Cần nhiều hơn hoạt động vui chơi, giải trí
Không thể phủ nhận là tuyến phố đi bộ những ngày đầu tiên đã thu hút sự tò mò và thích thú từ khá nhiều người dân. Suốt dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, khu vực này luôn náo nhiệt, sôi động với hàng vạn lượt người, lấp đầy những khoảng không.
Và đúng là, theo nhiều người đánh giá, phố đi bộ vẫn chưa có điểm gì đặc sắc. Nếu không có những hoạt động duy trì và khắc phục những hạn chế thì hiệu quả sẽ không được bền lâu.
Trần Tuấn Ngọc (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Đứng ngớ ngẩn nhìn cảnh hàng ngàn người cứ đi vật và vật vờ một cách vô định, cảnh không có mà ngắm, hàng quán chả có mà ngồi. Cứ đi vật và vật vờ một lúc thì… về. Theo em phố đi bộ nên gắn liền với cả hoạt động mua sắm, hoặc chí ít phải có những trò chơi đường phố được tổ chức bài bản, có ý nghĩa.
Khách đi thong dong, thích thì ngắm cảnh, không thích thì ghé vào mua sắm, vừa tạo thêm điều kiện kinh doanh, vừa duy trì được phố đi bộ. Các phố đi bộ nổi tiếng trên thế giới như phố đi bộ Tokyo, hay phố đi bộ Paris đều có những hoạt động mua sắm và như là một Trung tâm thương mại đường phố cùng nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác.”
TS. Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch - Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam cho rằng một đô thị lớn mà có khu vực phố đi bộ trong nội đô là nên khuyến khích để cho mọi người dân có thể thưởng ngoạn, đi chơi và khách du lịch thì cũng rất thích thú điều đó. Nhưng vấn đề là tổ chức như thế nào cho hiệu quả. Cần phải hình thành phố đi bộ mà cung cầu gặp nhau, tổ chức như thế nào hợp vệ sinh, trật tự an ninh đảm bảo.
Những ngày đầu, phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội khá đông đúc nhưng chưa có nhiều hoạt động thương mại, mua sắm, vui chơi...
Cần phải lường trước hết những khó khăn khi triển khai tuyến phố đi bộ. Ai cũng biết ở Việt Nam người đi xe máy rất nhiều, thế thì chỗ đỗ xe như thế nào cho hợp lý rồi chỗ đỗ ôtô ở đâu, như thế nào để người ta vào đi bộ được cũng là cả một vấn đề trong bối cảnh bãi đỗ xe ở Hà Nội thiếu trầm trọng, thiếu rất nhiều như hiện nay.
Việc đầu tư, chăm sóc khuôn viên vườn hoa, cây cảnh như thế nào cho nó đẹp phục vụ người dân và du khách. Nếu việc quản lý không tốt, chật chội thì người ta cứ leo lên vỉa hè, rồi dẫm lên cỏ, xả rác ra phố thì phố lại sớm tan tác. Ý định là tốt nhưng phải thực hiện như thế nào mới là điều quan trọng.
“Cần phải rút kinh nghiệm, khắc phục ngay việc vừa qua có hiện tượng vứt rác bừa bãi, dẫm lên vườn hoa, thảm cỏ rồi thiếu thốn trong cả việc đi vệ sinh. Bên cạnh đó cần phải tổ chức, đa dạng hóa, xã hội hóa được những hoạt động văn hóa, giải trí.
Phải tạo ra được các hoạt động thương mại sinh lời từ phố đi bộ chứ không thể “tống ngân sách nhà nước vô tội vạ vào đấy được”. Có như vậy phố mới có thể duy trì được. Ngay tại phố cũng nên tổ chức những gian hàng Việt Nam, chất lượng, đảm bảo… vừa thu hút người dân, vừa tạo ra hoạt động sinh lời…” - TS Đạt nói.
Nỗi khổ mang tên tắc đường và gửi xe
Ghi nhận của chúng tôi, thời điểm từ 18h trở đi những ngày vừa qua, các tuyến phố chính dẫn lên Hồ Hoàn Kiếm liên tục trong tình trạng tắc đường. Nhiều tuyến phố phụ cận bị chặn khiến lưu lượng xe dồn vào những góc chết. Mật độ giao thông vô cùng dày đặc, nhiều tuyến phố như phố Hai Bà Trưng, phố Lý Nam Đế, phố Hàng Điếu, Hàng Hòm, Hàng Trống bị tắc nghẽn cục bộ. Lực lượng CSGT phải làm việc liên tục và rất vất vả trong việc phân luồng, hướng dẫn giao thông.
Trung úy Phan Đức Hùng-Đội CSGT số 1 cho hay: 'Những ngày gần đây, rất nhiều người qua lại khu vực tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm do đó số các phương tiện lưu thông qua các con phố lớn rất đông. Đặc biệt là vào thời điểm buổi tối, những chiếc gậy led nhấp nháy và áo phản quang cũng hỗ trợ công việc được tốt hơn.'
Tại tuyến phố đi bộ vẫn xuất hiện tình trạng bán hàng rong, xả rác bừa bãi.
Mặt khác nhiều người dân cảm thấy vô cùng vất vả trong việc tìm chỗ đỗ xe trước khi vào phố đi bộ. Có người phải đi tới cả 4-5 điểm gửi của thành phố mà không tìm được chỗ cho xe vào rồi đành ngậm ngùi quay xe ra về. Có những người khi đến được phố rồi thì chỉ thấy toàn người và người.Khách nước ngoài không phải thú vị mà tò mò. Nếu không có mấy màn múa sư tử tự phát thì chả ra sao cả.
Liệu có bỏ tiền ra diễn mãi được không? Người dân và những người kinh doanh trong khu vực quá khổ. Khách không có. Chỗ gửi xe phía Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Trống không có, đi gửi quá xa, bãi xe thiếu, giá tăng. Đấy cũng là câu hỏi nhiều người đặt ra trước sự “thử nghiệm” phố đi bộ ở Hà Nội.
Theo Lao động