- Tính chất vô danh: Địa chỉ của người mua và người bán ẩn giấu, không có bên thứ ba (không có hệ thống thanh toán và giám sát bởi định chế tài chính uy tín) và do đó không có phí giao dịch. Đến nay chưa có một cơ chế nào để buộc những người kinh doanh bằng loại tiền ảo Bitcoin đánh thuế.
- Lo ngại: Tính chất vô danh của hệ thống Bitcoin sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các thương vụ rửa tiền hay tài trợ cho các hoạt động khủng bố?
- Hợp pháp hóa: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cấm thanh toán bằng bitcoin nhưng Baidu và China Telecom vẫn chấp nhận. Ngoài Trung Quốc, vẫn chưa có quốc gia nào tuyên bố cấm Bitcoin.
Bitcoin là một loại tiền “ảo” dùng để thanh toán trên mạng không qua một trung gian nào. Báo ĐTTC số ra ngày 2-12-2013, trên loạt bài hồ sơ: “Thiên đường né thuế mới”, có đề cập đến Bitcoin được dùng phổ biến để mua mọi thứ, nhưng đến nay chưa có một cơ chế nào để buộc những người kinh doanh bằng loại tiền ảo Bitcoin đánh thuế.
Tại Việt Nam hiện nay cũng đã có doanh nghiệp giao dịch thương mại bằng Bitcoin với tỷ giá được quy đổi 1 Bitcoin = 910USD.
Chuyện thanh toán trên mạng không cần qua ngân hàng thật ra không có gì mới bởi từ lâu bạn đã có thể dùng Paypal trả tiền mua một loại hàng hóa và dịch vụ nào đó. Tuy vậy, giao dịch này không thể được xem là “ảo” vì Paypal yêu cầu phải có chi tiết cá nhân của kẻ mua người bán và thu phí. Trong khi đó, trong hệ thống thanh toán Bitcoin không có bên thứ ba và do đó không có phí giao dịch.
Bitcoin được chuyển vô danh giữa các địa chỉ của người mua và người bán dựa trên các máy chủ ẩn giấu đâu đó không dễ xác định được địa điểm, bởi những tín hiệu chuyển giao lại được phát tán với hàng ngàn máy chủ trên khắp thế giới. Nhưng trước khi có Bitcoin bạn vẫn cần phải chuyển tiền thật của mình vào một trung gian giao dịch nào đó như Mt Gox và được cấp một “tài khoản”.
Đặc thù kế tiếp của Bitcoin là không có một hệ thống thanh toán trung tâm và được giám sát bởi một định chế tài chính có uy tín. Nói cách khác, nếu hệ thống Bitcoin ngừng hoạt động, sẽ không có một bên cụ thể nào chịu trách nhiệm bồi hoàn.
Thế nhưng, theo đánh giá của các nhà phân tích, câu hỏi đặt ra đối với các giới chức tiền tệ nhiều nước là liệu tính chất vô danh của hệ thống Bitcoin sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các thương vụ rửa tiền hay tài trợ cho các hoạt động khủng bố hay không?
Minh chứng gần đây nhất là việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái đã cấm sử dụng Bitcoin do những quan ngại về nguy cơ rửa tiền. Trước đó, Bitcoin vẫn còn được chấp nhận thanh toán trên nhiều trang web trong đó có Baidu, công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc và China Telecom với mạng lưới điện thoại di động đứng thứ 3 của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều nước lại xem Bitcoin là một thực tế cuộc sống, tức không đồng tình cũng chẳng phản đối. Cụ thể là tại Singapore, ngân hàng trung ương với tên gọi quen thuộc là MAS tuyên bố Bitcoin là “quyết định mang tính thương mại nên không can thiệp”. Điều thú vị là trước thực tế có một số cơ sở kinh doanh đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.
Đơn cử như Cục thuế Singapore (IRAS) quy định giao dịch Bitcoin nào có “dính” đến hàng hóa và dịch vụ trên lãnh thổ đảo Sư tử sẽ phải chịu mức thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), hiện nay là 7%.
Không rõ các động thái nói trên của MAS và IRAS có phải là bước đầu tiên trước khi tiến hành hợp pháp hóa Bitcoin hay không. Song cho đến nay, chỉ có một quốc gia phát triển ở Bắc Âu là Đan Mạch vào tháng 12 năm ngoái cho biết sẽ có những quy định về giao dịch Bitcoin để ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền và các hoạt động phi pháp khác. Như vậy ngoài Trung Quốc, vẫn chưa có quốc gia nào tuyên bố cấm Bitcoin.
Có một điều lúng túng nếu quy định hay hợp pháp hóa cụ thể, bởi Bitcoin là đồng tiền kỹ thuật số (digital) và “ảo” nhưng không có nghĩa là giả mạo. Theo một số chuyên gia, Bitcoin có thể được xem là một công cụ tài chính được người mua với hy vọng sẽ tăng giá trị trong tương lai. Bạn có thể dùng tiền thật mua Bitcoin rồi sau đó có thể đổi nó lại thành tiền thật, như vậy nó có khác chi chứng khoán.
Biết đâu một ngày không xa, các quầy giao dịch ngoại tệ sẽ có thêm phần phục vụ chuyển đổi Bitcoin cho du khách nước ngoài đến đảo quốc Sư tử. Theo quy định của luật pháp hiện hành, các quầy giao dịch ngoại tệ tại Singapore đều có giấy phép và được sự quản lý của MAS. Nhưng vấn đề là ở chỗ việc thanh toán hay sử dụng Bitcoin trên mạng và ngoài đời có được nhiều người tham gia hay không.
Trước mắt IRAS cứ việc tiến hành thu thuế GST khi có giao dịch phát sinh. Còn nếu có hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố bằng Bitcoin dính dáng đến Singapore, chắc chắn MAS sẽ ra tay với những biện pháp chế tài phù hợp.