Chờ ‘nền kinh tế iPhone’ tại Việt Nam
Sự dịch chuyển sản xuất của Apple gửi nhiều tín hiệu tốt cho các tham vọng kinh tế Việt Nam.
Apple đã trở thành công ty đắt giá nhất thế giới có mặt trên thị trường chứng khoán. Trading Economics so sánh nếu là một quốc gia, con số 2.000 tỉ USD sẽ giúp Apple xếp thứ 9 trong danh sách những nước có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất.
Con số trên cho thấy sự hấp dẫn vô cùng lớn nếu Apple đặt nhà máy tại Việt Nam. Cơ hội này một lần nữa được truyền thông Việt Nam rầm rộ đưa tin khi Tập đoàn Foxconn vừa công bố kế hoạch chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPad và Macbook sang Việt Nam. Dự án có quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm mỗi năm với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 270 triệu USD.
Trước đó, có thông tin Apple đã bắt đầu sản xuất loại tai nghe AirPods ở Việt Nam, thông qua các nhà sản xuất là Goertek và Luxshare với sản lượng hằng năm có thể lên đến 15% số AirPods bán ra trên thế giới. Năm 2021, thế hệ thứ 3 của AirPods dự kiến cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, tại Việt Nam, Apple cũng xúc tiến mở trung tâm nghiên cứu nhỏ, phân phối, bán hàng, chăm sóc khách hàng hoặc tham gia vào các khâu sản xuất, kiểm thử với các đối tác của Apple.
Apple Iphone thúc đẩy một số nền kinh tế tại Châu Á.
Những thông tin này trở nên đáng chú ý hơn trong bối cảnh các đối tác lớn của Apple như Pegatron, Wistron hay Luxshare lần lượt rút khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa hạ nhiệt. Cùng với đó là tình hình dịch bệnh cũng thúc đẩy làn sóng dịch chuyển khỏi các cơ sở sản xuất tại công xưởng thế giới này.
Theo phân tích của Credit Suisse về “nền kinh tế iPhone”, ước tính Apple trả cho các công ty Đài Loan từ 100-150 USD mỗi chiếc iPhone cho chi phí linh kiện và lắp ráp. Theo đó, hoạt động sản xuất iPhone mang lại doanh thu từ 17,9- 26,9 tỉ USD cho các công ty Đài Loan. Tương tự như vậy là khoản tiền khổng lồ cho các đối tác đến từ Nhật, Hàn Quốc với những đơn hàng về màn hình, chip…
Vì vậy, sự dịch chuyển sản xuất của tập đoàn công nghệ khổng lồ như Apple sang Việt Nam được dự báo sẽ ảnh hưởng tích cực đến hệ sinh thái gia công phần cứng, chuỗi cung ứng cũng như môi trường đầu tư ở Việt Nam. Đặc biệt, cái tên Apple tiếp tục là bảo chứng cho một làn sóng đầu tư quốc tế chất lượng cao vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi động trong năm 2021, trở thành chất xúc tác mạnh cho tham vọng Make in Vietnam và kinh tế số mà Việt Nam đang theo đuổi để bắt kịp cách mạng công nghệ 4.0.
Đồng thời, sự xuất hiện của những doanh nghiệp công nghệ cao trong chuỗi sản xuất của Apple giúp Việt Nam tự tin loại bỏ các dự án FDI chất lượng thấp. Đây là mô hình cần sớm loại bỏ vì kéo dài mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam theo chiều rộng, tập trung vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuống vị trí thấp hơn trong chuỗi giá trị.
Ông Đỗ Khoa Tân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, nhận định: “Với sự tham gia dây chuyền sản xuất các sản phẩm chính của Apple, Việt Nam sẽ thu hút được hàng loạt dự án công nghệ khác. Không chỉ các dự án này sẽ tạo ra nhiều lao động từ phổ thông đến trung, cao cấp và thậm chí quản lý mà còn kéo theo những trung tâm nghiên cứu và phát triển, chuyên cho ra đời những công nghệ mới nhất”.
Samsung với số vốn đầu tư đã lên đến vài chục tỉ USD, ban đầu vào Việt Nam cũng chỉ lắp ráp, sau này mới có các công ty thầu phụ ở Việt Nam. Điều này cũng có thể lặp lại với Apple nếu Việt Nam tạo ra đủ sức hấp dẫn cho các công ty công nghệ của Mỹ đưa ra quyết định.
Apple không trực tiếp xây dựng nhà máy sản xuất như Samsung, LG mà thuê doanh nghiệp khác gia công. Hai nhà sản xuất gia công lớn nhất cho Apple hiện nay là Foxconn (Đài Loan) và Luxshare (Trung Quốc). Economist Intelligence Unit (EIU) đánh giá Việt Nam là một lựa chọn hấp dẫn đối với hoạt động sản xuất và những doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở châu Á. Nhiều lợi thế đang giúp Việt Nam ghi điểm cao hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc trong chính sách về FDI.
Theo EIU, Việt Nam sẽ trở thành “cái tên thay thế rất thuận lợi cho một phần sản xuất của Trung Quốc”. Việt Nam đã đạt đến trình độ có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm phức tạp. Năng lực này giúp Việt Nam thu hút nhiều tập đoàn công nghệ tỉ USD như Intel, Samsung, LG, Nokia, Panasonic…
Trong vòng 7 năm (2014-2020), Việt Nam đã tiến 29 bậc, từ vị trí 71 lên vị trí 42/131 quốc gia/nền kinh tế trong Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo toàn cầu (GII) do WIPO công bố. Những con số kỷ lục về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), xuất nhập khẩu trong 8 năm qua của Việt Nam là minh chứng cho năng lực sản xuất của Việt Nam.
“Nếu Đài Loan và Hàn Quốc có thể đảm nhận vai trò quan trọng đối với chuỗi cung ứng công nghệ, tại sao không phải là Việt Nam?”, một lãnh đạo của Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex nói với Nikkei.
Trực Thanh