Quần Jean, hay còn được gọi là quần bò, vốn là một trang phục quá đỗi quen thuộc với chúng ta. Và chiếc quần Jean đầu tiên được ra đời từ sức sáng tạo tuyệt vời của chàng trai người Do Thái, Levi Strauss.
Sự ra đời của chiếc quần Jean đầu tiên
Levi Strauss sinh ngày 26 tháng 2 năm 1829, trong một gia đình nghèo khó ở Buttenheim, Đức. Hai năm sau khi người cha của Levi là Hirsch Strauss qua đời, bà góa phụ Rebecca đã cùng Levi lúc đó vừa đúng 18 tuổi và 2 cô con gái là Fanny và Mathilde quyết định di dân sang Mỹ vào năm 1847.
Trạm định cư đầu tiên của gia đình Strauss là thành phố New York. Vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, một số mỏ vàng ở phía tây nước Mỹ được phát hiện. Và cả một làn sóng người lao động đổ xô về California đào vàng. Năm 1853, không chịu được cảnh sống nhờ hai người anh, Levi Strauss cũng bỏ nhà theo những người đào vàng đến San Fransisco. Tuy nhiên, ông không đi đào vàng mà chỉ có ý định làm dịch vụ cho họ.
Chẳng có vốn liếng gì, Levi Strauss quyết định lại mở cửa hàng quần áo và tạp hoá nhỏ trên cơ sở số hàng hoá của hai người anh cho mang theo. Levi Strauss biết chút ít may vá và nhận sửa chữa và may vá quần áo cho công nhân đào vàng. Levi có một nhận xét là quần áo của các khách hàng rất chóng rách do tính chất công việc phải va chạm nhiều.
Chiếc quần Jean thuở sơ khai
Nhưng mọi việc sẽ chỉ dừng lại ở suy nghĩ nếu không có một ngày, một thợ đào vàng đề nghị ông may cho một chiếc quần bảo hộ thật bền, thật chắc để mặc đi làm hàng ngày. Đúng lúc nhà hết sạch vải may quần, Levi Strauss chợt nảy ra ý tưởng tận dụng mấy cuộn vải bạt, vốn được dung làm lều ngủ cho thợ đào vàng.
Đó là lúc chiếc quần Jean đầu tiên ra đời và nó có màu nâu. Người thợ đào vàng quá sung sướng và thoả mãn bởi chiếc quần lao động đơn giản nhưng chắc chắn, rất phù hợp với nghề đào vàng luôn phải di chuyển, cọ sát với vách đá, hầm mỏ…
Liên tục cải biến trong thiết kế
Phong cách quần Jean thịnh hành những năm 80
Do tính chất lao động nặng nhọc của những người mặc quần Jean, những chiếc túi quần Jean dễ bị rách hoặc rơi ra khỏi quần. Nhận thấy vấn đề này, Jacob Davis, một thợ may và cũng là khách hàng của Leob Strauss đã có ý tưởng đóng đinh tán để cố định những chiếc túi này. Việc này khiến chiếc quần bền hơn. Davis muốn được cấp bằng cho sáng chế của mình nhưng ông không có đủ tiền cũng như không có pháp nhân. Do vậy, năm 1872, ông ấy đã viết thư cho Strauss đề nghị Strauss trả tiền để được cấp bằng sáng chế và Strauss đã đồng ý. Ngày 20 tháng 5 năm 1873 (đây cũng được coi là ngày sinh nhật của quần Jean), Strauss và Davis được nhận bằng sáng chế cho quần và đinh tán của họ và đây là ngày ra đời chính thức của quần Jean . Levi Strauss đặt tên cho quần của ông là “waist overalls” và sau này chiếc quần này được gọi là quần Jean.
Hơn 10 năm kể từ khi sản xuất chiếc quần jeans đầu tiên, vào năm 1886, Levi đã may thêm mác da vào quần Jean của mình khiến cho chiếc quần trông bắt mắt hơn và kể từ đó quần Jean liên tục được thay đổi và cải biến để trở thành một trong những loại trang phục phổ biến nhất thế giới.
Quần jean, qua nhiều năm phát triển đã trở thành một món đồ rất thông dụng trong tủ quần áo của mỗi người. Ở bất kể đâu, bất kể tầng lớp hay nền văn hóa nào chúng ta đều có thể bắt gặp những chiếc quần này bởi sự trẻ trung, năng động và tiện dụng mà chúng mang lại.
Mỗi khoảnh khắc đầu tiên đều mang lại những cảm xúc đặc biệt – hãy chia sẻ câu chuyện ý nghĩa của bạn với TCNShop – đơn vị đầu tiên mang iPhone Xs Plus về Việt Nam.