Bức họa duy nhất trên thị trường của Da Vinci đáng giá bao nhiêu? Một tỉ phú Nga nghĩ rằng mình đã bị lừa khi mua nó với giá 127,5 triệu USD. Ông sẽ được kiểm chứng niềm tin của mình trong buổi đấu giá của một trong những nhà đấu giá nghệ thuật hàng đầu thế giới diễn ra giữa tháng 11 này.
Đấng cứu rỗi thế giới (Salvator Mundi, tên tiếng Anh Savior of the World) là bức họa vẽ chúa Jesus sẽ được nhà đấu giá nghệ thuật Christie's đưa ra đấu giá vào tối thứ tư này (15/11).
Ước tính Salvator Mundi nổi tiếng của thiên tài Leonardo Da Vinci trị giá 100 triệu USD. Nhà đấu giá nghệ thuật lớn của New York và thế giới đã từ chối bình luận về tranh cãi xoay quanh bức họa và chỉ tiết lộ người bán nó là một nhà sưu tập châu Âu.
Ngôi sao của các buổi đấu giá nghệ thuật tại New York vào tháng 11 này là một 'công trình nghệ thuật phi thường', AFP dẫn lời trưởng phòng kiệt tác cổ của nhà Christie's Francois de Poortere. Giá bán của nó sẽ được theo dõi kỹ càng vì đây là một trong số ít hơn 20 bức tranh vẽ tay của Da Vinci được công nhận cho tới nay, và vì vụ kiện tụng giữa ông chủ của nó, chủ sở hữu câu lạc bộ AS Monaco Dmitry Rybolovlev và nhà môi giới nghệ thuật người Thụy Sĩ Yves Bouvier diễn ra tại Monaco.
Trong vụ kiện này, Rybolovlev tố cáo Bouvier đã lừa ông hàng trăm triệu đôla trong nhiều thương vụ bằng cách kê giá quá cao và bỏ túi riêng số tiền chênh lệch. Trong vòng một thập niên qua, Rybolovlev đã bỏ ra một số tiền rất lớn là 2,1 tỉ USD để mua 37 kiệt tác thông qua Bouvier.
Trung tâm của vụ kiện này chính là Salvator Mundi được Bouvier mua của nhà Sotherby's với giá 80 triệu USD vào năm 2013 rồi bán lại cho ông trùm tư bản nước Nga với giá 127,5 triệu USD trong vòng vài ngày sau đó. Kiếm được tiền lời lên tới 47,5 triệu USD (hơn phân nửa giá mua) nhưng Bouvier vẫn cho rằng mình không làm gì sai.
Salvator Mundi là kiệt tác cuối cùng của Da Vinci được tư nhân sở hữu vì hiện nay các tác phẩm nổi tiếng khác của ông đều nằm trong các bộ sưu tập ở các bảo tàng và tổ chức.
Tại trung tâm triển lãm Rockefeller, bức tranh được đồng chủ tịch phòng nghệ thuật đương đại và hậu chiến Mỹ của nhà Christie's Loic Gouzer đánh giá là 'chén thánh với những chuyên gia đấu giá' được treo cạnh minh họa một danh tác khác cũng liên quan tới Da Vinci. Đó là 'Sixty Last Suppers' của Andy Warhol ước tính trị giá 50 triệu USD. 'Sixty Last Suppers' là phiên bản phóng to 60 lần 'The Last Supper' (Bữa tiệc cuối cùng miêu tả bữa ăn trước khi chết của Chúa Jesus) của Da Vinci.
Theo AFP, kỷ lục thế giới về tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất trong một buổi đấu giá là 'Những người phụ nữ Algiers' (The Women of Algiers) của danh họa bậc nhất thế kỷ 20 Pablo Picasso. Bức tranh này được nhà Christie's định giá 179,4 triệu USD vào năm 2015.
The Women of Algiers của danh họa Pablo Picasso, kỷ lục thế giới về đấu giá nghệ thuật với chào giá gần 200 triệu USD
Một số tác phẩm nổi bật khác được nhà Christie's đấu giá là 'Tương phản hình khối' (Contraste de formes) trị giá 65 triệu USD do danh họa Pháp Fernand Leger vẽ năm 1913, hay 'Nông dân trên đồng' (Laboureur dans un champ) năm 1889 của họa sĩ Hà Lan Van Gogh trị giá 50 triệu USD.
Bỏ qua khía cạnh tiền bạc, có một chi tiết thú vị về mặt thưởng thức nghệ thuật xoay quanh vụ đấu giá Salvator Mundi.Theo People, trong số các khán giả đến chiêm ngưỡng kiệt tác của danh họa Leonarda Da Vinci có một Leonardo khác là tài tử hạng A Hollywood Leonardo DiCaprio.
Tác động sâu sắc của bức chân dung Chúa Jesus 500 tuổi từ thế kỷ 16 đến các khán giả tại nhà triển lãm Christie's ở trung tâm Rockefeller, New York đã được nhiếp ảnh gia Nadav Kander ghi nhận trong đoạn clip trên.
DiCaprio nở nụ cười tinh tế trong trang phục nón đen của trẻ bán báo và áo khoác cùng tông trong clip.
DiCaprio cũng sẽ là ngôi sao trong một bộ phim sắp tới về Da Vinci do Appian Way sản xuất dựa trên tiểu sử Da Vinci của Walter Isaacson.
Lược sử bức Salvator Mundi
Salvator Mundi được Leonardo Da Vinci vẽ cho vua Louis XII của Pháp vào khoảng năm 1506-1513. Bức tranh này từng thuộc về vua Anh Charles I và con trai Charles II trong thế kỷ 17 và không có hồ sơ lưu trữ nào về nó giai đoạn 1763-1900. Năm 1958, Salvator Mundi được định giá 45 đồng vàng Anh (tương đương 60 triệu USD theo thời giá hiện nay), rồi biến mất một lần nữa trong nhiều thập kỷ.
Theo các nguồn tin, khó mà phóng đại độ hiếm của bức tranh này vì trong nhiều năm người ta cho là nó đã bị phá hủy và bị nhầm lẫn là bản sao.
Năm 2005, ẩn giấu sau nhiều lớp phủ, Salvator Mundi được phát hiện trong một buổi đấu giá nhỏ tại địa phương ở Mỹ, rồi được trưng bày tại gallery quốc gia London vào năm 2011.
Nhà Christie's cho rằng việc khám phá và khối phục lại bức họa này là 'sự tái phát hiện nghệ thuật vĩ đại nhất của thế kỷ 21'.
Steve Trần (Theo AFP News, People)