Trong lúc dừng xe ô tô, nhiều xế mới thường khá lúng túng không biết phải đạp côn trước hay phanh trước khiến tình huống cấp bách trở nên nguy hiểm.
Côn trước hay phanh trước để nói về các bước thực hiện khi muốn phanh dừng trên xe số sàn. Tuy nhiên trong thực tế, côn trước hay phanh trước là thắc mắc của nhiều tài xế ô tô khi muốn dừng xe để đảm bảo an toàn nhất. Nguyên nhân dẫn tới tranh cãi của các tài xế nằm ở chỗ côn trước để tránh chết máy, hay phanh trước mới an toàn hơn?
Côn trước hay phanh trước khi dừng xe ô tô là tình huống khiến nhiều tài xế lúng túng.
Theo nhiều tài xế nhận định trên một số diễn đàn lớn về ô tô, vì nguyên tắc an toàn khi lái xe bao giờ cũng phải ưu tiên phanh trước, chân côn chỉ hỗ trợ để về số thấp tạo phanh động cơ hoặc kiểm soát tránh chết máy. Tuy nhiên nhiều tài xế, nhất là các tài xế mới có thói quen côn trước phanh sau đó là sợ chết máy.
Ở tốc độ thấp thì việc này không ảnh hưởng gì nhiều bởi vì quán tính xe lúc này nhỏ, thế nhưng khi xe đang chạy với tốc độ cao, việc cắt côn trước sẽ làm cho phanh mất tác dụng, qua đó làm mất độ bám vì thế sẽ rất nguy hiểm. Vậy nên theo các chuyên gia về kỹ thuật, để tránh những sai lầm này tài xế nên phanh trước tới khi xe có dấu hiệu dạng như “lựng khựng” thì đạp côn để về số hay đi tiếp. Làm như vậy tài xế vừa chủ động tái lái vừa an toàn vừa bảo vệ xe.
Ngoài ra, khi chạy ở tốc độ cao trên cao tốc, quốc lộ, tài xế cũng cần sử dụng chân côn, nhưng không phải để ngắt cả đoạn dài, mà dùng để chuyển số. Ví dụ xe đang chạy ở tốc độ 80 km/h, muốn phanh để dừng xe, đầu tiên là đạp phanh, không quan tâm tới chân côn. Sau khi xe đã giảm tốc, đạp côn về số thấp, rồi lại rà phanh, đạp côn về số thấp hơn cho đến khi xe chậm đến mức an toàn, tương đương di chuyển trong phố trường hợp ở trên.
Giải thích cho nguyên nhân vì sao không được cắt côn trước khi phanh, một chuyên gia cho biết, khi cắt côn ở tốc độ cao, xe không còn được hãm bởi động cơ, do đó chỉ lăn theo quán tính khiến xe chạy nhanh hơn, giảm độ bám đường của lốp đồng thời khiến thời gian và quãng đường phanh tăng lên, gây nguy hiểm cho những trường hợp cần dừng nhanh.
Trường hợp cần phanh gấp, việc quan tâm nhất là an toàn, do đó chỉ nên dùng phanh. Phản xạ của nhiều tài xế là đạp đồng thời lút cán cả phanh và côn, nhưng như vậy chỉ làm giảm tác dụng phanh như giải thích ở trên. Do đó, việc cần làm duy nhất của tài xế là đạp lút phanh, thậm chí xác định xe có thể chết máy, nhưng “chết người nguy hiểm hơn chết máy”.
An Dương (T/h)
Nguồn: VietQ