Apple bắt đầu sản xuất iPad tại Việt Nam từ giữa năm nay
Nguồn tin từ Nikkei cho biết Apple dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất iPad tại Việt Nam sớm nhất vào giữa năm 2021.
Báo cáo từ Nikkei cho biết, Apple đang đẩy mạnh việc dịch chuyển sản xuất iPhone, iPad, Mac và các sản phẩm khác ra ngoài Trung Quốc.
Đây là nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất nhiều sản phẩm hơn bên ngoài Trung Quốc của Apple. Nguồn tin cho biết, Việt Nam và Ấn Độ là 2 điểm đến mà Apple lựa chọn.
(Ảnh: PhoneArena)
Cụ thể, báo cáo từ Nikkei cho biết, Apple sẽ bắt đầu sản xuất iPad tại Việt Nam sớm nhất vào giữa năm 2021. Đây sẽ đánh dấu lần đầu tiên Apple sản xuất máy tính bảng với số lượng lớn bên ngoài Trung Quốc.
Apple cũng được cho là sẽ triển khai sản xuất iPhone tại Ấn Độ – địa điểm sản xuất lớn thứ hai cho dòng smartphone của hãng – với dòng dòng sản phẩm mới nhất là iPhone 12.
(Ảnh: Hon Hai Precision Industry Co., Ltd.)
Trong chiến lược đa dạng hóa mới, Apple cũng đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm gồm loa thông minh, tai nghe và máy tính tại Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, Apple sẽ mở rộng dây chuyền sản xuất dòng loa thông minh mới nhất HomePod mini. Sản phẩm này đã bắt đầu được sản xuất tại Việt Nam từ thời điểm ra mắt thị trường vào năm ngoái và dự kiến sản lượng sẽ được tăng lên trong năm nay.
(Ảnh: Karen Dias/Bloomberg)
Apple đã chuyển một sản dây chuyền sản xuất máy tính Mac mini sang Malaysia và dự kiến chuyển một phần sản xuất MacBook sang Việt Nam trong năm nay. Hiện tại, hầu hết máy tính Mac của Apple vẫn được sản xuất tại Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, các báo cáo cho thấy Apple đang đề nghị Foxconn chuyển việc lắp ráp iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại.
Một nguồn tin gần đây cho thấy Foxconn hiện đã được cấp giấy phép xây dựng nhà máy trị giá 270 triệu USD ở thành phố Bắc Giang.
(Ảnh: Apple Insider)
Trong khi đó, Luxshare Industry, đối tác lắp ráp iPhone và AirPods, cũng đang gấp rút triển khai hoạt động tại miền bắc Việt Nam để sản xuất HomePod.
Theo một quản lý chuỗi cung ứng, Apple cùng nhiều hãng công nghệ khác đều muốn tăng sản lượng ngoài Trung Quốc. Xu hướng này vẫn không suy giảm ngay cả khi Mỹ có Tổng thống mới. Nếu như hai năm trước, đây là điều khó tưởng tượng thì nay, không có gì là bất khả thi.
Các “ông lớn” công nghệ toàn cầu đang muốn giảm phụ thuộc vào “công xưởng” Trung Quốc. Nguyên nhân được cho là do chi phí nhân công ngày một tăng, căng thẳng thương mại cùng dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng, khiến rủi ro khi lệ thuộc vào một cơ sở duy nhất là quá lớn.
Duy Huỳnh