Trước tình hình thiên tai dồn dập gây thiệt hại nặng nề về người và của trên khắp thế giới, lãnh đạo các nước đã ngồi lại và quyết định xây dựng một mạng lưới vệ tinh bao bọc Trái đất nhằm can thiệp ngăn chặn thời tiết cực đoan. Hệ thống này có biệt danh Cậu bé Hà Lan, do Jake Lawson (Gerald Butler) sáng tạo ra và được điều khiển từ một trạm không gian ISS chuyên biệt. Với Cậu bé Hà Lan, thế giới gần như thoát khỏi hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng sẽ ra sao khi mạng lưới khổng lồ này gặp sự cố và tự gây ra thiên tai?
Ngay từ khi xem trailer, mình đã thắc mắc mục đích ra đời của cái phim này là gì, chắc để khoe tao có CGI?! Bởi nội dung phim vừa cũ vừa mòn như bánh xe đã chạy ngàn cây số. Phim viễn tưởng về thảm họa thiên nhiên rất ăn khách, nhưng đó là cách đây 15-20 năm. Bây giờ xem tin tức thấy thiên tai đầy nhóc, thành hiện thực hết rồi, còn gì lạ nữa đâu. Bây giờ là phải làm phim về đại dịch hay zombie ma cà rồng gì đó, khéo chục năm nữa thành sự thực. Nhưng tới khi thấy tên đạo diễn - biên kịch là Dean Devlin thì mình đã hiểu. Anh này chính là biên kịch Independence Day, Independence Day: Resurgence, Godzilla (1998) cùng vài phim nữa toàn bị đánh giá 'thúi' trên Rotten Tomatoes. Siêu bão địa cầu là phim đầu tiên do Devlin làm đạo diễn, và ảnh đã chọn một đề tài quen thuộc.
Phim do Devlin viết trước giờ toàn thuộc loại 'tiền thì to mà não thì teo'. Ấy, không phải chê nguyên bộ phim dở nhé. Independence Day không có dở. Nó được đánh giá khá tốt, và còn là phim ăn khách nhất 1996 nữa, nhưng chẳng phải nhờ công Devlin. Kịch bản của ảnh bị chê là mỏng tẹt, nhân vật thì kém phát triển. Có thể nói thành công của Independence Day là nhờ đạo diễn Roland Emmerich. Nói vậy để các bạn tưởng tượng được cái bi kịch của Geostorm như thế nào.
Bộ phim giống như một bản ăn theo vụng về của Independence Day và The Day After Tomorrow. Cốt truyện thì đọc tóm tắt phim là đoán được hết, và mặc dù trailer phim không tiết lộ nút thắt nào, người xem vẫn có thể nhìn cảnh trước và biết tỏng cảnh sau có gì xảy ra, hay câu thoại tiếp theo của diễn viên đại ý là chi. Vầng, nó mòn đến mức vậy đó. Mà đã mòn quá thể như vậy thì còn đâu hồi hộp với chẳng căng thẳng. Tất cả chỉ như một màn trình diễn kỹ xảo trôi tuồn tuột không để lại gì.
Nhưng kỳ diệu thay, với cái cốt truyện đơn giản như vậy thì biên kịch vẫn phải thêm thắt cho được một mớ tình tiết hời hợt và ngượng ngập đến mức buồn cười. Mối quan hệ trung tâm của bộ phim là tình anh em sứt mẻ giữa Jake (Gerald Butler) và Max (Jim Sturgess). Gerald Butler được biết đến với các vai hành động cơ bắp và có-vẻ-có-não như Olympus Has Fallen, Gamer, Tomb Raider, 300... Butler vẫn hoàn thành nhiệm vụ vì anh là diễn viên nghiêm túc, nhưng khổ cho anh, this is not Sparta! Toàn bộ sự 'phát triển' của tình huynh đệ này chỉ được thể hiện qua những câu thoại mà hai anh diễn viên học thuộc lòng rồi đọc ra cho khán giả nghe. Sắc thái tình cảm duy nhất mà các bạn cảm nhận được là sự bối rối cực độ của hai ảnh, như thể đang nghĩ coi lát nữa về có nên bóp cổ thằng đại diện vì xúi mình đi đóng cái phim này không.
Để thêm chút lãng mạn thì Devlin cũng bổ sung tình yêu giữa Max và cô nàng đặc vụ tóc vàng Sarah (do Abbie Cornish thủ vai). Mục đích duy nhất của mối tình này là để giới thiệu một nhân vật nữ biết hành động, bù đắp cho bà bánh bèo trưởng trạm không gian chẳng biết làm gì ngoài chuyện lẽo đẽo đi theo nam chính.
À mém quên, phim còn có sự góp mặt của Ngô Ngạn Tổ, để dụ khán giả Trung Quốc.
Thứ duy nhất cứu nội dung thảm họa của Geostorm, và cũng là thứ duy nhất sáng tạo trong bộ phim này, là các màn CGI thiên tai. Bạn sẽ có cơ hội chứng kiến những cơn sóng thần quét sạch các tòa nhà chọc trời, luồng khí lạnh đóng băng con người trong tích tắc, hay cả một con đường nổ tung trong lửa đỏ. Với kinh phí 81 triệu đô, khá khiêm tốn so với thể loại viễn tưởng, thì kỹ xảo Geostorm rất mãn nhãn, nhưng đừng đòi nó phải 'chân thật', nghe mắc cười lắm. Cái vui của những phim hành động viễn tưởng như thế này là kỹ xảo phóng đại một chút, muốn thật thì đi xem tin tức nhé. Phần này có thể tốt hơn nữa nếu như âm thanh to và gắt hơn. Tiếng cháy nổ, sóng đập, v.v... khá là êm đềm so với phần hình ảnh hoành tráng.
Tóm lại, nội dung 1/10, hình ảnh 9/10, cộng lại là 10/20, điểm trung bình. Kể cũng hơi nhọ cho Geostorm, nếu mà phim ra mắt chừng 15 năm trước thì chắc cũng thành bom tấn. Dù sao thì bạn vẫn có thể cất não đi và xem, tận hưởng gần 2 tiếng phim lốc xoáy sóng thần và sau đó ra khỏi rạp mà không đọng lại chút cảm xúc gì.
http://tinhte.vn/threads/danh-gia-phim-geostorm-sieu-bao-dia-cau-thoi-bay-cam-xuc.2736425/