Việc dùng xe ga để lội nước dù có bị chết máy hay không cũng gây ảnh hưởng đến xe, vì vậy cần kiểm tra và bảo dưỡng kỹ các bộ phận như láp, động cơ hay lọc gió sau khi đi qua vùng ngập nước.
Mỗi phương tiện được sản xuất ra đều có mục đích riêng và không phải loại xe nào cũng có thể lội nước, điển hình như xe tay ga. Thế nhưng, nhiều người vẫn rất chủ quan với chiếc xe ga của mình trong đợt ngập lụt do mưa bão vừa qua tại Hà Nội. Hậu quả là nhiều chiếc xe ga đã bị hỏng động cơ sau khi người lái cố sử dụng để vượt qua các con đường ngập.
Người dân dùng xe máy để lội nước trên đường ngập. Ảnh minh họa
Các bộ phận quan trọng của xe ga bị ảnh hưởng khi bị ngập nước
Nhiều người sử dụng vẫn lầm tưởng rằng chỉ cần mực nước ngập thấp hơn ống xả thì xe vẫn có thể đi thoải mái trên đường. Tuy nhiên, suy nghĩ này đã khiến nhiều người phải trả giá. Trên thực tế, việc nước vào ống xả thực sự không quá nguy hiểm, việc xe chết máy do nước vào ống xả chỉ là do nước bịt kín đường thoát hơi, gây chết máy và không gây ảnh hưởng nhiều đến động cơ. Điều đáng ngại nhất khi sử dụng xe ga lội nước chính là nước ngập vào bầu gió, cổ hút và láp của xe.
Khác với xe số, xe ga có bố trí bầu gió khá thấp trong khi láp xe ga được bố trí ngay trục bánh sau. Cả hai bộ phận này đều rất dễ vào nước khi đi đường ngập, đặc biệt là khi có sự tham gia của các phương tiện khác, tạo ra sóng vỗ thẳng vào xe và hai bộ phận nói trên.
Hậu quả tiềm tàng khi sử dụng xe ga để lội nước
Nước vào láp xe
Láp là bộ phận có vị trí thấp nhất của xe ga, vì vậy, gần như chắc chắn rằng bộ phận này sẽ bị nước tràn vào qua ống thông hơi, gây hỏng dầu láp, làm mất khả năng bôi trơn, tản nhiệt, dẫn đến phớt nước bị hư hại, ảnh hưởng trực tiếp đến các bánh răng bên trong.
Láp là bộ phận dễ bị nước tràn vào
Việc chủ quan không vệ sinh và thay dầu láp sau khi lội nước sẽ dẫn đến các hiện tượng như hú láp, lắc ổ bi trụng, ì xe hay thậm chí là vỡ láp. Ngoài ra, láp yêu cầu loại dầu riêng, không thể sử dụng dầu máy để đổ vào láp do sự khác nhau về độ đậm đặc.
Nước vào bầu lọc gió
Nguy hiểm nhất là để nước và bầu lọc gió. Bầu gió là nơi hút gió, đưa khí ô-xy vào để hòa với xăng phun trực tiếp vào buồng đốt. Nếu để nước vào bầu gió hay cổ hút thì khả năng rất cao nước sẽ được hòa lẫn vào xăng để đưa vào buồng đốt. Xăng có thể cháy, nhưng nước thì không, việc để nước lọt vào buồng đốt sẽ dẫn đến thủy kích khi xe vận hành.
Động cơ bị thủy kích có thể làm hư hại hoàn toàn các bộ phận như tay biên, quả piston, hệ thống van xu-páp và đầu bò. Đây đều là các bộ phận thiết yếu của động cơ.
Đó là chưa kể đến việc nước lọt xuống hộp số CVT của xe. Nước khi hòa với dầu, tùy vào lượng nước sẽ tạo cho dầu màu khác nhau, từ màu cà phê, màu nâu nhạt cho đến màu trắng sữa. Đây đều là các dấu hiệu cho thấy nước đã tràn vào hộp số để hòa lẫn với dầu máy. Nếu không chú ý đến vấn đề này thì động cơ coi như bị hỏng hoàn toàn.
Nước lọt xuống hộp số CVT của xe, hòa với dầu khiến dầu chuyển sang màu trắng sữa. Ảnh: Otofun
Bảo dưỡng, khắc phục sau khi dùng xe ga lội nước
Sau khi sử dụng xe ga lội nước, đặc biệt là những khu vực có mực nước cao, dù xe có chết máy khi lội nước hay không, người dùng sau đó bắt buộc vẫn phải xả dầu láp, dầu máy ra để kiểm tra xem có bị vào nước hay không, vệ sinh và thổi khô lọc gió để tránh nước lọt vào buồng đốt.
Trong trước hợp nước đã lọt vào các bộ phận trên, cần vệ sinh sạch, đảm bảo không còn nước đọng, rửa sạch các chi tiết bằng cách đổ và xả dầu thải khoảng 2 đến 3 lần, sau đó mới đổ dầu mới vào. Sau đó, việc thay dầu máy/dầu láp lần sau cũng cần rút ngắn lại để đảm bảo cho các chi tiết luôn được làm mới và bôi trơn đúng yêu cầu.
Với các xe đã bị thủy kích, đương nhiên việc khắc phục sẽ tốt rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức.
Mong rằng với bài viết này, người dùng xe ga sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về việc sử dụng xe để lội nước, cũng như tầm quan trọng của việc bảo dưỡng xe sau khi lội nước, hay thậm chí là dắt bộ xe qua vùng ngập nước.
Nguồn : http://m.tinxe.vn/kham-pha/nhung-hau-qua-khon-luong-khi-dung-xe-ga-de-loi-nuoc-id20180723123817466