Từ sở thích khách hàng
Người tiêu dùng Việt Nam vốn chuộng hàng nhập khẩu, đặc biệt là ô tô. Nhiều khách hàng thậm chí còn khẳng định rằng họ cảm nhận được xe nhập khẩu thường có chất lượng linh kiện cũng như lắp ráp ổn hơn phiên bản nội địa, từ độ chắc chắn, tin cậy, đến các trang bị.
Chính vì tâm lý sính ngoại đó, các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc thường đắt hơn, thậm chí có xe có giá bán gấp rưỡi so với xe lắp ráp. Đơn cử như Toyota Camry nhập khẩu có giá bán tới khoảng trên 2,3 tỷ đồng, gần gấp đôi so với xe lắp ráp trong nước.
Đến bài toán đầu tư
Xuất phát từ thực tế tâm lý và nhu cầu thị trường, một số hãng xe đã mạnh tay đầu tư hệ thống dây chuyền lắp ráp hiện đại, để xóa đi mọi lăn tăn của người tiêu dùng Việt Nam. THACO là tập đoàn tiên phong về hạng mục đầu tư này, trong khi nhà máy của VinFast với hàng nghìn robot tiên tiến cũng đang được xây dựng và sắp đi vào hoạt động.
Nhà máy Mazda của THACO được khánh thành đầu năm 2018, do THACO tự bỏ vốn đầu tư với hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại, tự động hóa và công nghệ mới nhất được chuyển giao từ tập đoàn Mazda Nhật Bản. Dây chuyền hàn bằng robot với công nghệ hàn laser và hệ thống sơn tĩnh điện áp dụng công nghệ phốt phát, định hình bề mặt thuộc loại hiện đại nhất hiện nay. Dây chuyền sơn màu với công nghệ Wet on Wet, tốc độ của robot và lưu lượng phun sơn được kiểm soát bằng hệ thống kiểm soát thông minh, đáp ứng tất cả các yêu cầu khắt khe của Mazda.
Theo Ông NiiNai – Giám đốc Điều hành Mazda khu vực Đông Nam Á cho biết: “Các nhà máy như Hiroshima (Nhật Bản), Nhà máy Thái Lan, Nhà máy THACO Mazda và các nhà máy Mazda trên toàn cầu đều có chung tiêu chí đánh giá về chất lượng và tất cả các nhà máy này đều nằm trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của Mazda. Mazda cùng hệ thống nhà máy toàn cầu thường xuyên tổ chức các hoạt động cải tiến để nâng cao chất lượng”.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng tại nhà máy THACO Mazda, đó là dây chuyền bắn keo làm kín thân xe và chuyền bắn keo chống ồn cũng đều được thực hiện bằng robot thế hệ mới nhất. Áp lực keo từ robot rất đồng đều, đảm bảo yêu cầu phủ kín các khe hở theo yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật, giúp chống ồn hiệu quả.
Ông NiiNai cũng nhấn mạnh rằng: “Với thiết bị máy móc hiện đại và tự động, công nghệ sơn mới, hệ thống quản lý chất lượng và nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn toàn cầu, THACO Mazda là nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda hiện đại nhất khu vực ASEAN, công suất 100.000 xe/năm. Các sản phẩm Mazda được lắp ráp tại Nhà máy THACO Mazda có chất lượng tương đương với các sản phẩm ở nhà máy Mazda tại Nhật Bản”.
Tại sự kiện Mazda “Sản xuất Việt Nam – Chất lượng Nhật Bản”, đại diện Cục đăng kiểm Việt Nam cũng đánh giá cao nỗ lực của THACO trong việc đầu tư công nghệ để cho ra lò những sản phẩm chất lượng toàn cầu.
Đánh giá và lựa chọn
Để giải tỏa những nỗ lo về sự khác biệt chất lượng giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước của Mazda, các nhà báo chuyên ngành ô tô tại Việt Nam được giao 2 chiếc xe CX-5 mới nhất, trong đó có một chiếc nhập khẩu, và chiếc còn lại lắp ráp tại THACO. Đại diện nhà cung cấp không cho biết chiếc xe nào có nguồn gốc ở đâu.
Về hình thức, thật khó có thể phân biệt mức độ hoàn thiện giữa hai chiếc xe ở các khía cạnh, từ độ bóng mịn của sơn, sự đồng đều và khít chặt giữa các chi tiết, cả ngoại thất và nội thất, hay độ dày của thân vỏ. Thậm chí, ngay cả những chi tiết nhỏ như các miếng bọc ghế, cửa gió điều hòa, vô-lăng… cũng đều đạt đến độ hoàn thiện tỉ mỉ như nhau.
Không dừng lại ở việc đánh giá cảm quan, những người tham gia chương trình còn được lái thử 2 chiếc xe với tốc độ từ 25 đến 120km/h trên cùng một đường thử, với các tính huống ôm cua, tăng tốc đột ngột, phanh… Việc cầm lái đồng thời 2 chiếc xe trong cùng một điều kiện sẽ là cơ sở để những chiếc xe bộc lộ ngay những gì khác biệt nếu có.
Nhưng trước câu hỏi: “Hai chiếc xe khác biệt ở điểm nào?”, thì hầu như tất cả những ai tham dự lái thử đều có chung câu trả lời: “Chẳng thấy khác biệt gì cả”. Chỉ đến khi được nhìn tem nhãn xuất xứ, chúng tôi mới biết đâu là chiếc xe nhập khẩu từ Nhật Bản, đâu là chiếc xe lắp ráp tại Việt Nam.
Vấn đề gốc rễ khi sản xuất một chiếc xe đã được THACO giải quyết một cách tốn kém, với kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào một nhà máy hiện đại bậc nhất. Những tiêu chuẩn đánh giá nghiêm ngặt cũng được kiểm soát cả từ phía Mazda Nhật Bản. Các yếu tố này chính là sự bảo đảm “nặng ký” cho những chiếc xe của hãng đang hằng ngày được khai sinh và cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Nguyễn Ngọc (Tổng hợp)