Trước nhiều sự cố cháy nổ, tai nạn Quảng Ninh muốn giảm niên hạn sử dụng tàu du lịch
Rút ngắn tuổi thọ để đảm bảo an toàn
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, đội tàu du lịch của tỉnh đã phát triển lên tới hơn 500 chiếc (gồm 331 tàu tham quan, 202 tàu lưu trú với trọng tải trung bình 48 khách/tàu); gần 100.000 chuyến/năm với trên 2,5 triệu khách/năm, ngày cao điểm có thể lên tới 900 chuyến/ngày. Trong quá trình hoạt động, đội tàu du lịch đã và đang bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập... Những tàu du lịch có thời gian hoạt động lâu năm (trên 10 năm) bị suy giảm khả năng chịu va đập, chống chìm, nhất là tàu vỏ gỗ...
Do đó, UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị quy định niên hạn hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đối với tàu du lịch vỏ gỗ là 15 năm; đối với tàu du lịch vỏ thép là 25 năm. Về lộ trình áp dụng, đối với tàu du lịch hết thời hạn hoạt động trước ngày 31-12- 2017 được phép hoạt động thêm 1 năm kể từ ngày hết niên hạn sử dụng. Đối với tàu du lịch hết thời hạn hoạt động sau ngày 31-12-2017 sẽ không được gia hạn hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Kiến nghị này của tỉnh Quảng Ninh khá “bất ngờ” và không được Cục Đăng kiểm đồng tình. Theo Cục Đăng kiểm, số lượng tàu tham quan hiện có ở Quảng Ninh là 345 chiếc, trong đó có 60 chiếc vỏ thép, 285 chiếc vỏ gỗ; số lượng tàu lưu trú du lịch, nhà hàng nổi, khách sạn nổi hiện có 201 chiếc, trong đó có 23 vỏ thép, 178 vỏ gỗ. Theo quy định của Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ số phương tiện hết niên hạn sử dụng trên vịnh trong 10 năm tới trên tổng số phương tiện hiện có đối với tàu tham quan vỏ gỗ là 20%; đối với tàu lưu trú du lịch, nhà hàng nổi, khách sạn nổi vỏ gỗ là 27% (tàu vỏ gỗ niên hạn 25 năm, vỏ thép 35 năm - PV).
Theo kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh, tỷ lệ số phương tiện hết niên hạn sử dụng trên vịnh trong 10 năm tới trên tổng số phương tiện hiện có đối với tàu tham quan vỏ gỗ là 46%; đối với tàu lưu trú du lịch, nhà hàng nổi, khách sạn nổi vỏ gỗ là 59%.
Tuổi thọ tàu không phải nguyên nhân tai nạn
Về đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, Cục Đăng kiểm cho rằng, cần phải đánh giá tác động để bảo đảm lợi ích cho chủ phương tiện. Đứng trên phương diện về kinh tế, chủ phương tiện mới đầu tư phương tiện hiện đại sẽ khó thu hồi vốn đầu tư. Ngoài ra, khi xây dựng Nghị định 111/NĐ-CP, các cơ quan liên quan đã tham khảo một số quy định của nước ngoài nhằm vừa đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện vừa tối ưu nhất trong đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, khi xin ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến của Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh về niên hạn sử dụng đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm loại vỏ gỗ là không quá 25 năm. Cục Đăng kiểm cho rằng, để có thể rút ngắn niên hạn hoạt động của phương tiện so với quy định của Nghị định 111/NĐ-CP thì cần phải có thời gian để tổng kết đánh giá.
Về các vụ tai nạn của phương tiện chở khách du lịch trên vịnh Hạ Long, Cục Đăng kiểm dẫn chứng: thời gian qua với 12 vụ cháy tàu và 11 đắm tàu, song qua quá trình điều tra cho thấy, các tàu bị tai nạn đều chưa quá niên hạn sử dụng theo quy định, bởi vậy, vấn đề kỹ thuật và niên hạn sử dụng chưa phải là nguyên nhân chủ yếu liên quan đến các vụ tai nạn của phương tiện chở khách du lịch trên vịnh Hạ Long.
“Chủ trương nâng cao chất lượng nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện chở khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long là cần thiết nhưng nếu giảm niên hạn hoạt động của phương tiện theo kiến nghị của tỉnh thì khối lượng phương tiện phải loại bỏ quá lớn, cần nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện tác động của giải pháp này, đồng thời cần lấy ý kiến của các chủ phương tiện để tạo sự đồng thuận”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho hay.
Ngoài ra, nếu quy định tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đòi hỏi tiêu chuẩn, điều kiện an toàn kỹ thuật phải cao hơn quy định chung thì cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định về cơ chế, chính sách đặc thù riêng, và việc ban hành văn bản này phải phù hợp về thẩm quyền, nội dung và trình tự.
Hải Dương (ANTĐ)