Người dùng cần thao tác chân ga, côn và phanh nhịp nhàng, chặt chẽ nếu không muốn xe số sàn bị giật và chết máy. Đây là khó khăn chung mà nhiều lái mới số sàn thường gặp phải.
Câu hỏi được đặt ra: Khi giảm tốc độ xe số sàn, người lái nên đạp phanh trước hay côn trước để đảm bảo an toàn và không gây hại cho ô tô? Phần lớn tài xế đều cho rằng luôn phải đạp phanh trước rồi mới đạp côn.
Chuyên gia kỹ thuật ô tô Dương Trung Kiên cho biết động tác đạp côn trên xe số sàn sẽ làm cắt ly hợp, khiến chiếc xe trôi theo quán tính. Vì thế, quãng đường và thời gian phanh sẽ bị kéo dài nếu người lái cắt côn trước, dẫn đến việc xe không dừng ngay được và gây nguy hiểm trong tình huống cần dừng khẩn cấp.
Theo ông Kiên, người lái cần chuyển về số thấp hơn khi muốn giảm tốc độ để lợi dụng lực hãm của động cơ. Việc chỉ sử dụng phanh và cắt côn sẽ gây nóng và mòn phanh, có thể dẫn đến mất phanh nếu dùng liên tục.
Các lái mới thường có tâm lý sợ chết máy nên rất hay xử lý đạp côn trước rồi mới phanh. Thói quen này một phần được tạo nên trong quá trình học lái xe vì tốc độ đi trong sa hình rất chậm và sử dụng số thấp.
Ông Nghiêm Xuân Đỉnh - Phụ trách đào tạo Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe LOD (Hà Nội) cũng tán thành với ý kiến trên. Ông cho rằng người lái cần sử dụng phanh trước trong hầu hết mọi trường hợp muốn giảm tốc độ. Dù vậy, đi trong sa hình (lúc tập lái và sát hạch) và đi ngoài đường trường vẫn có sự khác biệt đôi chút.
Ông Đỉnh chia sẻ phần lớn thời gian chạy trong sa hình chỉ dùng số 1 nên các thầy dạy đạp côn trước là đúng, để tránh việc đạp phanh gây chết máy. Tuy nhiên, kinh nghiệm này không thể áp dụng ra ngoài đường trường một cách máy móc.
Cụ thể, ông cho rằng khi tốc độ thấp (số 1) thì nên đạp côn trước khi phanh vì quán tính xe thấp, lúc này đạp côn chỉ với mục đích chống chết máy. Đối với các trường hợp xe đang ở số 2 trở lên, người dùng cần rà phanh trước để xe giảm tốc độ từ từ rồi mới đạp côn.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo tài xế lái xe số sàn hạn chế thói quen ra vào côn liên tục để tránh tình trạng mòn lá côn. Thay vào đó, người dùng chỉ cần đạp côn khi vào số hoặc khi xe chuẩn bị dừng hẳn nhằm đảm bảo xe không bị chết máy hay máy bị giật cục.
Nếu bạn đang giữ thói quen côn rồi mới phanh thì nên tập làm quen lại, để xe lăn bánh và phanh cho tới khi có hiện tượng rung rung xe rồi mới đạp côn.
Tùy vào dòng xe, điều kiện đường sá và cảm nhận của người lái mà thời điểm đạp côn chính xác nhất sẽ khác nhau.
Mua xe đã qua sử dụng tại Đấu Giá Ô Tô trên Carmudi- chương trình đấu giá xe trực tuyến duy nhất tại Việt Nam. Với hàng trăm xe từ người bán trên khắp mọi miền, bạn dễ dàng tìm kiếm một chiếc SUV, Sedan, hatchback, xe tải, xe bán tải… Tham gia đấu giá ngay để thắng chiếc xe mơ ước với mức giá tốt hơn mong đợi.