Chúng ta thường lo lắng việc đột nhiên tỉnh dậy vào giữa đêm – nhưng nó có thể là tốt cho bạn. Những bằng chứng gần đây cả về mặt khoa học lẫn lịch sử đều cho thấy rằng ngủ liền mạch tám tiếng mỗi ngày có vẻ là không tự nhiên.
Vào đầu những năm 1990, bác sĩ tâm thần Thomas Wehr tiến hành một thí nghiệm. Ông để một nhóm người sống trong bóng tối 14 giờ mỗi ngày trong vòng một tháng.
Phải mất một thời gian cho việc điều chỉnh đồng hồ sinh học của những người tham gia. Tuy nhiên, tới tuần thứ tư các đối tượng đã định hình một mô hình giấc ngủ rất khác biệt. Đầu tiên họ ngủ trong vòng bốn giờ, sau đó thức khoảng một hoặc hai giờ trước khi lại ngủ trong bốn giờ tiếp theo.
Mặc dù các khoa học gia về giấc ngủ rất ấn tượng với nghiên cứu này, trong công chúng quan điểm cho rằng chúng ta phải ngủ tám tiếng đồng hồ liên tục vẫn còn được rất nhiều người ủng hộ.
Năm 2001, nhà sử học Roger Ekirch của Virginia Tech đã xuất bản một bài báo chuyên đề, sau 16 năm nghiên cứu nghiêm túc. Báo cáo tiết lộ một loạt các bằng chứng lịch sử cho thấy con người trong quá khứ thường chia giấc ngủ thành hai phần riêng biệt.
Bốn năm sau, ông ra mắt cuốn sách “At Day’s Close: Night in Times Past,” dẫn ra hơn 500 bằng chứng về mô hình ngủ phân đoạn –Từ trường ca Odyssey của Homer tới các tài liệu về nhân chủng học của các bộ lạc hiện đại ở Nigeria, các quyển nhật ký, hồ sơ bệnh án, sách y tế và văn học…
Nghiên cứu đã nói lên điều gì?
Nghiên cứu của Ekirch chỉ ra rằng, cư dân vào thời trước thế kỷ thứ 17 thường không ngủ liên tục trong 8 tiếng. Họ ngủ 3 – 4 tiếng sau khi hoàng hôn, sau đó thức trong vòng 3 tiếng và cuối cùng ngủ tiếp trở lại cho đến sáng hôm sau.
Một bức họa từ năm 1595 cho thấy việc con người thời đó có các hoạt động vào nửa đêm
Trong thời gian thức dậy này mọi người thay vì nằm ỳ, họ có rất nhiều hoạt động tích cực. Họ thường đứng dậy, đi lại, dùng nhà vệ sinh, hút thuốc lá, sang thăm nhà hàng xóm… Một số ở lại trên giường trò truyện với nhau, đọc sách, viết lách và cả cầu nguyện. Các sách hướng dẫn cầu nguyện từ cuối thế kỷ 15 thường có phần cầu nguyện chuyên biệt dành cho thời điểm giữa hai giấc ngủ này .
Tuy nhiên, sau thế kỷ thứ 17, các tham chiếu liên quan đến giấc ngủ phân đoạn vắng bóng dần. Thói quen ngủ liền mạch bắt đầu xuất hiện ở các đô thị lớn ở Bắc Âu và lan rộng ra trong tiếp 200 năm sau đó. Cuối cùng, đến thập niên 20 của thế kỷ trước, giấc ngủ theo phân đoạn đã biến mất hoàn toàn trong ý thức xã hội của con người hiện đại.
Nguyên nhân là gì?
Trong cuốn sách mới của mình có tựa đề “Evening’s Empire”, nhà sử học Craig Koslofsky đã đưa ra một giả thuyết về những gì đã xảy ra.
Trước thế kỷ thứ 17, xã hội con người có rất ít các hoạt động về đêm. Người ta thường liên tưởng về ban đêm với những điều tai tiếng như trộm cắp, tội phạm, gái mại dâm và những kẻ say rượu. Ngay cả những người giàu có, vốn thừa khả năng chi trả cho chi phí thắp sáng cũng chẳng mặn mà gì khi nghĩ về ban đêm cả. Họ thấy có những thứ đáng giá hơn để chi tiêu tiền của họ.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi với sự ra đời của chiếu sáng đường phố và ý thức về xã hội buổi đêm bắt đầu phát triển một cách mạnh mẽ. Năm 1667, Paris đã trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới thực hiện thắp sáng đường phố bằng đèn sáp nến đặt trong bóng thủy tinh. Ngay năm đó, Lille nhanh chóng học theo và cả Amsterdam hai năm sau đó với việc sử dụng các đèn dầu kiểu mới tiện dụng và hiệu quả hơn.
Tranh vẽ cảnh thành phố Leipzig của Đức đang tuyển 100 nam giới phục vụ việc thắp 700 cột đèn hàng ngày
Mãi đến năm 1684 London mới triển khai tiện ích này. Mặc dù vậy,tính đến cuối thế kỷ 17, hơn 50 thành phố lớn của châu Âu đã được thắp sáng vào ban đêm.
Với sự thay đổi này, tham gia các hoạt động về đêm nhanh chóng trở thành thời thượng và viêc dành hàng giờ nằm trên giường như trước đây được coi là một sự lãng phí lớn thời gian. Mọi người có xu hướng thức muộn hơn và loại bỏ dần giấc ngủ sớm, họ chỉ còn ngủ một giấc duy nhất từ khuya cho đến sáng hôm sau mà thôi. Bằng chứng mạnh mẽ về việc chuyển dịch này được tìm thấy trong một tạp chí y tế từ năm 1829 với nội dung kêu gọi các bậc cha mẹ nên ép buộc con mình ngủ vào một khoảng thời gian cố định thay vì mô hình ngủ phân đoạn như trước đây.
Phải chăng việc ngủ liền mạch đem lại những vẫn đề sức khỏe?
Ngày nay, hầu hết mọi người dường như đã thích nghi khá tốt với giấc ngủ tám tiếng, nhưng Ekirch tin nhiều vấn đề liên quan đến giấc ngủ có thể có gốc rễ từ sở thích tự nhiên của cơ thể con người dành cho giấc ngủ phân đoạn và sự phổ biến của ánh sáng nhân tạo.
Chẳng hạn như tình trạng thường được gọi là mất ngủ với biểu hiện mọi người thức dậy trong đêm và khó khăn để ngủ trở lại đã bắt đầu xuất hiện phổ biến vào cuối thế kỷ thứ 19, thời điểm mà thói quen ngủ phân đoạn đã lụi tàn và gần như biến mất.
Theo Russell Foster, một giáo sư sinh học và khoa học thần kinh tại Đại học Oxford:
“Nhiều người thức dậy vào ban đêm và hoảng loạn. Tôi nói với họ rằng những gì họ đang trải qua là một sự chuyển hướng sang mô hình giấc ngủ phân đoạn. Nhưng đa số các bác sĩ vẫn không thừa nhận rằng một giấc ngủ liên tục là không tự nhiên. Hiện nay, 30% các vấn đề y tế mà các bác sĩ đang phải đối mặt có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp từ giấc ngủ. Nhưng giấc ngủ đã bị bỏ qua trong đào tạo y tế và có rất ít các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về giấc ngủ được lập ra “
Nhà tâm lý học Gregg Jacobs thì cho rằng.” Thức dậy vào ban đêm là một phần bình thường của sinh lý con người, nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh căng thẳng một cách tự nhiên nhất, chúng ta không nên quá lo lắng vì điều đó”.
Dù cho các luận điểm trên là đúng, thật khó để thay đổi thói quen ngủ của người hiện đại chúng ta hiện nay.Trong nhiều tư liệu lịch sử, Ekirch tìm thấy rằng người xưa sử dụng thời gian giữa hai giấc ngủ để đọc sách, thực hành tâm linh hay suy ngẫm về những giấc mơ của họ. Vì vậy, lần sau nếu bạn thức dậy vào giữa đêm, hãy nghĩ về tổ tiên của bạn trước thời đại công nghiệp hóa, hít thở sâu và thư giãn, nó chắc chắn tốt hơn nhiều so với việc lo lắng và căng thẳng tinh thần.
Tôn Kiên tổng hợp