Trong cuộc phỏng vấn mới nhất giữa Mark Zuckerberg và tạp chí Wired, CEO của Facebook một lần nữa khẳng định việc tự sản xuất một mẫu điện thoại của riêng mình không phải là chiến lược đúng đắn. Đại diện của mạng xã hội lớn nhất cho biết hiện tại cộng đồng Facebook có tới hàng tỷ thành viên. Trong khi đó, nếu không tính iPhone thì model bán chạy nhất hiện nay cũng chỉ đạt được doanh số từ 10 đến 20 triệu chiếc. Nếu tự sản xuất smartphone, Facebook chỉ tiếp cận được từ 1% đến 2% khách hàng của mình. Do đó, thay vì sản xuất một chiếc điện thoại, hãng tìm cách biến mọi smartphone thành 'Facebook Phone' và Home ra đời.
Với tham vọng biến các thiết bị android vốn đang có tốc độ phát triển rất nhanh trở thành nơi 'ký sinh' của Facebook thông qua Facebook Home, Mark Zuckerberg đang làm cho nhiều nhà cung cấp các ứng dụng android cảm thấy khó chịu.
Đối tượng khó chịu đầu tiên phải kể đến là Google, công ty đang sở hữu nền tảng android. Hãy thử nghĩ xem, Google sẽ bị ảnh hưởng gì khi Facebook Home phát triển rộng rãi.
Mark cho rằng Facebook Home không cạnh tranh với các dịch vụ của Google, mà hãng muốn giúp các nhà phát triển ứng dụng có 'những trải nghiệm chất lượng cao' trên hệ điều hành Android. Tuy nhiên, việc Facebook Home nằm 'chiễm chệ' trên màn hình chính của điện thoại khiến nhiều người dùng không còn sử dụng dịch vụ của Google. Điển hình có thể kể đến như Google Talk, Google Voice sẽ được thay thế bằng Message trên Facebook, Google+ dĩ nhiên sẽ không được ưa chuộng như Facebook. Và mối đe dọa lớn nhất có lẽ đến từ Graph Search, dịch vụ sẽ đối đầu trực tiếp với Google Search.
Câu hỏi đặt ra liệu Google có cho phép Facebook tạo ra vị trí 'chủ chốt' trên những thiết bị chạy nền tảng do chính hãng phát triển hay không. Phó giám đốc công ty nghiên cứu Gartner, ông Carolina Milanesi nhận định. 'Tôi đang tự hỏi liệu trong bao lâu nữa Google sẽ hạn chế tính mở trên hệ điều hành mã nguồn mở Android'. Nếu nhận định này chính xác, Facebook sẽ bị coi là 'kẻ phá hoại' android, ngược lại với những gì Mark diễn thuyết.
Theo CNet, động thái của Facebook chứng tỏ hãng này muốn nắm quyền điều khiển trực tiếp người dùng của mình, thay vì phụ thuộc vào ứng dụng mạng xã hội trên Android.
Ngoài android, iOS cũng là mảnh đất màu mỡ. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg cho biết mặc dù có mối quan hệ tốt với Apple nhưng do 'Quả táo' muốn kiểm soát trải nghiệm của người dùng nên việc hợp tác không thành. Ngược lại, Facebook và Google lại ít rào cản hơn. Thậm chí, do 'Android là hệ điều hành mở nên Facebook cũng không cần phải làm việc với Google', CEO Facebook nói thêm.
Mark cho rằng Facebook Home sẽ đem lại 'những trải nghiệm chất lượng cao' trên hệ điều hành Android.
Việc có đến hơn 1 tỷ thành viên, Facebook hoàn toàn có cơ sở để biến tham vọng của mình thành hiện thực. Đi kèm với việc Facebook Home phát triển mạnh sẽ là sự đi xuống của tất cả các ứng dụng khác liên quan. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn muốn vào Facebook, một cách tiện lợi nhất là cài đặt Facebook Home. Quá đơn giản, nhanh chóng và tiện lợi. Qua đó, Facebook ngày càng can thiệp sâu hơn và kiểm soát người dùng tốt hơn. Tỉ lệ thuận với sự phát triển đó là các khoản lợi nhuận khổng lồ từ doanh thu quảng cáo.
Phải chăng, Facebook quá tham lam?