Một người đàn ông đã có gia đình đến gặp bác sĩ tâm lý để giải toả những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống của một ông chồng. Và đây là cuộc trò chuyện giữa họ:
Bác sĩ tâm lý: Anh làm gì để kiếm sống hả anh Bandy?
Người chồng: Tôi làm kế toán ở một ngân hàng.
Bác sĩ tâm lý: Thế còn vợ anh?
Người chồng: Cô ấy chẳng làm gì cả. Cô ấy chỉ ở nhà nội trợ thôi.
Bác sĩ tâm lý: Vậy ai làm bữa sáng cho cả nhà?
Người chồng: Vợ tôi, vì cô ấy chẳng có gì làm cả mà.
Bác sĩ tâm lý: Vợ anh dậy lúc mấy giờ để làm bữa sáng cho cả nhà vậy?
Người chồng: Cô ấy dậy vào khoảng 5 giờ sáng, dọn dẹp nhà cửa trước khi làm bữa sáng.
Bác sĩ tâm lý: Con anh đến trường bằng cách nào?
Người chồng: Vợ tôi đưa chúng đến trường, vì cô ấy chẳng làm gì cả mà.
Bác sĩ tâm lý: Sau khi đưa bọn trẻ đi học, vợ anh làm gì nữa?
Người chồng: Cô ấy đi chợ, rồi về nhà nấu ăn và giặt giũ. Bác sĩ biết rồi đấy, cô ấy đâu có phải làm việc.
Bác sĩ tâm lý: Chiều tối, sau khi đi làm về thì anh làm gì?
Người chồng: Nghỉ ngơi, tôi quá mệt với công việc cả ngày rồi còn gì?
Bác sĩ tâm lý: Thế còn vợ anh làm gì sau đó?
Người chồng: Cô ấy nấu bữa tối, cho con ăn, dọn bữa cho tôi, rửa bát, lau dọn nhà cửa, cho con đi tắm rồi cho chúng đi ngủ.
Người phụ nữ đóng vai trò quan trọng nhưng lại khá thầm lặng khiến cánh mày râu đôi khi không nhận ra (Ảnh minh họa)
Trong suốt buổi nói chuyện, người chồng luôn lặp đi lặp lại câu trả lời: 'Vợ tôi chẳng làm gì cả', còn bản thân anh ta đang phải chịu áp lực vì có nhiều công việc phải giải quyết, công việc của một nhân viên ngân hàng.
Ắt hẳn, anh chồng này và cả nhiều người trong số chúng ta sẽ đặt câu hỏi rằng, tại sao vị bác sĩ tâm lí lại hỏi chuyện về người vợ, liệu bác sĩ có nhầm lẫn không?
Bởi người đang cần giải tỏa áp lực là anh chồng kế toán, chứ không phải cô vợ: 'Chẳng làm gì cả. Cô ấy chỉ ở nhà nội trợ thôi'.
Anh chồng đang phải chịu quá nhiều căng thẳng, áp lực từ công việc, gánh nặng 'cơm, áo, gạo, tiền' một vai gánh vác. Còn cô vợ nội trợ chắc hẳn sẽ rất nhàn hạ?
Thế nhưng, từ câu chuyện trên, bạn thấy ai là người làm việc nhiều hơn ở đây? Tất cả những gì mà một người vợ làm để phục vụ gia đình từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt được gọi là 'chẳng làm gì cả'.
Phải, nội trợ không phải là công việc yêu cầu trình độ học vấn, bằng cấp và cũng chẳng có chút tiền đồ thăng tiến, nhưng vai trò của người nội trợ là cực kỳ quan trọng.
Hãy trân trọng vợ của bạn, bởi những gì cô ấy hy sinh cho bạn, cho con bạn, cho gia đình bạn là không thể đong đếm được.
Hãy xem câu chuyện trên là lời nhắc nhở về việc hãy trân trọng vai trò của nhau trong quan hệ vợ chồng, vợ bạn có thể không làm công việc như bạn nhưng cô ấy cũng vất vả chẳng kém gì bạn cả.
Bài học về cách ứng xử trong cuộc sống vợ chồng
Quan niệm đàn ông chỉ cần kiếm tiền còn việc nhà, con cái là trách nhiệm, bổn phận của phụ nữ đã hằn sâu trong tư tưởng của bao thế hệ người Việt.
Điều này không sai, nhưng sẽ thật sai lầm nếu cánh đàn ông mặc nhiên cho rằng phục vụ gia đình, chồng con là nghĩa vụ của người phụ nữ.
Và càng vô lí hơn khi nhiều ông chồng cho rằng, phụ nữ nội trợ thật an nhàn, không phải gặp chút áp lực, khó khăn nào.
Đã bao giờ cánh mày râu đặt mình vào vị trí của vợ để làm những công việc mà cô ấy hàng ngày vẫn làm. Có lẽ đến 99% các ông chồng sẽ kêu khổ, kêu vất vả và nhiều thứ khác nữa.
Trong bất kì mối quan hệ nào, tai cũng muốn được tôn trọng, được đánh giá cao, được ưu ái, lắng nghe và thấu hiểu (Ảnh minh họa)
Xét cho cùng vợ chồng đến với nhau vì yêu nhau, hiểu nhau, có những điểm tương đồng trong cách nghĩ, cách sống.
Khi yêu nhau, các cô gái đều rất xinh đẹp, trẻ trung, luôn tràn đầy năng lượng, sức sống. Thế nhưng, khi đã có gia đình, người phụ nữ phải gánh vác bao nhiêu công việc như sinh con, chăm con, chăm sóc bố mẹ, làm việc nhà.
Đây chính là lí do vì sao trước khi kết hôn và sau khi kết hôn, phụ nữ lại thay đổi chóng mặt đến như vậy. Họ chưa được yêu thương đúng cách, bởi các anh chỉ cho mình quyền được hưởng mà vợ thì không.
Nhiều người phụ nữ thậm chí đã đi làm một ngày 8 tiếng bên ngoài giống như chồng mình, nhưng khi về vẫn phải một tay nhặt rau một tay bế con.
Cơm nước xong xuôi lại phải lao vào giặt quần áo, dọn dẹp bếp núc, nhà cửa còn các anh chồng thì ngồi vắt chân chữ ngũ xem ti vi, đọc báo...Đa số phụ nữ không còn thời gian để làm đẹp, để chăm sóc bản thân như thời còn con gái.
Do đó, các anh chồng nếu muốn vợ đẹp, vợ hiền, muốn con ngoan thì hãy cùng chia sẻ công việc nhà với vợ, cùng chăm sóc, nuôi dạy con cái để tình cảm gia đình ngày càng gắn bó, bền chặt hơn.
Đàn ông quyến rũ nhất là khi vào bếp chuẩn bị bữa ăn ngon cho những người thân yêu của mình (Ảnh minh họa)
Đàn ông làm việc nhà, nấu cơm, rửa bát, thậm chí là giặt quần áo...là trách nhiệm, bổn phận của mỗi ông chồng chứ không phải là cái sự 'sợ vợ' hay 'chiều vợ' như nhiều người khác quan niệm.
Những người đàn ông 'chân cứng đá mềm', có sức khỏe, được học hành không nên chỉ ngồi hưởng thụ, chờ vợ 'cơm bưng nước rót'!
Nhiều người đàn ông lúc nào cũng nói yêu vợ, thương vợ nhiều mà chẳng bao giờ thấy giúp đỡ vợ việc gì, dù là việc nhỏ nhất.
Hôn nhân muốn hạnh phúc lâu dài thì phải dựa trên sự đồng lòng, chia sẻ trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng, ngay cả khi đó là công việc nhà.
Đừng bao giờ coi thường vai trò của vợ, của người phụ nữ trong gia đình, dù họ chỉ ở nhà làm nội trợ. Gia đình là nơi thể hiện thực chất sự bình đẳng và nâng cao địa vị của người phụ nữ.
Một điều nữa là không phải vô cớ khi người ta nói: 'Sau lưng một người đàn ông thành công luôn có bóng hình một người phụ nữ'.
Khi người chồng gặp áp lực từ công việc bên ngoài, người phụ nữ không cần phải hiểu công việc của chồng hoặc tài giỏi đến mức cho lời khuyên.
Phụ nữ chỉ cần đủ nhạy cảm để biết được lúc chồng đang rất áp lực để quan tâm, động viên, hay đơn giản là thể hiện sự ân cần của mình qua những bữa ăn ngon.
Cuối cùng nên nhớ rằng, trong bất kì mối quan hệ nào thì ai cũng muốn được tôn trọng, được đánh giá cao, được ưu ái, lắng nghe và thấu hiểu.
Theo Thế Giới Trẻ