Năm 2000, các nhà khoa học phát hiện được di tích một đền thờ cổ đại dưới lòng hồ cao nhất thế giới Titicaca ở Bolivia.
Hồ Titicaca nằm trên dãy núi Andes, giữa 2 đất nước bí ẩn nhất thế giới là Peru và Bolivia. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Nam Mỹ và cao nhất thế giới (ở độ cao 3,812 m trên mực nước biển).
Hồ nước Titicaca bên núi non trập trùng.
Hồ Titicaca được coi là chiếc nôi của các nền văn minh cổ đại Peru, trong đó có những nền văn minh lớn như: Andean, gồm: Purakas, Tiwanakus và Inca.
Trong lòng hồ có dấu tích của một nền văn minh thất lạc: Đền thờ bí ẩn chìm dưới hồ có niên đại 1.000 đến 1.500 năm.
Phát hiện đền thờ cổ đại 1.500 năm tuổi
Năm 2000, một nhóm nhà khảo cổ quốc tế đã phát hiện ra dấu tích một đền thờ cổ dưới nước có niên đại 1.000 đến 1.500 năm tuổi, tồn tại trước nền văn minh Inca (1438–1533).
Dấu tích đền thờ cổ dưới nước hồ Titicaca.
Đền thờ nhiều khả năng do người Tiwanaku xây dựng. Dấu tích ngôi đền trải rộng trên diện tích 200m x 50m, nghĩa là rộng gần gấp đôi một sân bóng đá thông thường.
Một số hiện vật tại đền thờ.
Hơn 200 thợ lặn đã lặn xuống hồ quay video ngôi đền. Họ tìm thấy nền đất cao trồng hoa màu, một con đường dài, một bức tường dài 800m và một số hiện vật cổ. Họ hy vọng sẽ tiến hành nâng khu tàn tích này lên mặt đất để có thể dễ dàng nghiên cứu.
Năm 2000, khi đền thờ mới được phát hiện, chính phủ Bolivia từng nói sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để bảo tồn khu di tích này.
“Điều này cho thấy các nền văn minh của chúng ta đã để lại nhiều dấu tích hơn chúng ta tưởng, ông Antonio Eguino, Thứ trưởng bộ văn hóa Bolivia thời đó, nói.
Truyền thuyết về thành phố thất lạc
Từ lâu hồ Titicaca đã thu hút người dân với nhiều truyền thuyết xoay quanh nó, bao gồm truyền thuyết về một thành phố ngầm dưới nước tên là Wanaku.
Người Inca tin rằng những đứa con của Mặt Trời đã đặt chân lên mặt đất từ dưới lòng hồ. Họ cho rằng tổ tiên của họ bắt nguồn từ con hồ này.
Hồ Titicaca là nơi cư ngụ của vị thần sáng tạo Viracocha – là một trong những vị thần quan trọng nhất trong huyền thoại Inca, được coi như tác giả của tất cả mọi sự vật và hiện tượng hiện hữu trên trái đất này (vũ trụ, mặt trời, mặt trăng và ngôi sao, thời gian, con người…). Người Inca xem hồ Titicaca như nơi sinh của tổ tiên mình. Họ tin rằng khi chết đi thì linh hồn người chết sẽ trở về lại nguồn gốc của mình trước đây. Do đó mà hồ được xem là một trong những nơi linh thiêng nhất ở dãy núi Andes.
Các nền văn hóa trên toàn thế giới đều để lại những ghi chép về các trận lũ lớn đã nhấn chìm nền văn minh của họ trong lòng biển. Khi đạo đức nhân loại suy đồi, Thần Linh sẽ hiển thị dự ngôn để cứu những người còn tiêu chuẩn đạo đức cao và nhấn chìm nhân loại còn lại. Một số câu chuyện kể trên là: Atrahasis (trong huyền thoại của người Sumer), sử thi Gilgamesh (truyền thuyết Babylon), Kinh Thánh (của người Do Thái), Kinh Thư (lịch sử cổ đại của Trung Quốc), Matsya Purana và Shatapatha Brahmin (văn bản thần thánh của đạo Hindu thuộc thiên niên kỷ thứ nhất TCN), Timaeus của Plato và Crizia (Hy Lạp) và Popul Vuh (nền văn minh Maya), và những tài liệu khác. Ở Việt Nam, sự tich hồ Ba Bể và nhiều truyền thuyết khác cũng nhắc đến một trận lũ lớn thời xa xưa.
Liệu khu di tích đền thờ trên có phải là một trường hợp như vậy?
Quý Khải