Vào giữa thế kỷ trước, người ta phát hiện ra một cấu trúc địa chất kỳ lạ, có niên đại cách đây hàng triệu năm, với nhiều vòng tròn lồng vào nhau trông giống như một con mắt khổng lồ nổi lên giữa sa mạc Sahara ở phía Tây nước Mauritania, gần khu vực Ouadane. “Con mắt” này được coi là một kiệt tác của thiên nhiên và sự hình thành nó cho đến nay vẫn là một bí ẩn đối với nhân loại.
Kalb ar-Rishat, còn được gọi là “Con mắt Sahara” hay “Con mắt xanh châu Phi”, là một kết cấu địa chất hình tròn, có đường kính 45km nằm trên phần sa mạc thuộc nước Mauritania.
Vị trí “Con mắt Sahara” trên bản đồ Châu Phi
Theo các nhà khoa học thì con người không hề biết đến sự tồn tại của cấu trúc hình con mắt này do vẻ đồ sộ và bí ẩn của nó rất khó nhận ra từ mặt đất. Kỳ quan này chỉ được biết đến khi con người thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ. Hiện tại, nó là một trong những đối tượng được họ chụp ảnh nhiều nhất, bởi nhìn từ vũ trụ thì nó rất đẹp. Gần đây, Chris Hadfield, nhà du hành vũ trụ người Canada đã chụp ảnh “mắt Sahara” từ trên trạm vũ trụ quốc tế ISS. Bức ảnh của ông đã gây ra một “cơn sốt” thật sự trên thế giới.
“Con mắt xanh châu Phi” nhìn từ không gian
“Con mắt Sahara” là kết quả của sự xói mòn đất từ cuối thời kỳ Nguyên sinh cho đến giữa thời kỳ Sa thạch Ordovicia. Các khối đá trầm tích tạo nên một lớp vỏ bên ngoài. Phía trong, sự xói mòn thể hiện mạnh hơn ở các lớp đá Quartzite, tạo nên các sườn tròn dễ vỡ. Tại vị trí trung tâm, “Con mắt của Sahara” được bao phủ bởi một lớp đá vụn với tổng bán kính lên đến 3km.
“Con mắt Sahara” nhìn từ không gian.
Rất nhiều giả thiết được ra đề sự hình thành của cấu trúc tuyệt đẹp này, tuy nhiên cho đến nay, chưa có một câu trả lời chính xác nào về sự xuất hiện của cấu trúc Con mắt Sahara.
Một số nhà khoa học suy đoán, Richat là nguyên nhân của những trầm tích núi lửa phun trào hay một vụ va chạm thiên thạch từ hàng triệu năm trước. Số khác lại cho rằng đây chính là tàn tích của lục địa Atlantics bí ẩn đã biến mất từ nhiều năm. Trong tác phẩm “Timaeus” của Plato, lục địa Atlantis là hòn đảo lớn, lớn hơn cả Libya và châu Á ngày nay cộng lại. Quốc gia huyền thoại này thống trị các xứ sở xung quanh và tiếp tục đánh chiếm các nơi khác. Tuy nhiên cuộc xâm lăng đã bị các chiến binh Athen dũng cảm chặn lại. Lục địa Atlantis huyền thoại bị sụp đổ một cách bất ngờ. Những cơn động đất và những trận đại hồng thủy đã nhấn chìm hòn đảo xuống biển. Sự kiện này được cho là xảy ra vào thế kỷ IX trước Công nguyên.
Giả thuyết về nguồn gốc Con mắt của sa mạc Sahara được đông đảo các nhà khoa học chấp nhận do hai nhà địa chất học người Canada đề xuất vào cuối năm 2014 trên tạp chí Journal of African Earth Sciences. Theo đó, Guillaume Matton và Michel Jébrak ở khoa Khoa học Trái Đất và Khí quyển thuộc Đại học Quebec, Montreal, cho rằng sự hình thành của cấu trúc con mắt bắt đầu cách đây hơn 100 triệu năm. Ở thời điểm đó, siêu lục địa Pangaea tách rời do kiến tạo mảng, khiến các khu vực nay là châu Phi và Nam Mỹ di chuyển ra xa nhau.
Đá nóng chảy dâng lên bề mặt nhưng không lan rộng mà hình thành một mái vòm bao gồm nhiều lớp đá, giống như một chiếc mụn lớn. Quá trình này cũng tạo ra những đường đứt gãy bao quanh và chạy dọc con mắt. Đá nóng chảy đồng thời hòa tan đá vôi ở gần giữa con mắt, khiến đá vôi đổ sụp và cho ra đời loại đá đặc biệt tên là breccia.
Một thời gian ngắn sau đó, con mắt phun trào dữ dội, làm sụp một phần mái vòm. Tác động bào mòn góp phần hoàn thiện cấu trúc và dẫn đến dáng vẻ ngày nay của con mắt. Những vòng tròn tạo thành từ nhiều loại đá khác nhau xói mòn với tốc độ khác nhau. Vòng tròn nhạt màu hơn ở gần giữa con mắt là đá núi lửa sinh ra từ vụ phun trào.
Các nhà khoa học và các phi hành gia rất thích cấu trúc hình con mắt bởi phần lớn sa mạc Sahara là biển cát mênh mông. Con mắt Sahara là một trong số ít những mô hình địa chất có những đặc trưng quan trọng giúp họ nhận biết về địa hình Trái Đất.
Hà Thu tổng hợp