Dư luận đang “dậy sóng” khi hàng loạt nhà đầu tư BOT “dọa” trả lại dự án cho Bộ GTVT vì nguy cơ thua lỗ.
Được doanh nghiệp 'xơi', lỗ đòi trả lại!
Mới đây, liên danh các nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã gửi văn bản đề nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo các cơ quan giải quyết để dự án được hoàn vốn theo hợp đồng đã ký với Bộ GTVT.
Dự án đầu tư tuyến đường mới Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp mở rộng quốc lộ 3 đoạn km75-km100 theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Theo hợp đồng, dự án được thu phí trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và quốc lộ 3.
Sau gần hai năm hoàn thành dự án, Bộ GTVT mới cho phép doanh nghiệp thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới vì một số người dân không đồng tình thu phí trên quốc lộ 3. Việc thu phí một tuyến đường khiến phương tiện đi nhiều trên tuyến còn lại, nhà đầu tư thất thu, không bù đắp các chi phí.
Nhà đầu tư dự án Thái Nguyên- Chợ Mới 'năm lần bảy lượt' đe trả lại dự án cho Bộ GTVT
Đại diện liên danh nhà đầu tư bày tỏ, doanh nghiệp đang rất khó khăn vì không được thu phí tại hai trạm như hợp đồng BOT đã ký với Bộ GTVT. Trong khi chưa đủ doanh thu để hoàn vốn thì doanh nghiệp vẫn phải tổ chức khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường, trả lãi vay, nợ gốc, trả lương cho người lao động...
Ngoài vốn đầu tư dự án, gần hai năm qua, doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng, duy tu bảo trì cho dự án trên 370,5 tỷ đồng, trong khi doanh thu thu phí tại một trạm chỉ được 16 tỷ đồng. Bởi vậy, doanh nghiệp này cho biết, nếu sự việc không thể giải quyết, đề nghị Bộ GTVT mua lại dự án này.
Đây không phải lần đầu các nhà đầu tư dự án này “dọa” trả lại dự án cho Bộ GTVT. Hồi tháng 5-2018, liên danh các nhà đầu tư cũng có văn bản kiến nghị Bộ GTVT mua lại dự án với giá 2.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, không nhận được sự chấp thuận từ Bộ GTVT.
Trước đó, lãnh đạo Công ty CP Đèo Cả cũng “dọa” đóng cửa hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả do khó khăn kinh phí vận hành hầm. Tiếp nhận quản lý hầm Hải Vân từ tháng 11-2015, Công ty Đèo Cải đã ứng kinh phí 900 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1 và hơn 300 tỷ đồng để quản lý vận hành hầm. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được thu phí hoàn vốn.
Công ty CP Đèo Cả 'dọa' đóng cửa hầm Hải Vân
Song, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định: “Chủ đầu tư không thể vin vào khó khăn tài chính của dự án để không trả tiền điện và đóng cửa hầm Hải Vân”.
Liên quan đến việc một số doanh nghiệp BOT “dọa” trả lại dự án hoặc đóng cửa đường/hầm, lãnh đạo Bộ GTVT bày tỏ, đường/hầm là công trình quốc gia, việc đóng cửa đường/hầm không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của doanh nghiệp.
Đã có hợp đồng sao phải 'dọa'!
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng như trong lĩnh vực GTVT đều cho rằng, việc doanh nghiệp “dọa” trả lại dự án cho Nhà nước hay đóng cửa đường/hầm vì thua lỗ là hết sức buồn cười và trẻ con.
“Thời gian trước, dự án BOT như một miếng bánh béo bở bởi cơ chế, chính sách còn lỏng lẻo nên ồ ạt các nhà đầu tư nhảy vào kiểu “tay không bắt giặc”. Sau này nhìn lại, chính sách bị siết thì một số nhà đầu tư bị thua lỗ lại đòi trả dự án. Đầu tư có lãi cũng có rủi ro gánh lỗ, sẽ không có chuyện lãi lớn doanh nghiệp hưởng lớn, lỗ thì lại mang dự án ra “dọa” trả Nhà nước”- một chuyên gia kinh tế bày tỏ.
TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông của tổ chức JICA (Nhật Bản) đánh giá, đầu tư theo hình thức BOT rất đúng, nhưng quá trình thực hiện chưa đúng, dẫn tới sai về bản chất. Theo đó, hợp đồng BOT không chỉ có nhà đầu tư và nhà nước (Bộ GTVT làm đại diện), phải có người dân (là người sử dụng đường) tham gia.
“Người trực tiếp sử dụng đường lại không được hỏi ý kiến. Toàn bộ hợp đồng do nhà đầu tư và Bộ GTVT đàm phán và ký kết với nhau. Một bên quan trọng (người dân) đã bị bỏ qua, nên giờ nảy sinh bất cập”- ông Đức nói.
Theo ông Đức, nếu Bộ GTVT thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư sẽ bị người dân phản đối (như BOT Cai Lậy, BOT Tân Đệ), còn không thực hiện lại bị nhà đầu tư phản đối.
“Muốn giải quyết chỉ có cách thừa nhận sai. Bộ GTVT thừa nhận những cam kết chưa đúng của mình, còn nhà đầu tư thừa nhận rủi ro của dự án như bao dự án đầu tư khác, phương án tài chính bị phá vỡ. Còn nếu không, chỉ có ra tòa phân xử và theo đó thực hiện”- ông Đức bày tỏ.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, quan trọng nhất phải xem lại hợp đồng BOT đã ký kết giữa Bộ GTVT và Công ty CP Đèo Cả trước khi thực hiện dự án.
Hơn nữa, ngay cả phương án thu phí hoàn vốn gộp với trạm BOT Bắc Hải Vân thì cũng không thể tăng phí. “Mức giá thu phí BOT phải thấp, theo nguyên tắc “năng nhặt chặt bị”. Bởi lẽ, thực tế đang diễn ra nhiều tuyến đường BOT thu phí quá cao khiến người dân tìm cách “né” trạm, gây hư hỏng hạ tầng của địa phương, mất ATGT”- TS Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ.
Đặc biệt, theo chuyên gia này, mọi việc đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật, hai bên cần căn cứ trên hợp đồng đã ký kết để sớm giải quyết hợp lý vấn đề.
Ngân Tuyền (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/lan-song-nha-dau-tu-bot-doa-tra-lai-du-an-lieu-co-bat-thuong.html