Lệ phí trước bạ của ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm 50% từ ngày 15/11 năm nay đến hết 15/5 năm sau, theo dự thảo của Nghị định Bộ Tài chính. Trong trường hợp Chính phủ ký ban hành Nghị định sau ngày 15/11, đợt giảm này sẽ dời thời gian hiệu lực thành từ ngày 1/12 đến hết tháng 5 năm sau.
Sau cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 20/10, Nghị định này dự kiến sẽ được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hiện dự án đang ở giai đoạn lấy ý kiến rộng rãi, sau đó đến tham vấn các bộ, ngành liên quan rồi mới trình Chính phủ xem xét.
Tuy không có ảnh hưởng đến giá xe nhưng việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp giảm chi phí lăn bánh một chiếc xe mới. Theo Bộ Tài chính, đợt giảm này nhằm kích cầu tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước hoạt động và đầu tư sôi nổi trở lại. Có thể số thu sẽ phần nào đó giảm đi nhưng với số lượng xe tiêu thụ tăng, tổng ngân sách được dự đoán vẫn có khả năng tăng.
Chẳng hạn như vào đợt giảm 50% vào nửa cuối năm ngoái, số thu lệ phí trước bạ giảm 7.314 tỷ nhưng cùng lúc tổng số thu ngân sách nhà nước tăng đến 14.110 tỷ đồng.
Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2020 khi chưa có chính sách giảm phí trước bạ, có hơn 102.900 xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu thì vào nửa cuối năm, con số này đã tăng gấp đôi.
Cũng trong dự thảo này, Bộ Tài chính đã trình bày những thách thức của chính sách. Bởi chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của WTO, Việt Nam sẽ phải giải thích với một số nước không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.
Dù vậy, vốn là biện pháp ngắn hạn nên chính sách này chỉ kéo dài trong 6 tháng để gỡ khó cho ngành sản xuất trước ảnh hưởng của Covid-19. Ngoài ra, Bộ cũng cho biết đa phần các hãng sản xuất, lắp ráp ô tô lớn của nhiều nước đều có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, thậm chí là cả nhà máy công suất lớn như của Toyota, Mazda, Hyundai, Kia. Vì vậy, các hãng xe lớn trên thế giới cũng sẽ hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi nội địa này.
Không chỉ ở Việt Nam, Indonesia và Malaysia cũng đã và đang áp dụng chính sách ưu đãi nhằm động viên ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa trong thời kỳ Covid-19.
Với đợt bùng phát trở lại vừa rồi, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã phải hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng. Cụ thể, số xe đăng ký trước bạ lần đầu trong nửa đầu năm nay giảm 24% so với nửa cuối năm ngoái, chỉ đạt hơn 160.000 xe. So với bình quân quý II, số xe đăng ký trước bạ trong quý III chỉ bằng hơn một nửa, tức chưa đến 16.200 xe mỗi tháng. Con số này giảm xuống còn hơn 8.800 xe trong tháng 8.
Dù số ca nhiễm không còn cao như đỉnh điểm của dịch nhưng diễn biến vẫn khó đoán và có thể xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng bất cứ lúc nào. Lượng tồn kho cao, công suất thấp vì thiếu nguồn lao động và nhu cầu người dùng giảm có thể đe doạ nghiêm trọng đến ngành công nghiệp này không chỉ trong năm nay mà còn có thể kéo dài đến các năm sau.
Hồi 25/10, đại diện 11 hãng nhập khẩu như Audi, Volkswagen, Subaru, Volvo, Jeep, Porsche... bày tỏ ý kiến cho rằng xe nhập cũng cần được áp dụng ưu đãi giảm lệ phí trước bạ. Theo họ, Covid-19 ảnh hưởng chung đến tất cả doanh nghiệp kinh doanh ô tô nên việc chỉ ưu đãi cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là không công bằng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng chưa nêu lý do áp dụng giảm thuế với xe nhập khẩu trong dự thảo đang lấy ý kiến.
Mua xe đã qua sử dụng tại Đấu Giá Ô Tô trên Carmudi- chương trình đấu giá xe trực tuyến duy nhất tại Việt Nam. Với hàng trăm xe từ người bán trên khắp mọi miền, bạn dễ dàng tìm kiếm một chiếc SUV, Sedan, hatchback, xe tải, xe bán tải… Tham gia đấu giá ngay để thắng chiếc xe mơ ước với mức giá tốt hơn mong đợi.