Cơ quan Quản lý Phát thanh và Truyền hình quốc gia (NRTA) cho biết trong một thông báo trực tuyến rằng họ sẽ thắt chặt hơn trong việc quản lý các chương trình văn hoá, chấn chỉnh những nội dung không lành mạnh và xem xét vấn đề thù lao, tình trạng trốn thuế của những người nổi tiếng.
Ngành công nghiệp giải trí đang bước vào giai đoạn “sóng gió” sau hàng loạt vụ bê bối của người nổi tiếng. Các cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc cho rằng họ đang hành động để chống lại “văn hoá hâm mộ độc hại” ở giới trẻ hiện nay. Theo đó, NRTA cho rằng quy định về giới hạn thù lao của các diễn viên, ca sĩ cần phải được thực thi nghiêm ngặt, đồng thời phải thúc đẩy những người có ảnh hưởng này tham gia những chương trình vì phúc lợi cộng đồng và đảm nhiệm các trách nhiệm xã hội. Trốn thuế sẽ là hành vi bị phạt rất nặng.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn diễn viên và khách mời phải được kiểm soát một cách cẩn thận dựa trên các tiêu chí về nhận thức chính trị và hành vi đạo đức.
Không dừng lại ở đó, NRTA cũng cho rằng nhà đài cần phải chấm dứt thị hiếu “dị dạng” về phong cách trình diễn “ẻo lả” của các sao nam trước ống kính. Đối mặt với tỷ lệ sinh ngày càng giảm, giới chức trách Trung Quốc đang cố gắng truyền bá các giá trị nam tính truyền thống ở giới trẻ bằng cách tăng cường các lớp tập gym và chỉ trích các nam nghệ sĩ theo phong cách thần tượng nhạc pop Hàn Quốc. Thay vào đó, các nhà đài được khuyến khích quảng bá mạnh mẽ nền văn hoá truyền thống Trung Quốc và nền văn hoá xã hội chủ nghĩa tiên tiến.
Đáp lại phản ứng mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc, các nền tảng xã hội cũng đã bắt đầu “nghiêm ngặt” hơn trong khâu quản lý. Theo đó, một blogger nổi tiếng ở Trung Quốc có tên Feng Xiaoyi đã bị Douyin - phiên bản TikTok của Trung Quốc, đình chỉ tài khoản vào tuần trước. Nguyên nhân được cho là vì anh ta đã “quảng bá các giá trị không lành mạnh” và khiến nhiều người dùng phàn nàn về các video quá ẻo lả của anh ta. Cũng vào tuần trước, nền tảng video iQiyi đã thông báo họ sẽ huỷ chiếu các chương trình tìm kiếm thần tượng đã sản xuất.
Ngoài ra, văn hoá hâm mộ không lành mạnh cũng cần được bài trừ triệt để và các phân đoạn bình chọn của khán giả trong các chương trình giải trí phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng người hâm mộ chi tiền để tăng bình chọn. Các chương trình giải trí có những mảng trình diễn thô tục, hay khoe khoang sự giàu có của những ngôi sao cũng sẽ bị loại trừ.
Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang tăng cường giám sát, chỉnh đốn hàng loạt các mảng từ công nghệ cho đến giáo dục, nhằm tăng cường quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các lĩnh vực được xem là quan trọng của xã hội và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cách đây vài hôm, chính phủ Trung Quốc cũng đã ban hành luật mới giới hạn thời gian chơi game ở trẻ em.
Theo (1), (2)
trung quốcgiải trínghệ sĩlệnh cấmẻo lảsao nam