Thời nay, ngày càng có nhiều công việc đòi hỏi những kỹ năng kinh điển: tiếng anh tốt, vi tính tốt, có khả năng làm việc nhóm và làm việc độc lập, thân thiện, hòa đồng, vui vẻ hay khéo léo trong giao tiếp.
Trên thực tế, rất nhiều người quanh ta sống hướng nội, khép kín, có khí chất ôn hòa, ít nói, không ưa tranh cãi và các hoạt động sôi nổi. Thế nhưng, điều này không ngăn cản họ đạt tới thành công.
Chìa khóa với những người “thích một mình” là được tạo điều kiện phát huy năng lực chuyên môn và các phương diện kỹ năng khác với những công việc không “ép” họ phải giao tiếp, làm việc chung quá nhiều. Nếu bạn là một người như vậy, hay tham khảo báo cáo 13 công việc dưới đây của O*NET. Theo Trung tâm nghiên cứu về lao động và việc làm uy tín nhất nước Mỹ, các công việc được đánh giá trên thang điểm 0-100, xét về 2 phương diện: công việc yêu cầu người lao động phải có sự giao lưu với người khác và công việc yêu cầu người lao động cần tỏ ra thân thiện, dễ chịu với người khác. Theo đó, các công việc với “chỉ số hòa đồng” càng thấp thì mức độ tự do, độc lập, giảm thiểu giao tiếp càng cao.
#13: Nhà kinh tế học
Chỉ số hòa đồng: 57,5
Được xem là nghề tốn cực nhiều chất xám, các nhà kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc dự đoán, tác động và đưa ra các phương án đối phó với những biến đổi khôn lường của hệ thống kinh tế - tài chính hiện đại. Các chuyên gia về kinh tế có thể chẳng cần giỏi giao tiếp, song rõ ràng họ luôn phải biết cách “làm việc” với các con số, thống kê dữ liệu, báo cáo và mô hình.
#12: Thợ gốm
Chỉ số hòa đồng: 57
Nếu như làm kinh tế tốn quá nhiều “chất xám” thì nghề gốm lại đòi hỏi người thợ lành nghề không chỉ sức lực dẻo dai mà còn cả bàn tay vàng và óc sáng tạo vô biên. Đặc biệt, nghề gốm lặng thầm như đất, và chính trong những khoảnh khắc người nghệ sỹ một mình bầu bạn với bàn xoay, đất sét, những sản phẩm đẹp, độc đáo và có giá trị mới được tạo hình.
#11: Thợ phun sơn
Điểm giao tiếp: 56,5
Thợ sơn tại các nhà máy công nghiệp đảm trách việc sơn/ phủ màu lên các sản phẩm máy móc. Đây là công việc đòi hỏi sự “im lặng”, bởi chỉ khi im lặng, người thợ mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đồng thời giảm thiểu mức độ phơi nhiễm với các chất độc hại.
#10: Thợ máy công nghiệp nặng
Điểm giao tiếp: 56,5
Cũng giống như thợ sơn, thợ cơ khí/ vận hành tại các công xưởng đối mặt với một công việc nhiều áp lực và rủi ro cho sức khỏe. Việc làm việc với máy móc đòi hỏi sự tập trung, chính xác, quy trình nghiêm ngặt trong mọi thao tác thực hiện… những điều khiến việc tám chuyện với đồng nghiệp hay làm việc nhóm chung trở nên hoàn toàn không cần thiết.
#9: Thợ xẻ/ thợ cưa
Điểm giao tiếp: 56,5
Việc cưa hay chặt một cành cây không đơn giản như bạn nghĩ. Với những cây to lâu năm bị mục ruỗng, việc loại bỏ nó rất quan trọng, song cũng rất gian nan. Đặc biệt, công việc này có thể đòi hỏi sự chung sức của nhiều công nhân “có kỹ năng”, song điều này không đồng nghĩa với việc họ có thể vui vẻ trò chuyện trong quá trình thực hiện.
#8: Thợ hàn tay, đánh bóng sản phẩm
Mức độ “hòa đồng” yêu cầu: 56
Hàn, xì, đánh bóng… các công việc của chính xác và an toàn không có chỗ cho những chỉ trỏ, bình phẩm hay góp ý.
#7: Nhà khoa học địa chất
Mức độ “hòa đồng” yêu cầu: 56
Các nhà địa chất cần thu thập và thử nghiệm các mẫu khoáng chất, đất đai nhằm tìm ra dấu hiệu của dầu mỏ, khí ga hoặc các quặng kim loại có giá trị.
#6: Thợ đúc khuôn, thợ bảo trì bảo dưỡng
Điểm thân thiện: 54,5
Cũng như những nghề nghiệp liên quan đến máy móc khác, chỉ một sai sót nhỏ trong quá trình vận hành cũng có thể buộc thợ đúc hay thợ bảo trì phải trả giá bằng cả tính mạng hoặc cả ngày… chữa lỗi.
#5: Công nhân xưởng may
Yêu cầu hòa đồng: 53,5
Những xưởng may công nghiệp chẳng xa lạ gì ở Việt Nam, với những người phụ nữ cắm cúi với chiếc máy khâu, liên tục thực hiện những đường khâu “trăm cái áo như một” suốt từ sáng cho tới chiều muộn, hay những người đứng cả ngày chỉ để là hơi, gập áo quần, đóng gói thành phẩm v.v. Rõ ràng, bên cạnh những tổn hại về mặt thể chất thì chính sức ép tâm lý đến từ “sự im lặng” cũng là một mối nguy hại tiềm tàng tới sức khỏe của các công nhân này.
#4: Nghệ sỹ làm đồ thủ công
Yêu cầu kỹ năng giao tiếp, đối thoại: 53,5
Việc làm đồ thủ công cực kỳ thú vị, khi bạn vừa được im lặng để sáng tạo (song chẳng hề thấy nhàm chán), vừa thu về nguồn lợi lớn từ những món đồ tự tay mình làm ra (có thể là nguồn lợi vật chất hay tinh thần). Nếu bạn không thích gặp gỡ nhiều người hay nói những câu chuyện đãi bôi, nghề may, thêu thùa, đan lát, làm hoa nghệ thuật… sẽ khiến bạn vui thích.
#3: Copywriter, nhà văn, nhà biên tập/ viết kịch bản
Yêu cầu “hòa đồng”: 52
Trong trường hợp bạn không khéo tay, nhưng lại có năng khiếu về ngôn ngữ, rõ ràng các công việc đòi hỏi sự sáng tạo về mặt câu chữ, lời văn lời thơ sẽ rất phù hợp với bạn. Đây cũng là một xu thế nghề mới, khi ngành công nghiệp truyền thông – xã hội ngày càng phát triển, và bạn có thể giúp kết nối nhiều người với nhau dù bản thân không giỏi “kết nối” đến thế.
#2: Nghề nông
Mức độ đòi hỏi giao tiếp: 51,5
Với việc đầu tắt mặt tối lo xới đất, gieo hạt, bón phân, rồi đến vụ thì thu hái, phơi sấy… bác nông dân chân chính đâu cần “giỏi nói” làm gì!
#1: Thợ săn
Mức độ đòi hỏi giao tiếp: 51
Không bất ngờ khi O*NET “chấm” nghề đi săn là công việc lặng thầm và hướng nội nhất. Lang thang trên những đồng cỏ bạt ngàn hãy những triền đồi tuyết phủ, tập trung tìm kiếm “con mồi” và đẩy ý chí lên cao độ khi nhắm bắn hay săn đuổi chúng… săn bắn đích thực là cái nghề của trình độ cá nhân!
Quỳnh Anh (Theo BI/ Thế Giới Trẻ)