầu các nhân viên không được để trường hợp tương tự xảy ra. Còn về Tencent, họ cũng cho biết sẽ không chấp nhận cho bất kỳ hành vi quấy rối, dù dưới dạng hình thức nào. Bên cạnh đó từ lâu, Tencent đã có một kênh trò chuyện ẩn danh để các nhân viên có thể báo cáo và chia sẻ vấn đề mình đang gặp phải.
Theo WSJ
trung quốccông tyalibabaquấy rối tình dụccông sởép rượuvăn hoá nơi làm việc