Để đối phó với mùa mưa lũ, người sử dụng xe máy đã nghĩ ra khá nhiều phương pháp để chiếc xe của mình trở thành xe lội nước mà không lo chết máy.
Với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay tại nước ta thì việc chuẩn bị cho những chiếc xe máy của mình để đối phó với thời tiết, thiên tai là một điều vô cùng quan trọng. Những phiền toái khi chiếc xe của bạn bị chết máy nơi ngập úng hay vô tình làm xe ngập dưới nước là rất lớn và còn có khả năng gây tổn hại đến kinh tế.
Như vậy, cần phải làm gì với những chiếc xe máy của mình để tăng khả năng chống chịu với ngập úng và có thể dễ dàng vượt qua những đoạn đường ngập trước sự ngưỡng mộ của những người xung quanh ? Đây là câu trả lời cho các bạn.
1. Bảo dưỡng xe
Bước đầu tiên của quá trình 'độ' xe thành xe lội nước chính là bảo dưỡng kĩ lưỡng chiếc xe máy của bạn. Việc này cần được quan tâm và thực hiện một cách nghiêm túc. Khi bảo dưỡng xe, hãy lưu ý đến các đoạn nối của các loại ống dẫn như ống xăng, ống xả, ống nối giữa chế hòa khí vào bộ máy, ống gió lưu thông giữa lọc gió và chế hòa khí. Các loại ống này đều có điểm chung là sẽ được làm bằng cao su và sau một thời gian sử dụng, chúng sẽ bị oxi hóa dần và trở nên cứng, nứt. Các loại ống này cần được kiểm tra và thay mới khi có hiện tượng nứt vỡ để đảm bảo vòng tuần hoàn xăng gió trong xe được kín, chống nước.
Ngoài các loại ống dẫn xăng gió, cần phải lưu ý đến đường điện, các đoạn dây nối hay đầu, chân tiếp xúc của dây điện với các bộ phận khác cần được bọc kín tránh việc chập, cháy điện do hở khi gặp nước.
Một phần quan trọng khác của việc bảo dưỡng đó là kiểm tra vách máy. Các loại xe máy phổ thông như hiện nay, bộ máy của xe được đặt khá thấp và thường ở phía dưới của xe để tránh việc tỏa nhiệt quá lớn vào người điều khiển. Chính vì thế mà bộ phận này chịu rất nhiều tác động của môi trường và dễ dẫn đến sứt mẻ hay nứt hỏng vách máy. Vậy nên, khi bảo dưỡng xe cần quan tâm đến các loại zoăng vách máy cũng như hiện trạng của nó để xử lý bởi nếu nứt hoặc hỏng doăng thì rất có thể nước ngập sẽ vào bộ máy gây hỏng hóc. Để kiểm tra việc này khá đơn giản 'thấy dầu rò rỉ ở đâu thì bịt chỗ đó lại'. Việc này vừa đảm bảo bộ máy luôn sạch sẽ, không bị rò rỉ dầu và ngăn thấm nước vào bên trong động cơ.
Nứt, hở vách máy có thể gây thấm nước, rò rỉ dầu
2. Đưa lọc gió lên cao
Đối với các loại xe ga, việc này là rất quan trọng bởi lọc gió của xe ga thường được đặt khá thấp và sát với động cơ. Lọc gió là bộ phận lọc không khí để đưa vào chế hòa khí sau đó hút thẳng vào buồng đốt. Nếu bộ phận này ngập nước khi xe đang hoạt động thì nước sẽ đi thẳng vào trong động cơ qua chế hòa khí. Khi đó xe sẽ chết máy và có thể gây hỏng hóc nghiêm trọng với chiếc xe của bạn.
Để đưa bộ phận này lên cao hơn, hãy tháo ống nối giữa chế hòa khí và lọc gió, yêu cầu thợ xe sử dụng một đoạn ống nối dài hơn và đưa lên cao, có thể sử dụng các loại lọc gió rời nhỏ gọn như hình dưới đây.
Hiện nay, các loại xe số thường có lọc gió được làm dạng hộp kín và đưa lên khá cao nên xe số nguyên bản có khả năng lội nước tốt hơn so với các loại xe ga thông thường.
3. Sử dụng tẩu bu-gi chống nước
Bugi và tẩu bugi là bộ phận dễ 'đoản mệnh' nhất khí đi vào đường ngập nước bởi bộ phận này sử dụng tiếp xúc điện và được đặt ngay sát với động cơ. Khi đi qua đoạn ngập lụt, bộ phận này gặp nước sẽ gây cản trở, chập tẩu bugi dẫn đến không đánh được điện vào buồng đốt của xe và khi này, xe sẽ không thể nổ máy.
Tẩu bugi chống nước giúp bugi luôn khô, đảm bảo hoạt động
Đây cũng là bộ phận mà hay bị các tiệm sửa xe chặt chém nhất trong mùa mưa lũ. Vì thế, hãy thay cho chiếc xe của mình loại bugi tốt và tẩu bugi chống nước để đảm bảo hoạt động của bộ phận này khi lội nước
4. Đưa ống xả lên cao
Hiện nay, ống xả của các loại xe máy phổ thông thường được đặt rất thấp, do vậy khi đi qua đoạn đường ngập lụt, nếu di chuyển không đều ga, nước sẽ đi ngược từ ống xả vào bộ máy khiến xe bị 'sặc nước' và không thể tiếp tục hoạt động nếu bị nặng. Vì thế, việc đưa ống xả lên cao là rất cần thiết và có thể sử dụng những đoạn ống cao su để bịt kín và đưa việc xả khí thải lên cao hơn, tránh nước chảy ngược vào ống pô.
Phương pháp đưa ống xả lên cao đối phó với đường ngập
5. Điều khiển xe đúng cách
Hơn tất cả, việc điều khiển xe đúng cách khi di chuyển qua các đoạn đường ngập lụt là điều hết sức quan trọng, quyết định cho tất cả các nỗ lực của bạn giúp chiếc xe sống xót.
Đối với xe số: Người điều khiển xe số qua những nơi bị ngập lụt nên về số của xe ở số thấp là số 1 hoặc 2 để đi, chú ý giữ đều ga. Lưu ý nếu ngập quá sâu thì không nên đi qua.
Đối với xe ga: Điều khiển xe chậm và đều ga, nếu gặp nơi nước ngập sâu qua ống pô xe thì không nên điều khiển xe qua những nơi đó.
Đối với xe côn tay: Khi điều khiển xe máy côn tay khi đi qua vùng ngập lụt, bạn nên đi số thấp nhất có thể và giữ đều tay ga, lưu ý chạy âm côn một chút ,không nhả hết côn và cố gắng không để xe chết máy.
Với tất cả các loại xe, khi di chuyển qua đường ngập nước cần lái chắc tay, di chuyển ở những đoạn đường chắc chắn, bằng phẳng.
Trên là 5 phương pháp có thể giúp chiếc xe của bạn trở thành 'tàu ngầm' trong mắt người đi đường vào mùa mưa lũ. Dù có trở thành 'tàu ngầm' đi nữa, tốt nhất nên tránh các tuyến đường thường xuyên ngập lụt sâu để tránh hỏng hóc cho chiếc xe của mình.
Nguồn : http://m.tinxe.vn/tu-van-xe-may/cac-buoc-do-xe-de-bien-chiec-xe-may-cua-ban-thanh-xe-loi-nuoc-trong-mua-mua-lut-id20180726162757797