Có rất nhiều chuyện về văn hóa ứng xử trong cuộc sống hàng ngày khiến chúng ta phải suy ngẫm, tranh cãi, từ những cái nhỏ nhặt như xếp hàng, nhường chỗ, cho đến cái to hơn thể hiện phép lịch sự, hiểu biết của mỗi cá nhân.
Không chỉ người lớn, mà cả trẻ con bây giờ cũng có những hành động khiến người khác phải nhăn mặt vì nó lệch với những quy phạm trong đời sống thường nhật.
Nhiều người không thích những hành vi “lệch chuẩn” thiếu văn hoá nơi công cộng, nhưng đâu phải ai cũng nói ra.
Thế nên mới đây, khi chị Trần Thu Hà (41 tuổi) - một bà mẹ 2 con đang làm việc trong ngành truyền thông, thường chia sẻ những câu chuyện đời thường, chuyện dạy con trên MXH - viết ra nỗi bức xúc của mình về các hành động không đẹp chốn đông người, đặc biệt là ứng xử khi đi mua đồ trong siêu thị, cư dân mạng đã ủng hộ rất nhiệt tình với gần 6.000 lượt like, share:
“Đi siêu thị ghét nhất là đang xếp hàng thì có người hồn nhiên chen ngay vào giữa. Có lần mình đã phải nhắc một ông bố đi cùng đứa con trai rằng “Anh ơi xếp hàng đi ạ!”.
Còn kèm theo một nụ cười hẳn hoi, nhưng ảnh lờ đi, như không nghe thấy, không nhìn thấy.
Ghét cái thứ hai là nhân viên tính tiền vẫn chẳng phản đối, trong khi họ là người nắm quyền lực.
Tôi đã thấy cả trăm trường hợp chen hàng, nhưng mới nhìn thấy có 1 lần nhân viên tính tiền từ chối người sai luật: “Chị xuống xếp hàng đi rồi em mới tính tiền!”. Đơn giản hiệu quả.
Bản liệt kê những hành vi kém duyên dễ bắt gặp khi đi siêu thị của bà mẹ trẻ được cư dân mạng hưởng ứng nhiệt tình.
Tôi cũng ghét những người chỉ mua một bó rau mà trộn tung cả quầy lên. Tay họ bới bới, cầm bó này lên nghiêng ngó, rồi quẳng xuống, rồi rút phựt 1 cái lấy bó ở rất sâu lên coi.
Cà chua, kiwi, nho... mà cứ lựa, thảy bùm bụp, nhìn xót cả ruột. Có khi làm cả quầy rau, trái cây đổ sụp. Có người còn tháo bó, chỉ chọn lấy những cọng rau ngon.
Rồi bắp cải, cải, xà lách... bí mật bứt bớt lá ngoài, cà rốt, nhãn... bí mật bẻ bớt cọng.
Rồi mở tủ lấy đồ đông lạnh ra, rồi tha đi lòng vòng mua đồ cả tiếng, rồi bất ngờ không thích nữa, và bỏ luôn gói đồ đã rã đông đó lên quầy đồ khô, đi về.
Có nhiều người còn lấy móng tay bấm vào trái ổi.
Dân tình chia sẻ thêm nhiều câu chuyện thiếu văn hoá nơi công cộng khác mà bản thân từng gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.
Nhìn vết móng tay cong cong, tôi thấy cả một trời tuổi thơ chân quê của mình ùa về, ngày xưa ăn ổi là đi hái trên cây trực tiếp, tụi tôi hay bấm móng tay vào để biết trái nào chín mềm, trái nào còn xanh.
Đó là ổi trong vườn nhà, và đó là trẻ con, còn bây giờ 30 - 40 tuổi ở siêu thị mà cũng bấm móng tay vào là sao? Là chơi ác.
Lựa chọn là cái quyền của người mua. Nhưng chọn nhẹ tay để người mua sau không phải ăn rau trái bạn làm dập, là văn hóa”.
Chẳng cần vòng vo hoa mỹ, bà mẹ trẻ nêu thẳng ra những hành vi thiếu văn hoá trong siêu thị, đánh trúng tâm lý nhiều người.
Cái nào cũng đúng với thực tế, khiến nhiều người thích thú đồng tình.
Một thành viên mạng bày tỏ: “Mình đồng ý với quan điểm của tác giả, nhất là câu 'Tôi nghĩ giữ cái lợi về mình, đẩy rủi ro cho người khác, chỉ là cái khôn ngắn hạn!'...
Câu này, nếu có thể, mình muốn đọc khác đi là đẩy rủi ro cho người khác chỉ là cái láu cá vặt'.
Nhiều người hoặc tò mò, hoặc kỹ tính, cứ hồn nhiên vặn nắp ra, nhìn sữa bên trong, rồi để hộp sữa lại trên kệ. Hộp sữa đó để trên kệ lâu ngày sẽ hỏng mất!
Nếu người sau vô tình lấy phải thì thiệt thòi, hoặc siêu thị phải bỏ đi hộp sữa đó. Rồi lỡ có người mua nào cầm nhầm phải hộp sữa đó về nhà, mở nắp ra thì tưởng là siêu thị lừa mình, hoặc trách lầm ngược lại nhà phân phối.
Thiệt cả người bán lẫn người mua. Chưa kể hộp sữa đã mở nắp nếu để ngoài quá lâu, hàm lượng chất dinh dưỡng có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, là người tiêu dùng hiện đại, văn minh thì đừng mở nắp hộp sữa, nước trái cây trên kệ, khổ người mua sau, nha các mẹ!”.
Vừa “kể tội” những người hành động thiếu văn hóa khi đi mua sắm, tác giả vừa đưa ra lời khuyên khéo léo, nhẹ nhàng, cách nhìn nhận cũng hóm hỉnh, đủ nhắc nhở những 'đối tượng' từng mắc phải lỗi trên.
Chắc nhiều người đọc mấy ví dụ kể tội ở trên cũng giật mình, vì nghĩ lại mình cũng từng bấm móng tay lên hoa quả, mở chai dầu gội để ngửi mùi, hoặc đồ ở gian này vứt bừa sang gian khác… ít nhất 1 lần.
Không phải ai cũng dám thừa nhận điều này, rõ ràng biết như vậy là sai nhưng vẫn cố tình làm.
Đôi khi, chúng ta “thoả hiệp” dễ dàng trong đầu mình trước các hành động thiếu chuẩn mực, chỉ vì suy nghĩ cũ mòn rằng “chẳng ai nhìn thấy thì đâu có sao”, việc mình làm trời không thấy đất không hay.
Một số thành viên mạng cũng chia sẻ bao tình huống bực tức khó chịu vì lối cư xử vô tâm, thiếu tế nhị từng gặp phải khi làm việc, sinh hoạt hàng ngày.
Họ chia sẻ những câu chuyện rất thật, khiến ối người giật mình vì bản thân cũng hay hành động y như thế, giống kiểu rập khuôn và ai cũng bắt chước ai, đúng kiểu tâm lý đám đông:
Cảnh tượng bon chen, xô đẩy khi mua đồ, thanh toán ở siêu thị là chuyện bắt gặp thường xuyên, là điều mà nhiều người ghét.
“Hồi mới bán mỹ phẩm, nhất là son mình rất thoải mái cho khách lựa son, nhiều khi họ băn khoăn màu quá mình cũng vặn son thật cao xong cho họ thử 1 ít bên hông cho dễ lựa màu (vì hàng xách tay mua giá tốt hơn store thì ai có son cho mà thử).
Tuy nhiên mình gặp rất nhiều trường hợp kiểu muốn thử hết lên tay xong lúc mua lại bắt lấy cây mới cho bằng được.
Không thì vào cứ bật nắp hết cả lên, có khi đụng đầu son rồi lén bỏ vào coi như chưa từng có gì xảy ra.
Những chai nước uống dở, vỏ chai lăn lóc khắp nơi dưới các kệ đồ, dù trong siêu thị có thùng rác.
Thế nên sau này mình hầu như rất ít cho thử lên tay nữa mà cho xem hình ảnh và tư vấn kĩ hơn cho Khách tìm được màu son ưng ý.
Có nhiều loại mình đang dùng cũng sẵn sàng để ra cho khách xem và thử luôn chứ chẳng tiếc chi. Nhiều khi buồn không phải tiếc rẻ, buồn vì 'người lớn' rồi mà hành xử chán mún xỉu lun'.
Không phải chỉ ở mỗi siêu thị, các nơi công cộng khác như xe bus, khu mua sắm, quán ăn, rạp chiếu phim... cũng đầy chuyện dở khóc dở cười vì những cá nhân thiếu tôn trọng người khác, phép lịch sự tối thiểu cũng không có.
Những chai nước uống dở, vỏ chai lăn lóc khắp nơi dưới các kệ đồ, dù trong siêu thị có thùng rác.
Đấy, đơn giản chỉ là cái chuyện mớ rau con cá, chọn đồ để mua, nhưng dù ở chợ hay trung tâm thương mại sang chảnh thì vẫn có những người ứng xử rất kém duyên, khiến mọi người xung quanh phật lòng, cảm thấy khó chịu.
Nhất là người lớn, cho dù sống giản dị, thoải mái đến đâu cũng không nên xuề xoà quá, cần phải suy nghĩ chín chắn khi hành xử chốn công cộng, bởi còn người khác nhìn thấy, và dạy dỗ con cái từ việc nhỏ nhất, không làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
Đừng biến mình thành kẻ vô văn hoá, bị đánh giá nhân cách qua chuyện nhặt một quả táo, làm rơi dập xong thản nhiên vứt đó bước đi như chưa có gì xảy ra!
theo Afamily/TTVN