Honda SH smartkey có thể bị trộm hay không? Câu trả lời là có! Bằng cách nào? Hãy cùng đọc bài viết dưới đây!
Honda SH smartkey vẫn có thể bị mất trộm
Smartkey mới được Honda áp dụng lên mẫu xe SH từ năm 2015. Sau đó, loại chìa khóa thông minh này bắt đầu được phổ biến trên những mẫu tay ga giá thấp hơn như PCX, SH mode, Lead và Air Blade.
Smartkey được mệnh danh là thiết bị an toàn tuyệt đối nhất hiện nay đối với các dòng xe máy. Tuy nhiên, gần đây, một số người báo mất xe Honda SH có smartkey trong một số nhóm người chơi xe trên mạng xã hội. Sự việc này đã dấy lên câu hỏi liệu smartkey có thực sự an toàn hơn chìa cơ trước đây hay dễ dàng để lộ sơ hở để kẻ gian lợi dụng.
Cấu tạo của smartkey trên Honda SH
Về cấu tạo, hệ thống khóa thông minh gồm thiết bị điều khiển FOB, cụm khóa thông minh, bộ điều khiển khóa (SMT – ECU) được kết nối với bộ vi xử lý trung tâm của xe và khóa mở yên/chìa khóa khẩn cấp trong trường hợp thiết bị điều khiển FOB bị mất, thất lạc hay không sử dụng được.
Bộ khóa hoạt động dựa trên cơ chế đối chiếu mã xác nhận (ID) giữa thiết bị điều khiển FOB – Bộ điều khiển khóa thông minh và bộ vi xử lý trung tâm. Vì vậy, về cơ bản, sản phẩm có khả năng chống trộm ưu việt vì khó có khả năng can thiệp bằng ngoại lực vào ổ khóa.
Hệ thống chìa khóa thông minh đồng thời có tích hợp chức năng báo động khi có ngoại lực tác động vào xe như rung lắc, hoặc di chuyển.
Ngoài ra, người lái không cần phải tra chìa khóa vào ổ hoặc rút chìa khóa ra mà vẫn thực hiện được toàn bộ thao tác như khóa/mở khóa cổ, bật/tắt khóa điện hoặc mở yên xe. Hệ thống cũng tích hợp tính năng xác định vị trí xe, khá tiện lợi khi người sử dụng gửi xe ở các bãi đông và rộng.
Những sơ suất có thể khiến Honda SH bị mất trộm
Sóng smartkey có thể bị dò
Anh Hiểu, một thợ độ xe chuyên nghiệp tại Hà Nội, cho biết, trên thị trường “chợ đen” hiện nay, có một số thiết bị có thể dò sóng Smartkey ở phạm vi gần..
Theo đó, hệ thống FOB trên Smartkey luôn phát sóng và ổ khóa luôn nhận theo nguyên tắc 2M. Trong phạm vi đó, ổ khóa cho phép mở điện và sử dụng như bình thường, các thiết bị dò sóng có thể lợi dụng kẽ hở này để sao chép và bẻ khóa Smartkey.
“Hiện tại, có một số thiết bị bẻ khóa Smartkey bằng cách tạo dò sóng ở phạm vi gần, với chỉ khoảng từ 5 – 10s là bẻ khóa thành công”, anh Hiếu cho biết.
Lộ mã thiết bị FOB
Với mỗi thiết bị FOB có một thẻ ghi mã đi kèm. Luôn nhớ giữ thẻ này cẩn thận, đề phòng trong trường hợp mất chìa cần dùng mã này để mở xe khẩn cấp hoặc mang đến HEAD làm chìa mới. Hơn nữa, tránh để lộ mã chìa ra ngoài để tránh bị kẻ gian lợi dùng sao chép.
Phạm vi 2 mét, vùng không an toàn
Nếu người dùng cầm bộ điều khiển FOB vẫn đứng trong phạm vi 2 mét tranh thủ làm một việc gì khác không để ý đến xe (mua hàng, điện thoại…), thì xe giông như đã tắt máy nhưng vẫn quên chìa, dễ dàng nổ máy bị mất trộm.
Quên gạt về vị trí OFF
Một trong những điểm yếu “chết người” của hệ thống Smartkey là việc người dùng quên gạt ổ khóa về vị trí OFF. Theo cơ chế hoạt động của Smartkey, hệ thống khóa SmartKey có đặc điểm là không cần chìa khóa tra vào ổ mà nó nhận diện khóa khi người lái xe đến gần và tự nhận khi chạm tay vào công tắc xoay, đây chính là kẽ hở để cho những băng đảng trộm cướp hành nghề.
Sự chủ quan của người dùng
Bên cạnh đó, dù an toàn, tuy nhiên, các công nghệ mới cũng khiến nhiều người bỡ ngỡ và phải mất một thời gian để làm quen. Ngoài ra, người Việt thường có tâm lý ỷ lại, tưởng rằng Smartkey có thể chống trộm, cướp hiệu quả nhưng chỉ vì một phút lơ là có thể mất xe dễ như trở bàn tay.
Nguồn: Gia Đình VN