Sau huyền thoại về những thành phố chìm dưới đáy biển, giờ đây các nhà khảo cổ tìm thấy một một công trình có thật nằm sâu dưới đáy hồ Lake Van tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau cả một thập kỷ tìm kiếm tại hồ nước lớn thứ hai Trung Đông này, di chỉ của một vương quốc thất lạc đã được tìm thấy ở độ sâu hàng trăm mét so với mặt nước.
Các nhà khảo cổ từ trường đại học Van Yüzüncü Yıl đã công bố khám phá kinh ngạc này – một lâu đài rộng lớn 3000 năm tuổi được bảo quản sâu dưới đáy hồ trong một tình trạng tuyệt vời. Các nhà nghiên cứu đã làm việc cẩn trọng với một nhóm thợ lặn độc lập để có được thành quả này.
Quang cảnh hồ Van tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Bradt Travel Guides)
Những thành phố và lâu đài thất lạc là một chủ đề phổ biến trong văn hóa dân gian và truyền thuyết địa phương trên khắp thế giới. Trên thực tế đó là những câu chuyện về những con quái vật cổ đại thất lạc đang lẩn trốn đâu đó tại các đáy hồ sâu thẳm.
Tahsin Ceylan, trưởng nhóm thợ lặn của dự án có chia sẻ với tạp chí Daily Sabah rằng đầu tiên ông tới đây để tìm kiếm quái vật hồ Lake Van, nhưng cuối cùng lại tìm thấy cả một thành phố thất lạc.
Ông nói: “Có những lời đồn về việc có gì đó dưới đáy hồ nhưng phần lớn các nhà khảo cổ và nhân viên bảo tàng đều nói rằng chúng tôi sẽ chẳng thể tìm thấy gì hết.”
Lâu đài dài khoảng một kilomet với những bức tường cao 3 tới 4 mét, được giữ ở tình trạng tốt nhờ vào nước kiềm của hồ.
Những bức tường kiên cố của lâu đài (Ảnh: sciencealert)
Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là di tích thời kỳ đồ sắt (Iron Age) của nền văn minh Urartu đã thất lạc, hay còn được gọi là Vương quốc Van – một vương quốc thịnh vượng trong khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 6 trước công nguyên.
Mực nước của hồ cũng đã thay đổi khá mạnh trong nhiều thiên niên kỷ. Các nhà nghiên cứu tin rằng mực nước tại thời điểm cộng đồng người Urartu sinh sống có độ cao thấp hơn nhiều so với ngày nay, rồi từ từ mực nước tăng cao lên qua thời gian bao bọc dần lấy các khu vực của thành phố.
Những khu vực khác của các khu định cư cổ đại có chiều cao lớn hơn nhiều, thậm chí trên cả đường ven bờ hiện tại, và đó là chủ đề của công trình nghiên cứu khảo cổ học đang được diễn ra.
Ceylan nói: “Nhiều nền văn minh và con người đã định cư quanh hồ Lake Van. Họ đặt tên hồ là ‘cao hơn biển’ (upper sea) và tin rằng nó có rất nhiều điều bí ẩn. Với niềm tin này trong tâm trí, chúng tôi đang làm việc để vén lên những bức màn bí mật của hồ nước.”
Công việc đang dần được đền đáp xứng đáng. Năm ngoái đội ngũ nhà nghiên cứu cũng đã khám phá ra một cánh đồng măng đá rộng 4 kilomet vuông dưới đáy hồ mà họ gọi là “núi đá fairy chimneys dưới nước” và những tấm bia từ kỷ nguyên Seljuk, vài nghìn năm trước. (Fairy Chimneys là những dãy núi đá vôi nổi tiếng ở vùng Cappadocia Thổ Nhĩ Kỳ)
Đầu năm nay nhóm nghiên cứu thông báo về việc phát hiện ra chiếc tàu biển của Nga, chiếc tàu mà được tin là chìm vào năm 1948 (Ảnh minh họa)
Nhóm các nhà nghiên cứu chưa thể xác định những bức tường đã chìm sâu dưới lớp trầm tích của đáy hồ như thế nào, và công việc nghiên cứu dưới đáy hồ Lake Van sẽ cần phải tìm hiểu thêm cả về cấu trúc của nó, hy vọng đã từng có người sống trong đó.
Ceylan nói: “Việc tìm thấy lâu đài dưới nước này quả là một phép màu. Các nhà khảo cổ học sẽ tới đây khảo sát lịch sử của lâu đài và cung cấp thông tin về nó. Chúng tôi đã tìm ra vị trí chính xác của nó và chụp lại, việc nghiên cứu đã có tiến triển. Giờ chúng tôi tin rằng chúng tôi đã khám phá ra một vùng đất mới để các nhà khảo cổ và các nhà lịch sử có thể nghiên cứu.”
Nhật Quang