Mẫu xe bán tải của Ford thống trị phân khúc của mình một cách tuyệt đối với doanh số gấp nhiều lần so với đối thủ cùng phân khúc. Ranger luôn là cái tên được nhắc đến khi khách hàng có nhu cầu sắm một chiếc xe bán tải. Mới đây, Ford Việt Nam đã trình làng phiên bản Ranger 2017 với một số nâng cấp về mặt tiện ích, góp phần giúp đa dạng hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng. Về mặt ngoại và nội thất, Ford Ranger 2017 gần như không có nâng cấp đáng kể nào nên bài viết này chỉ tập trung phân tích 2 sự thay đổi nổi bật nhất trên phiên bản 2017 này, đó là: hệ thống thông tin giải trí Sync 3 và tính năng định vị (Navigation) hoàn toàn mới.
Nâng cấp nhỏ nhưng hiệu quả lớn
Ford là một trong những hãng xe “bình dân” đầu tiên tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng bằng cách tạo ra giao diện thân thiện và hữu ích. Từ thế hệ Sync đầu tiên đến Sync 3, hãng xe Mỹ đã kiên trì nâng cấp hệ thống thông tin giải trí này qua từng thế hệ. Sự nâng cấp từ Sync 2 lên Sync 3 không phải là một sự cải tiến. Đó là một cuộc cách mạng triệt để.
Suốt những năm qua, hệ thống thông tin giải trí MyFord Touch (hay còn được gọi là Sync 2) tuy nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người dùng nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều sự góp ý từ khách hàng. Hệ thống được xây dựng trên nền tảng do Microsoft cung cấp nhưng nó hoạt động chưa thực sự mượt mà và có độ trễ nhất định. Đây cũng chính là động lực để Ford tạo ra Sync 3 hoàn toàn mới.
Với Sync 3, Ford nâng cấp rất nhiều cả về phần cứng. Trên chiếc Ford Ranger 2017, màn hình cảm ứng 8 inch ở giữa bảng táp lô có độ sáng tốt và sắc nét, rất dễ nhìn dù là giữa trưa nắng chói chang. Giao diện Sync 3 được tối giản hết mức có thể với tông màu chính là trắng và xanh, chữ hiển thị màu đen rất nổi bật.
Màn hình này sở hữu công nghệ cảm ứng điện dung tương tự trên điện thoại thông minh. Do đó, nó rất nhạy bén và phản hồi tốt với thao tác của người dùng. Có thể khẳng định sự mượt mà và độ phản hồi của màn hình Ford Ranger thuộc hàng đầu trong cả phân khúc xe bình dân, thậm chí còn nhỉnh hơn màn hình của một số mẫu xe sang. Theo Ford, màn hình cảm ứng mới nhạy hơn màn cũ tới 10 lần. Người dùng còn có thể thực hiện các thao tác quen thuộc như dùng 2 ngón tay để phóng to/thu nhỏ nội dung trên màn hình, vuốt qua lại để chuyển tab hiển thị. Nhìn chung, thao tác với màn hình cảm ứng của Ranger 2017 khá thuận tiện, mượt mà giống như bạn đang sử dụng một chiếc điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, khả năng giao tiếp với xe bằng giọng nói mới là ưu điểm nổi bật nhất của Ranger 2017 nói riêng và xe Ford nói chung. Chỉ với một nút bấm trên vô lăng, người lái có thể ra lệnh cho chiếc xe thực hiện hàng loạt yêu cầu từ đơn giản đến phức tạp. Đây là một tính năng an toàn đáng giá vì người lái vẫn có thể vừa quan sát con đường phía trước, vừa giữ tay trên vô lăng mà vẫn thực hiện được những hành động như điều chỉnh điều hòa, gọi điện thoại hay nghe nhạc.
Ford cho biết họ đã cải tiến để Sync 3 thông minh hơn, phản hồi nhanh hơn, hiểu nhiều khẩu lệnh hơn và còn có thể phân biệt khẩu ngữ địa phương. Hãng xe Mỹ đã bỏ ra tới 18 tháng nghiên cứu, thử nghiệm thực tế và thu thập hơn 22.000 ý kiến phản hồi của khách hàng để hoàn thiện Sync 3. Hệ thống thông tin giải trí Sync 3 tương thích với cả Apple CarPlay và Android AutoLink. Khi cắm chiếc iPhone của bạn vào, màn hình chính lập tức chuyển sang giao diện giống như iOS với những ứng dụng quen thuộc như Phone, Message, Maps hay Music. Ford còn trang bị wifi cho Sync 3, song không phải để phát điểm truy cập hotspot mà chỉ để hệ thống Sync 3 tự động cập nhật qua mạng không dây.
Qua thử nghiệm thực tế, chức năng giao tiếp với xe bằng giọng nói đã đủ nhanh nhạy và mượt mà để trở nên thực sự hữu dụng. Những khẩu lệnh được đơn giản hóa và Sync 3 nhận biết khá chính xác, ví dụ như “Call xxx”, “Set temperature to”, “Radio”, “Bluetooth music” … Cần lưu ý rằng nếu kết nối điện thoại iPhone với xe, bạn sẽ ra lệnh cho Siri thay vì hệ thống Sync 3. Tất nhiên, người ra lệnh cần sử dụng tiếng Anh vì hiện tại, Sync 3 chưa hỗ trợ tiếng Việt.
Hệ thống định vị và chỉ đường hữu dụng
Ranger 2017 còn là mẫu xe đầu tiên của Ford tại Việt Nam được trang bị hệ thống định vị tích hợp trong Sync 3. Một trong những ưu điểm của việc sử dụng bản đồ tích hợp sẵn trong xe thay vì sử dụng bản đồ của iPhone là bản đồ Sync 3 luôn luôn sẵn sàng, bạn không cần kết nối bất kỳ một thiết bị ngoại vi nào. Hơn nữa, bản đồ của iPhone cần dữ liệu di động và sóng GPS của điện thoại được kích hoạt. Tuy vậy, liệu bản đồ của Sync 3 có thể hoàn toàn thay thế bản đồ điện thoại?
Chúng tôi nhận xe tại Sài Gòn và ngay lập tức thực hiện một bài thử nghiệm nho nhỏ dành cho Sync 3: mỗi thành viên trong đoàn sẽ đến một quận khác nhau, và người lái xe phải đón từng người trong thời gian nhanh nhất. Có thể thấy, ưu điểm đầu tiên của hệ thống định vị mới trên Ranger là khả năng chọn nhiều điểm đến cho một hành trình duy nhất. Chỉ sau vài phút, người lái đã nhập được 3 địa điểm đón ở Quận 1, Quận 2, Quận 7 và sẵn sàng lên đường.
Tôi không rõ Ford có sử dụng chung dữ liệu với Google không nhưng gợi ý đường đi của bản đồ Sync 3 và bản đồ Google Maps là y hệt nhau. Điều này cho thấy độ chính xác của bản đồ trang bị trên Ford Ranger mới là khá tin cậy. Tất nhiên, bạn không nên dựa dẫm hoàn toàn vào chỉ dẫn trên bản đồ mà nên chủ động quan sát biển báo và vạch kẻ đường nữa. Sài Gòn là thành phố có sự phát triển và nâng cấp hạ tầng rất nhanh, trong khi dữ liệu bản đồ không thể cập nhật liên tục hàng tháng nên ta không thể đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối trên bất kỳ bản đồ số nào (kể cả Google Maps).
Thao tác nhập địa chỉ cần đến bằng giọng nói không có hiệu quả cao lắm, đơn giản vì hầu hết tên địa điểm đều là tiếng Việt, trong khi Sync 3 hoạt động tốt nhất với tiếng Anh. May thay, việc gõ tên điểm cần đến bằng bàn phím ảo trên màn hình cũng không quá tốn thời gian và danh sách gợi ý khá chính xác. Bạn cũng có thể tùy chọn độ chi tiết và tần suất của chức năng chỉ đường bằng giọng nói – tôi thường tắt tính năng này đi vì nó khá gây xao nhãng cho người lái. Ford còn cung cấp nhiều tùy chọn hữu dụng khác khi sử dụng bản đồ, ví dụ như giữa đích và điểm đến, bạn có thể chọn cung đường đi nhanh nhất có thể, đi dễ nhất, ngắn nhất hoặc tránh những cung đường nhất định mà bạn không muốn đi.
Cuối cùng, 4 thành viên trong đoàn đã tập hợp đầy đủ và trải nghiệm với hệ thống định vị của Ford Ranger trong thành phố là rất tích cực. Chúng tôi quyết định đi tiếp một cung ngoại thành để kiểm chứng khả năng định vị khi đi trên đường trường của hệ thống này. Khi chọn một cung đường dài, bản đồ của Sync 3 cung cấp nhiều tùy chọn hữu ích khác như tránh đường cao tốc, tránh đường có thu phí hay tránh đường phải đi qua phà, tránh đường không được trải nhựa … Hệ thống cũng nhận diện biển báo tốc độ rất chính xác. Nếu xe đi quá tốc độ cho phép, hệ thống định vị sẽ cảnh báo bằng hình ảnh để người lái nhận biết được.
Điểm đến của chúng tôi là đồi cát Bàu Trắng tuyệt đẹp, nơi được mệnh danh là “Dubai thu nhỏ”. Tại đây, chiếc Ford Ranger Wildtrak được phô diễn trọn vẹn sức mạnh từ khối động cơ dầu 3.2 lít tăng áp và hệ thống dẫn động 4 bánh hữu dụng, tự tin chinh phục mọi đồi cát dốc đứng mà nhiều chiếc Jeep hay mô tô 4 bánh chuyên biệt còn phải chịu thua. Kết thúc hành trình, cả 4 chúng tôi đều đồng ý rằng bản đồ của Sync 3 là một sự nâng cấp đáng giá để Ford Ranger giữ vững ngôi vị số một của mình.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)