Khi một đứa bé đột nhiên rùng mình dữ dội: Đó là dấu hiệu rằng trẻ cần thay tã. Đó là bởi vì phản ứng rùng mình có liên quan đến việc đi tiểu, một hiện tượng kỳ lạ kéo dài đến khi trưởng thành. Nhưng điều gì đã xảy ra trong cơ thể gây nên phản ứng kỳ lạ này?
Cụ thể, những giải thích dựa trên 2 giả thiết: Thứ nhất là khi đi tiểu, nước tiểu mang theo một phần nhiệt lượng thoát ra ngoài, vì vậy mà làm cho thân nhiệt cơ thể bị giảm đột ngột. Thứ hai là do sự nhầm lẫn giữa các tín hiệu trong hệ thần kinh giao cảm (autonomic nervous system – ANS).
Giả thiết đầu tiên dựa thực tế chúng ta thường rùng mình khi cảm thấy ớn lạnh đột ngột. Khi đi tiểu, da sẽ tiếp xúc với không khí lạnh và sau đó cơ thể “xả” nước tiểu gây ra sự mất cân bằng nhiệt độ khiến ta không tự chủ và rùng mình.
Nhưng một số nhà khoa học không bị thuyết phục bởi giả thiết này, trong đó có Tiến sĩ Simon Fulford, nhà tư vấn tiết niệu tại Bệnh viện Đại học James Cook ở Anh Quốc. Ông thiên về một giả thiết khác, đào sâu hơn vào hệ thống thần kinh của con người.
Quá trình đi tiểu được điều khiển bởi ANS, có nhiệm vụ điều hòa các bộ phận và tuyến trong cơ thể chẳng hạn như nhiệt độ và nhịp đập của tim. Rõ ràng, đi tiểu không phải là vô thức bởi chúng ta có thể kiểm soát nó. Đi tiểu phần lớn được điều khiển bởi hai bộ phận của ANS: hệ thần kinh phó giao cảm (PNS) và hệ thần kinh giao cảm (SNS) với hoạt động đối lập nhau.
Khi bàng quang đầy, các thụ thể co giãn nhỏ trong thành cơ bắp phát hiện sự căng của nó và kích hoạt dây thần kinh trong tủy sống được gọi là dây thần kinh cùng. Đổi lại, SNS giữ cho bàng quang được thoải mái và cơ vòng niệu đạo co rút lại, chuẩn bị nó để đẩy nước tiểu ra khỏi cơ thể. Quá trình tự trị này hoạt động như một công tắc bật-tắt, ức chế các phản xạ thần kinh trong khi bàng quang căng, nhưng sẽ kích thích những phản xạ đó hoạt động khi bàng quang đầy.
Một sự trùng hợp kì lạ là khi nước tiểu “xả” ra ngoài thì huyết áp cơ thể giảm xuống. Fulford nói:“Có vẻ như huyết áp tăng nhẹ khi bàng quang căng đầy và sẽ giảm đi khi nó xẹp xuống”.
Điều gì xảy ra tiếp theo sẽ khá phức tạp để giải thích về mặt sinh học. Nhưng dường như sự sụt giảm đột ngột của huyết áp đã kích thích một phản ứng từ hệ thống thần kinh giao cảm, một phần của ANS có liên quan đến các phản ứng của cơ thể. SNS điều chỉnh nhiều yếu tố, bao gồm huyết áp, là một phần của phản ứng này. Các chuyên gia biết rằng khi SNS phát hiện huyết áp thấp, nó sản xuất một loạt các chất dẫn truyền thần kinh được gọi là catecholamine, có chức năng khôi phục lại huyết áp như ban đầu. Vì vậy, catecholamine tăng đột biến có thể là nguyên nhân khiến các cơn run xuất hiện.
Nhưng tại sao lại như vậy? Vì những lý do không rõ ràng, sự tương tác giữa hai thành phần của hệ thần kinh: PNS giải phóng nước tiểu và SNS sản xuất catecholamine, có thể gây ra các tín hiệu hỗn hợp trong hệ thần kinh. Điều đó dường như gây ra một trục trặc trong hệ thống thần kinh khiến chúng ta vô tình rùng mình.
Hơn nữa, Fulford cho biết hiện tượng tương tự gọi là rối loạn chức năng tự trị đôi khi xảy ra ở những bệnh nhân bị tổn thương tủy sống. Điều này xảy ra khi có kích thích, giống như bàng quang đầy bên dưới vết thương cột sống, dẫn đến hệ thần kinh tự trị quá mức khiến huyết áp tăng nhanh, nhịp tim giảm và làm bệnh nhân đổ mồ hôi. Việc này khiến cho một số người còn có xu hướng phát ra các âm thanh “ah”, hoặc “uh”… có phần hơi kỳ lạ – nhưng đây đều là hệ quả của ANS tạo ra.
Ngoài ra, đàn ông dường như trải nghiệm hiện tượng này nhiều hơn phụ nữ, điều này có thể được giải thích bởi thực tế đàn ông thường đứng khi họ đi tiểu – có thể tăng cường tình trạng trũng huyết áp gây rùng mình.
Bất kể là nguyên nhân gì thì cũng đừng nên bận tâm về hiện tượng kỳ lạ này.Tiến sĩ Grant Stewart, bác sĩ phẫu thuật tiết niệu tại Đại học Cambridge ở Anh và là chủ tịch của Ủy ban Khoa học và Giáo dục của Quỹ Tiết niệu cho biết: “Không có nghiên cứu đáng nói nào về chủ đề này, nhưng đây là một cơ chế chức năng cơ thể bình thường và không có gì phải lo lắng”.
Zenda