'Bố mẹ không hỏi các con đi học vui không, chỉ hỏi điểm cao không. Bố mẹ không hỏi đi làm vui không, mệt không chỉ hỏi lương cao không.
Kết hôn có không hỏi có yêu nhau không, mà chỉ hỏi có hợp năm tuổi không, chúc mừng sale off tuổi xuân thành công. Ly dị không ai hỏi vì sao không sống cả nhau nữa, chỉ hỏi định nhìn mặt cha mẹ xóm giềng như thế nào?'
Đọc những dòng này chắc hẳn bạn sẽ thấy mình trong đó đúng không? Bản thân chỉ lo vục đầu vào học để kiếm điểm cao cho bố mẹ vui lòng, hãnh diện mà có khi tương lai còn chưa biết thi vào trường nào.
Bản thân nhàn nhã sáng xách túi đến công sở, chiều xách túi về nhà lương 2 triệu vì ổn định. Hoặc cày ngày đêm chạy deadline với công việc mình không thích.
Hoặc bạn đã 30 mà vẫn ế, chạy đôn đáo đi tìm người giới thiệu rồi cưới gấp một anh chàng/ cô nàng nào đó dù mới chỉ quen nhau 1- 2 tháng.
Chính vì nhìn thấy bản thân quá nhiều nên những dòng trạng thái trên đã được cư dân mạng chia sẻ một cách chóng mặt.
Đọc một dòng mà như nhìn thấu tâm can khiến người ta bỗng chốc rùng mình.
Lao đầu vào những thứ mình không muốn sẽ khiến bạn mất phương hướng và vô cùng mệt mỏi. (Ảnh minh họa)
Đến phần cuối lại gật gù, hoá ra dù đến cả 30 tuổi ta có khi vẫn sống chưa vì ta.
'Đâu phải đến lúc đi làm bạn mới sợ thứ hai, bạn sợ thứ hai từ lúc đi học cơ mà. Hoá ra chúng ta vẫn chỉ là những đứa trẻ chạy dưới sân trường, chỉ vì tiếng trống mà chạy náo loạn trong sợ hãi.
Tiếng trống tuổi 25, tiếng trống tuổi 30, chưa gióng lên mà ta đã sợ hãi lao đi rồi. Chưa bao giờ ta thảnh thơi sống trong tình yêu bởi vì ngay từ bé, có mỗi đoạn đường hạnh phúc từ trường về nhà thôi.'
Bài viết đánh đúng vào tâm lý sống vì dư luận của nhiều người Việt. Dĩ nhiên tác giả cũng không cổ suý bạn phải nổi loạn hay buông thả. Mà chỉ muốn chúng ta nhận ra con đường hạnh phúc của chính mình.
Hãy kéo dài nó ra và đừng để nó ngắn ngủi. Hãy sống cuộc sống của chính mình chứ đừng phụ thuộc vào những lời nói của người xung quanh. Bởi ngay cả bố mẹ cũng không thể hiểu chính bạn, không biết bạn muốn gì, thích gì.
Rất nhiều người đã chia sẻ lại đoạn tâm sự trên và viết rất ngắn rằng: 'Chẳng biết nói gì! Chỉ thấy đúng với mình và share thôi.'
Còn bạn thì sao? Bạn có sẵn sàng kéo dài con đường hạnh phúc của chính mình ra không?
Nguyên văn bài viết được trích dưới đây
'Trong 16 năm tù giam tại trường học, thứ rởm đời đầu tiên tôi nhận ra là cái bút mài...
Luyện đến mòn xương cũng không đẹp được bằng Microsoft Word đâu. Nếu nét chữ là nết người thì bác sĩ chắc chắn là bọn mất nết nhất.
Hồi đi học thấy thầy cô giáo đúng là thánh thần, một bậc Chúa trời, chỉ thiếu nước dán ảnh lên góc trang trọng nhất ở nhà rồi tối tối chắp tay cầu nguyện, về sau mới biết hóa ra cũng là người.
Vào những năm xưa, họ thi sư phạm vì nó ổn định, mốt, với các cô thì là đắt chồng. Vợ giáo viên, chồng bộ đội là chuẩn...
Thế nên hãy hiểu rằng có những người đứng trên bục giảng chỉ vì nhắm mắt đưa chân thi sư phạm cho đắt chồng, giờ chồng đã câu được rồi, chứ cô đâu có hứng thú dạy cái con chữ đâu.
Mình dám chắc có những bố mẹ cho con đi thi hoa hậu, họ coi đó là một nghề, họ muốn đổi vương miện lấy những thứ khác chứ không ai đành lòng đem đứa con mười tám đôi mươi ra mặc mấy mảnh vải đi qua lướt lại trước mắt bọn đàn ông già như bố mình xong để nó chọn rồi cả đời phải làm thiên thần lúc nào cũng lo bị bẻ cánh.
Con cô giáo là những đứa có số phận thương tâm nhất, không khác gì hoa hậu phải đại diện cho chân thiện mỹ ở đời. Có đôi khi người ta đã chọn làm giáo viên như vậy, để có một cái áo giáp đẹp và vững chắc mà thôi.
Ngày xưa mình thích nhất đứng ở cửa lớp nhìn bọn dưới sân trường chạy lên khi có trống, đúng là đấu trường sinh tử khi mà sao đỏ và các thầy cô bủa vây mọi cổng vào, sẵn sàng săn mồi, không hiểu đi học hay đi đánh giặc.
Rồi thứ 2 sẽ có một công bố về lớp ngoan nhất, thứ 7 sẽ có một giờ sinh hoạt ngừng thở nếu lớp đó chưa ngoan.
Tự nhiên mình nghĩ, nếu lớp mình tốt thì hẳn phải có một lớp chưa tốt ở đâu đó, nghĩa là nếu một lớp vui thì phải đổi bằng nỗi buồn của một lớp khác, như Nam Cao viết Hạnh phúc là chiếc chăn hẹp, đứa này đắp thì đứa kia lạnh vậy.
Các cô từ xưa đã rất ghét đứa nào hay mặc quần áo mới, học phải gầy và xanh như chiếc lá mới là học. Thi xong đợi có kết quả các gái mới dám đi ép tóc, sợ ép trước mà không có giải xong mang tiếng con đó ép tóc chắc ép cả não luôn, tóc thẳng não phẳng.
Trường học dạy chúng ta sợ rất nhiều thứ: sợ không ngoan sẽ không được yêu, sợ học dốt sẽ không có tương lai dù thi đại học xong vứt hết và học giỏi cũng chắc gì có tương lai, sợ đi học muộn rồi giờ sinh hoạt bị xử tử.
Lại còn cái trò ở kí túc chưa gập chăn gọn sẽ nêu tên trong giờ chào cờ, đẹp quá giỏi quá cũng sợ bị ghét, học dốt không dám vui vẻ.
Một hệ thống lạnh lùng gắn sai lầm nhỏ với nỗi xấu hổ to đùng. Ta sợ hãi cuộc đời nói chung vì nỗi sợ hãi đã được nuôi dưỡng từ bé.
Nếu lớp bạn không đạp một lớp khác xuống thứ hai thì lớp bạn có đứng thứ nhất được không, nếu bạn không đạp sáu đứa ra khỏi cuộc đua khi tỉ lệ chọi là 1:7 thì bạn có vào đại học được không, thành ra ta nghĩ muốn thành công hạnh phúc là cứ phải đạp lên đầu đứa khác.
Cả đời đi học, chúng ta kể cả có cố làm con ngoan trò giỏi cũng là vì sợ. Sợ hãi là động cơ, sợ bị phạt, sợ bị ghét, sợ bị đọc tên bêu xấu.
Nhớ hồi đi học lớp 2, ngày đầu tiên mình khóc như mưa đến mức bạn đi cùng mua cho que kem dỗ dành nhưng chỉ được đúng 10 phút truy bài xong về nhà đi ngủ, thực ra là ghét đi học và buồn ngủ nhưng nói dối là ốm đó.
Nước mắt đã rơi mùa thu năm ấy là dự cảm cho mười mấy năm ngục tù tiếp theo.
Những nỗi sợ theo ta lớn lên, ta chọn trường A vì sợ trường B không oai, ta kết hôn vì sợ mang tiếng hàng tồn kho, ta đi làm vì sợ không có tháng lương tiếp mình sẽ chết, bao nhiêu năm qua, đã bao giờ ta dám làm một cái gì chỉ vì tình yêu chưa.
Người ta nói kẻ dùng trái tim là yếu đuối, thực ra chỉ có kẻ mạnh mới dám dùng thôi.
Bố mẹ không hỏi các con đi học vui không, chỉ hỏi điểm cao không. Bố mẹ không hỏi đi làm vui không, mệt không, chỉ hỏi lương cao không, công ty to không.
Kết hôn không hỏi có yêu nhau không, mà hỏi có hợp năm tuổi không, chúc mừng sale off tuổi xuân thành công.
Ly dị không ai hỏi vì sao không sống cùng nhau nữa, chỉ hỏi định nhìn mặt mẹ cha xóm giềng thế nào.
Đâu phải đến lúc đi làm bạn mới sợ thứ hai, bạn sợ thứ hai từ lúc đi học cơ mà. Hóa ra chúng ta vẫn là những đứa trẻ đi dưới sân trường, chỉ vì tiếng trống mà chạy đua náo loạn trong sợ hãi.
Tiếng trống tuổi 25, tiếng trống tuổi 30, chưa gióng lên mà ta đã sợ hãi lao đi rồi. Chưa bao giờ ta thảnh thơi sống trong tình yêu bởi vì ngay từ bé, có mỗi một đoạn đường hạnh phúc mang tên từ trường về nhà thôi.'
Nguồn: Thân Trang
Theo Tri Thức Trẻ